Các trường hợp này cần được can thiệp đặc biệt, nhanh chóng, hiệu quả; nếu không có thể gây nguy hiểm cho người bệnh và những người xung quanh. Trong đó, kích động là cấp cứu tâm thần do rối loạn hành vi tác phong rất hay gặp trong quá trình điều trị, đòi hỏi can thiệp y tế với các biện pháp nhanh nhất.

1. Định nghĩa

Kích động là một trạng thái hưng phấn tâm lý vận động quá mức với các đặc điểm sau:

- Xuất hiện đột ngột.

- Hành vi có tính chất kế tục, không có mục đích rõ ràng.

- Không phù hợp với hoàn cảnh xung quanh.

- Thường mang tính chất phá hoại, nguy hiểm cho bản thân và những người xung quanh, ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội.

2. Nguyên nhân kích động

2.1. Kích động trong các bệnh tâm thần

- Trong bệnh tâm thần phân liệt: thường gặp ở các thể: thể thanh xuân, thể căng trương lực, thể paranoid.

- Trong rối loạn cảm xúc pha hưng cảm: thường ít khi kích động, kích động thường xuất hiện sau các nhân tố có hại như: quá trình hưng phấn kéo dài kèm theo kiệt sức, ở bệnh nhân xơ vữa mạch não hoặc nhiễm trùng, nhiễm độc.

- Động kinh tâm thần: kích động xuất hiện đột ngột kèm theo rối loạn thức kiểu hoàng hôn. Trong trạng thái này bệnh nhân có thể kích động dữ dội, hung bạo, phá mọi cản trở, giết người, cơn kích động mất đi đột ngột, sau cơn bệnh nhân quên toàn bộ.

- Kích động trong rối loạn tâm thần ở người cao tuổi: kích động thường đột ngột, vô nghĩa, không phê phán được, thường xuất hiện về ban đêm.

2.2. Kích động phản ứng

- Do nhận thức sai lầm: thường gặp ở bệnh nhân phủ định bệnh, bệnh nhân cho rằng mình không có bệnh, bị cưỡng bức đến viện để giam giữ.

- Do phản ứng với các sự việc không vừa ý trong phòng bệnh.

- Do say mê theo đuổi mục đích riêng (thường do hoang tưởng, ảo giác chi phối) nhưng bị những người xung quanh cản trở

- Do doạ nạt, yêu sách nhằm thoả mãn mục đích riêng, thường gặp trong chậm phát triển tâm thần.

- Do bị bệnh nhân khác xúi dục hoặc bệnh nhân khác kích động nên kích động theo.

- Kích động sau stress mạnh, thường gặp trong rối loạn phân ly.

- Do thay đổi môi trường đột ngột (chuyển viện, chuyển phòng...), thường gặp ở bệnh nhân chấn thương sọ não, tai biến mạch não.

2.3. Nguyên nhân khác

- Do các bệnh nhiễm độc (rượu, ma tuý,...).

- Do các bệnh nhiễm khuẩn (nhiễm khuẩn huyết, viêm não,...).

- Kích động do các bệnh thực thể của não (u não, bệnh lý mạch máu não, chấn thương sọ não...).

3.  Cách xử trí, theo dõi và chăm sóc

- Khai thác thông tin từ người nhà để tìm nguyên nhân kích động.

- Ổn định trạng thái tâm thần cho bệnh nhân bằng các biện pháp tâm lý thích hợp như: giải thích, động viên (dùng lời lẽ trấn an người bệnh để làm giảm nhẹ tình huống), lắng nghe ý kiến của người bệnh, nếu bệnh nhân bị trói thì cởi trói cho bệnh nhân (nếu có thể được).

- Tiến hành khám ngay (nếu có thể được) về các bệnh cơ thể, các thương tích, các xét nghiệm cận lâm sàng nhằm loại trừ các chống chỉ định khi điều trị.

- Khi bệnh nhân quá kích động, cần tiến hành điều trị ngay theo y lệnh bằng các thuốc: Halopendol 5 mg (tiêm bắp), Seduxen 10 (tiêm bắp) hoặc Aminazin 25mg (tiêm bắp).

- Khi bệnh nhân ngủ, trạng thái tâm thần ổn định, cần tiến hành khám về nội khoa, thần kinh và cho làm các xét nghiệm cần thiết nhằm tìm nguyên nhân gây kích động.

- Khi bệnh nhân tỉnh, thầy thuốc cần có mặt để làm liệu pháp tâm lí nhằm ổn định trạng thái tâm thần cho người bệnh.

- Khi bệnh nhân hết trạng thái kích động chuyển sang thuốc uống, theo dõi các tác dụng phụ của thuốc và tìm hiểu nguyên nhân để điều trị theo nguyên nhân.

- Có thể phối hợp với liệu pháp sốc điện (ECT). Chỉ định trong những trường hợp: kích động trầm cảm (có ý tưởng và hành vi tự sát), kích động căng trương lực, kích động thanh xuân, kích động không dùng được thuốc an thần kinh hoặc kháng thuốc an thần kinh.

Lưu ý: Luôn có nhân viên bảo vệ bện cạnh để có thể giúp cố định người bệnh khi cần thiết, loại bỏ các vật dụng có thể gây nguy hiểm.

4. Quản lý bệnh nhân kích động tại bệnh phòng

- Trong cơn kích động phải quản lý bệnh nhân ở phòng cách ly. Thầy thuốc phải luôn quan sát bệnh nhân để kịp thời phát hiện, can thiệp khi bệnh nhân có những hành vi nguy hiểm.

- Phòng cách ly phải ở khu vực yên tĩnh, hạn chế người nhà ra vào.

- Phòng cách ly phải thoáng mát, bảo đảm ánh sáng, tránh cho bệnh nhân có cảm giác bị giam giữ, có phòng vệ sinh riêng. Thời gian quản lý bệnh nhân ở phòng cách ly càng ngắn càng tốt. Trong trường hợp bệnh nhân quá kích động, có thể cố định bệnh nhân tại giường bằng dây to bản nhưng không được cố định quá 24 giờ.

5. Vận chuyển bệnh nhân tâm thần bị kích động

- Bệnh nhân phải được thực hiện bằng xe chuyên dụng, có cán bộ chuyên khoa hộ tống để kịp xử trí mọi diễn tiến trên đường vận chuyển.

- Trong trường hợp không có xe chuyên dụng, bệnh nhân phải được xử trí bằng các thuốc an thần kinh, khi bệnh nhân ngủ yên ta cho bệnh nhân lên xe cứu thương thông thường hoặc một phương tiện chuyên chở cơ giới nào đó để chuyển bệnh nhân lên tuyến chuyên khoa. Khi chuyển bệnh nhân, cần có nhân viên y tế đi kèm với đầy đủ hồ sơ bệnh án và một số thuốc an thần kinh cũng như các thuốc cấp cứu cần thiết khác để sử dụng (khi cần thiết). Nếu bệnh nhân quá kích động ta có thể cố định bệnh nhân vào cáng.

Lưu ý: người bệnh khi kích động thường mất nước, điện giải, vì vậy cần bồi phụ nước, điện giải, tăng cường dinh dưỡng, chống nhiễm trùng, chống loét.

6. Phòng bệnh

- Tùy theo từng nguyên nhân mà có biện pháp dự phòng cho thích hợp chẳng hạn như như: phát hiện kịp thời và xử lý các bệnh cơ thể, tránh các sang chấn tâm lý, dinh dưỡng đầy đủ, tránh lạm dụng rượu bia và các chất gây nghiện khác,...

- Đối với bệnh tâm thần phân liệt, rối loạn cảm xúc, động kinh cần phải uống thuốc dự phòng đều đặn.

- Tư vấn cho gia đình, cộng đồng trong việc phòng, quản lý, chăm sóc, hỗ trợ người bệnh.

Tác giả: ThS. Triệu Văn Nhật

Bí thư Liên chi đoàn Khoa Điều Dưỡng

GV Bộ môn Điều dưỡng Tâm thần