Bộ môn có đội ngũ cán bộ có trình độ, có chứng chỉ hành nghề và chứng chỉ chuyên sâu về việc sử dụng bảo quản các trang thiết bị. Nhiệm vụ của bộ môn là triển khai các kĩ thuật thăm dò chức năng nhằm phục vụ công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học và tham gia khám chữa bệnh cho các bệnh nhân tại Bệnh viện trường đại học Y Khoa Thái Nguyên và các cơ sở y tế trong tỉnh Thái Nguyên.

Các kĩ thuật bao gồm:

I. ĐIỆN CƠ

Điện cơ là kĩ thuật nhằm mục đích khám nghiệm giúp tìm ra bất thường của hệ thống thần kinh ngoại biên, và cơ. Xác định rõ bất thường đó nằm ở đâu trong hệ thống thần kinh từ đó góp phần hỗ trợ cho các bác sĩ lâm sàng ra quyết định điều trị và tiên lượng bệnh. Các bệnh lý có thể phát hiện tổn thương như: thân tế bào vận động, rễ, sợi trục, tổn thương bao Myelin, synap thần kinh- cơ, bệnh cơ, bệnh lý tổn thương dây V, thần kinh thị giác, thính giác, thần kinh thực vật.

Chỉ định trong một số trường hợp sau:

- Bệnh nhân có than phiền về cảm giác tê cóng, kim châm, kiến bò, đau

- Bệnh nhân yếu cơ, liệt, giảm trương lực cơ, teo cơ

- Bệnh nhân có dấu hiệu đi lại khập khiễng

- Bệnh nhân có giảm hoặc mất phản xạ gân xương

II. TCD (Trancranial Doppler)

Siêu âm Doppler mạch máu não là một kĩ thuật không xâm lấn, không độc hại, không gây đau, sử dụng đầu dò tần số thấp (2 MHz) cho phép xuyên qua được cấu trúc của xương sọ để đo tốc độ, hướng và sự lưu thông dòng chảy trong các động mạch não.

Chỉ định trong một số trường hợp sau:

- Hẹp, tắc mạch, đau đầu, xuất huyết dưới nhện

- Tầm soát thiếu máu hồng cầu liềm ở trẻ em

- Đánh giá tuần hoàn phụ, thông động- tĩnh mạch

- Theo dõi lưu thông dòng chảy trong và sau phẫu thuật

- Theo dõi điều trị kháng đông và tiêu sợi huyết

- Đánh giá khả năng phục hồi sau tai biến mạch máu não

- Hỗ trợ chẩn đoán chết não

III. ĐIỆN NÃO ĐỒ (Electroencephalography)

Điện não đồ là đường ghi lại hoạt động điện học của não thông qua các điện cực đặt trên bề mặt da đầu. Căn cứ vào hình dạng sóng, tần số, tính chất xuất hiện của các sóng trên bản ghi để phát hiện cũng như hỗ trợ chẩn đoán một số rối loạn chức năng bệnh lý tại não. Đây là kĩ thuật an toàn, không xâm nhập, và không độc hại.

Chỉ định trong một số trường hợp sau:

- Chẩn đoán, theo dõi điều trị bệnh động kinh (co giật, ngất…)

- Hỗ trợ chẩn đoán rối loạn giấc ngủ, suy giảm trí nhớ, sa sút trí tuệ, đau đầu…

- Hỗ trợ chẩn đoán chết não, u  não, tai biến mạch máu não, chấn thương sọ não, phẫu thuật não, viêm não, màng não…

IV. ĐO CHỨC NĂNG THÔNG KHÍ PHỔI (SPIROMETER)

Đo chức năng thông khí phổi là phương pháp đánh giá chức năng thông khí của phổi thông qua các thể tích, lưu lượng khí trong chu trình hô hấp (hít vào, thở ra). Đây là kĩ thuật thăm dò chức năng an toàn, không xâm nhập, không đau và không đôc hại.

Chỉ định trong một số trường hợp sau:

- Chẩn đoán xác định, phân biệt bệnh hen phế quản, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) và các bệnh lý có triệu chứng ho, khó thở…

- Tầm soát các đối tượng có nguy cơ cao: hút thuốc, phơi nhiễm với các chất độc hại, tiếp xúc với không khí ô nhiễm…

- Theo dõi điều trị: COPD, hen phế quản, bệnh phổi xơ nang, bệnh thần kinh cơ…

- Lượng giá ảnh hưởng của thuốc và bệnh lý đến chức năng thông khí phổi như lupus ban đỏ, xơ cứng bì, xạ trị…

- Đánh giá chức năng thông khí phổi trước phẫu thuật: vùng ngực và vùng bụng cao.

- Người trên 60 tuổi, béo phì, hút thuốc và có triệu chứng đường hô hấp.

- Giám định thương tật: trong y khoa, công nghiệp, bảo hiểm y tế.

V. ĐO MẬT ĐỘ XƯƠNG BẰNG PHƯƠNG PHÁP DEXA

(Dual Energy Xray Absorptionmetry – DEXA)

Đo mật độ xương bằng phương pháp DEXA là kĩ thuật đo sử dụng tia X năng lượng kép để đo mật độ chất khoáng trong xương, đây là tiêu chuẩn vàng để chẩn đoán loãng xương trên thế giới. Tia X năng lượng kép có liều tia thấp, không xâm nhập, không đau và ít độc hại. Máy có thể tính được chỉ số khối nạc, mỡ, tỷ lệ mất cơ (giảm cơ).

Chỉ định trong một số trường hợp sau:

- Tất cả những người trên 50 tuổi

- Người dưới 50 tuổi nhưng có các yếu tố nguy cơ: tiền sử bản thân hoặc gia đình bị gãy xương do loãng xương, nhẹ cân, hút thuốc lá, phụ nữ sau mãn kinh có sử dụng hormone thay thế trong thời gian dài, người cắt buồng trứng trước 40 tuổi…

- Những người có bất thường về cột sống: xẹp đốt sống, cong vẹo cột sống, thoát vị đĩa đệm…

Nhìn chung, Bộ môn có đội ngũ cán bộ có trình độ, đạt tiêu chuẩn hành nghề đảm bảo công tác giảng dạy, nghiên cứu khoa học và phục vụ người bệnh.

Tác giả chính: TS. Hoàng Thu Soan- Bộ môn Sinh lý học- ĐT: 0915352369