Theo Luật phòng, chống BLGĐ thì BLGĐ là hành vi cố ý của thành viên gia đình gây tổn hại hoặc có khả năng gây tổn hại về thể chất, tinh thần, kinh tế đối với thành viên khác trong gia đình. BLGĐ là vi phạm quyền con người [3].

Trong những năm gần đây, bạo lực gia đình ngày càng có xu hướng gia tăng và tính chất ngày càng phức tạp [6]. Các nghiên cứu trong và ngoài nước cho thấy trẻ em có thể là nạn nhân trực tiếp hoặc gián tiếp phải chịu những hành vi lạm dụng hoặc bạo lực của người lớn [4], [5], [8]. Ở Việt Nam, theo thông cáo báo chí 10 năm thi hành các hoạt động nhân ngày Gia đình Việt Nam và tháng hành động quốc gia về phòng chống BLGĐ năm 2017- Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch thống kê về BLGĐ của các địa phương từ năm 2012 đến năm 2016 cả nước có 127.258 vụ, trong đó, nam giới chiếm 83,69% số người gây BLGĐ, 80% các vụ ly hôn có nguyên nhân từ BLGĐ. Thống kê của đường dây tư vấn và hỗ trợ trẻ em 18001567 của Bộ Lao đông - Thương binh và Xã hội giai đoạn từ 2012-2017, trong tổng số 698 ca thì tỉ lệ trẻ em bị BLGĐ là cao nhất 63,2%. Báo cáo của UNICEF 2016 cảnh báo gần 68,4 % trẻ em Việt Nam độ tuổi từ 1-14 đang bị đối mặt với một dạng bạo lực [7]. Trong môi trường gia đình có bạo lực thì phản ứng của trẻ em có thể là ngay lập tức hoặc xuất hiện muộn hơn. Trẻ có thể phản ứng bằng cảm xúc, hành vi hoặc thể chất [10]. Trong một nghiên cứu về ảnh hưởng của bạo lực gia đình đối với sự hình thành, phát triển nhân cách của trẻ em nhận thấy những trường hợp trẻ em thường xuyên phải chứng kiến BLGĐ hoặc thường xuyên bị BLGĐ, quá trình phát triển nhân cách của các em phân hóa thành hai hướng: (1) Các em trở thành những người khép kín, hay sợ hãi, trầm cảm, xa lánh mọi người; (2) Các em trở nên chai lì và bất cần. Cả hai xu hướng trên nếu không được kịp thời giúp đỡ các em có nguy cơ bị rối nhiễu cảm xúc, rối nhiễu hành vi dẫn đến đánh nhau, có những hành động nổi loạn và lệch chuẩn [5]. Nghiên cứu của Pechtel P, Diego A, Pizzagalli về ảnh hưởng của căng thẳng đầu đời đến chức năng nhận thức và tình cảm nhận thấy ngay cả trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ cũng có thể bị ảnh hưởng do những căng thẳng xảy ra giữa các thành viên trong gia đình. Những tổn thương đầu đời này có thể dẫn đến những gián đoạn trong việc phát triển thể chất và não bộ của trẻ, và thậm chí có thể để lại di chứng suốt đời, gây suy yếu năng lực, hành vi học tập và ảnh hướng sức khoẻ, tinh thần của trẻ sau này [4], [9]. Mức độ của tổn hại do bạo lực gây ra phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có tuổi và các giai đoạn phát triển của trẻ. Việc hiểu được hậu quả BLGĐ đối với trẻ em cũng như nhận diện đúng dấu hiệu trẻ bị BLGĐ có ý nghĩa quan trọng trọng việc hỗ trợ và chăm sóc trẻ bị BLGĐ theo đúng quy trình đã ban hành của Bộ Y tế [1], [2].

1. Ảnh hưởng của bạo lực gia đình đến trẻ em

Trẻ từ 0-5 tuổi

Cảm xúc: Trẻ hay cáu kỉnh, khó chịu, khó kiểm soát sự bực bội, cáu giận; dễ căng thẳng, lo lắng, sợ hãi.

Hành vi: do khó kiểm soát cảm xúc nên trẻ dễ khóc và có những hành vi mà người lớn coi là quấy, hư; trẻ có thể có vấn đề hành vi thoái lùi về tuổi trước đó như mút ngón tay, đái dầm…

Khả năng thiết lập mối quan hệ an toàn: Trẻ bất an trong mối quan hệ với người thân khiến chúng khó khăn trong việc thiết lập, duy trì được mối quan hệ lành mạnh với bạn bè, người khác; trẻ có thể bám dính quá mức với người chăm sóc.

Trẻ từ 6-12 tuổi

Cảm xúc: Sự căng thẳng, lo lắng, sợ hãi vẫn diễn ra. Vấn đề cảm xúc này khiến trẻ dễ gặp khó khăn trong học tập như khó tập trung, khó ghi nhớ kiến thức.

Suy nghĩ: Trẻ ở tuổi này đã phân biệt đúng sai, trẻ có thể có cái nhìn tiêu cực, đổ lỗi cho bản thân, cảm giác có lỗi về những gì xảy ra với bố mẹ. Điều này dẫn đến sự tự ti, và hình ảnh bản thân thấp kém; tiếp tục củng cố suy nghĩ về vai trò giới nam - nữ là liên quan tới sự lạm dụng/ xâm hại (ví dụ nam là người lạm dụng, nữ là người nạn nhân).

Hành vi: tăng nguy cơ trẻ đi bắt nạt những đứa trẻ khác hoặc là nạn nhân - bị trẻ khác bắt nạt, có thể ở một trong hai thái cực hung hăng hoặc rút lui, thụ động; trẻ khó khăn trong việc thiết lập quan hệ với bạn bè.

Trẻ từ 13-18 tuổi:

Ở tuổi này trẻ hình thành cá tính riêng, những trải nghiệm trong môi trường bạo lực có thể khiến chúng: Không học được tính tự chủ, độc lập, tính chịu trách nhiệm. Khả năng giao tiếp tôn trọng người khác và thương lượng thấp. Những khó khăn trên dễ dẫn đến xung đột cha mẹ - con cái, trẻ bỏ nhà, trẻ bỏ học.

Hình ảnh bản thân rất quan trọng với trẻ ở tuổi này, khi gia đình không êm ấm trẻ hay cảm thấy xấu hổ, bất an, điều này làm tăng nguy cơ trẻ sử dụng các hành vi tiêu cực như sử dụng chất gây nghiện (rượu, ma túy, thuốc lá...); tăng khả năng gây hấn với người khác như một cách để ứng phó với bạo lực và sự kỳ thị của mọi người về bạo lực. Khó khăn trong việc tuân theo các quy tắc trong gia đình, nhà trường…

Cảm xúc: thường xuyên mệt mỏi, chán nản, sợ hãi, lo lắng…

Suy nghĩ: dễ có cách nghĩ cực đoan nhất là trong mối quan hệ với người khác

Giấc ngủ: Ngủ nhiều hơn hoặc ít hơn bình thường, hay gặp ác mộng

2. Nhận diện nạn nhân

Thể chất

Vết thương thể chất, kể cả gãy xương mà không giải thích về nguyên nhân, có các vết bầm tím ở mặt, ở chân tay và các vết cắt nhỏ nhưng lời giải thích không phù hợp. Những vết thương lặp lại, đến cơ sở y tế chậm.

Tinh thần, hành vi

+ Gia tăng biểu hiện: Khóc, buồn, cảm giác bất lực, có lỗi

+ Sợ hãi, bám dính, lo âu khi bị xa cách, lo âu với người lạ

+ Ác mộng, hoảng sợ về đêm, khó ngủ, ngủ không ngon giấc

+ Tái trải nghiệm

+ Cô lập bản thân, thu mình thiếu hứng thú trong chơi

+ Hành vi ám ảnh sợ, cảm giác không có tương lai

+ Hành vi thoái lui: đái dầm, mút tay, khóc mè nheo nhiều hơn

+ Hung tính, cơn tức giận bùng phát, hành vi chống đối

+ Dễ giật mình quá mức  

+ Ám ảnh về một chi tiết nào đó của sang chấn

+ Xuất hiện run sợ, xấu hổ hoặc lẩn tránh 

3. Quy trình tiếp nhận và chăm sóc y tế

Kế hoạch hành động về bình đẳng giới của ngành y tế giai đoạn 2016-2020 (Ban hành kèm theo Quyết định số 822/QĐ-BYT ngày 10 tháng 3 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Y tế), ở mục tiêu 2: “Triển khai các hoạt động hỗ trợ giảm thiểu hậu quả đối với sức khỏe của người bệnh là nạn nhân bạo lực gia đình”, chỉ tiêu 3 có viết: 100% cơ sở khám, chữa bệnh thực hiện chăm sóc y tế, thống kê báo cáo và tư vấn cho người bệnh là nạn nhân bạo lực gia đình [2].

Ngày 17/5/2017, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 24/2017-BYT Quy định quy trình tiếp nhận, chăm sóc y tế và thống kê, báo cáo đối với người bệnh là nạn nhân bạo lực gia đình tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Ở chương II - Quy trình tiếp nhận và chăm sóc y tế đối với người bệnh là nạn nhân của BLGĐ tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh không có giường điều trị nội trú gồm 9 điều (từ điều 3 đến điều 11) (Trích Thông tư 24/2017/TT-BYT) [1]:

Điều 3: Tiếp nhận người bệnh

Điều 4: Sàng lọc phát hiện nạn nhân BLGĐA

Điều 5: Lập phiếu ghi chép thông tin nạn nhân BLGĐ

Điều 6: Chăm sóc y tế, hỗ trợ người bệnh là nạn nhân BLGĐ tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có giường bệnh điều trị nội trú, giường lưu bệnh nhân

Điều 7. Chăm sóc y tế đối với người đến khám bệnh, chữa bệnh tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh không có giường điều trị nội trú

Điều 8. Phát hiện hành vi BLGĐ có dấu hiệu tội phạm

Điều 9. Tư vấn các dịch vụ cần thiết cho người bệnh là nạn nhân BLGĐ

Điều 10. Xác nhận việc khám và điều trị cho người bệnh là nạn nhân bạo lực gia đình

Điều 11. Chi phí khám và điều trị cho người bệnh là nạn nhân bạo lực gia đình

KẾT LUẬN

Bạo lực gia đình ở các mức độ khác nhau không chỉ gây hậu quả đối với tất cả các thành viên trong gia đình, đặc biệt là trẻ em, mà còn là nhừng hành vi vi phạm pháp luật. Dù ở mức độ và phạm vi nào, BLGĐ cũng đều gây ảnh hưởng đến sức khoẻ và sự an toàn của trẻ, vì vậy cần được xoá bỏ. Đây không chỉ là trách nhiệm chung của cả cộng đồng và cán bộ y tế mà còn là trách nhiệm đặc biệt của những cán bộ làm công tác chăm sóc sức khỏe cho trẻ em. Do đó việc nâng cao nhận thức, tăng cường hiểu biết và lồng ghép nhận thức về tác động của BLGĐ đối với sức khỏe và sự an toàn của trẻ em trong chương trình Nhi khoa là cần thiết và hữu ích cho thực hành nghề nghiệp của các bác sĩ tương lai. Điều này sẽ góp phần xóa bỏ BLGĐ, nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe toàn diện cho trẻ em. 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1- Bộ Y Tế (2017), “Quy định của thông tư hướng dẫn luật phòng chống BLGĐ về quy trình tiếp nhận, chăm sóc y tế và thống kê, báo cáo đối với bệnh nhân BLGĐ tại cơ sở khám chữa bệnh”, Thông tư 24/2017/TT- BYT, ngày 17/5/2017.

2- Kết hoạch hành động về Bình đẳng giới của ngành Y tế giai đoạn 2016-2020 (Ban hành kèm theo Quyết định số 822/QĐ-BYT ngày 10 tháng 3 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Y tế (Mục tiêu 2-chỉ tiêu 3).

3- Luật số 02/2007/QH12 của Quốc hội : LUẬT PHÒNG, CHỐNG BẠO LỰC GIA ĐÌNH, ngày 21/11/2007. Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2008

4- Tài liệu thảo luận của Liên Hợp Quốc (2014), “Từ bạo lực gia đình đến bạo lực giới tại Việt Nam: mối liên hệ giữa các hình thức bạo lực”, Bản quyền Liên Hợp Quốc tại Việt Nam

5- Trần Thị Sáu (2014), Ảnh hưởng của bạo lực gia đình đối với sự hình thành, phát triển nhân cách của trẻ em.

6- Nguyễn Thị Hồng Thuý (2015), “Bạo lực gia đình và những hệ quả của nó”, Nghiên cứu khoa học, số 09-tháng 11/2015

7- One strategic plan 2017-2021, between The Government of the Socialist Republic of Viet Nam and The United Nations in Viet Nam

8- John Devaney  (2015), “Research Review: The Impact of Domestic Violence on Children”, Irish probation journal Volume 12, October 2015.

9- Pechtel P, Diego A, Pizzagalli, (2011), “Effects of Early Life Stress on Cognitive and Affective Function: An Integrated Review of Human Literature”, Psychopharmacology (Berl). 2011 March ; 214(1): 55–70.

10- Tsavoussis A, Stawicki SP, Stoicea N, Papadimos TJ (2014), “Child-witnessed domestic violence and its adverse effects" on brain development: a call for societal self-examination and awareness”, Front Public Health, Oct 10;2:178.