1. Đặt vấn đề

Sa tạng chậu (Pelvic Organ Prolapse - POP) là sự tụt xuống của tử cung / mỏm cắt, bàng quang, trực tràng, ra khỏi vị trí giải phẫu bình thường vào trong âm đạo.

Sa tạng chậu

Sa tạng chậu là bệnh lý khá phổ biến ở phụ nữ. Theo thống kê tại Mỹ, 24% phụ nữ có ít nhất một triệu chứng của rối loạn chức năng sàn chậu, tần suất này tăng theo tuổi, số lần sinh đẻ và tình trạng béo phì. Nhu cầu chăm sóc về các rối loạn chức năng sàn chậu tăng gấp 2 lần tốc độ phát triển dân số trong 30 năm tới do tăng tương đối tỉ lệ người lớn tuổi và sự hiểu biết của nhà thực hành lâm sàng về các rối loạn này [1]. Điều trị POP đòi hỏi nguồn lực chăm sóc sức khỏe đáng kể, chi phí chăm sóc cấp cứu hàng năm cho các rối loạn sàn chậu ở Hoa Kỳ từ năm 2005 - 2006 là gần 300 triệu đô la [2] và phẫu thuật điều trị sa tạng chậu là một trong những điều trị nội trú phổ biến nhất được thực hiện ở những phụ nữ trên 70 tuổi từ năm 1979 - 2006 [3].

Mặc dù POP có thể không có triệu chứng và ảnh hưởng của nó đến chất lượng cuộc sống của phụ nữ là rất thay đổi. Nhiều phụ nữ mắc chứng sa tạng chậu bị các rối loạn sàn chậu như tiểu và/hoặc tiêu khộng kiểm soát, rối loạn tình dục và đau mạn tính [4]. Điều trị ngoại khoa với bệnh nhân sa tạng chậu nhằm mục đích phục hồi lại cấu trúc nần đỡ, giải phóng khối sa ở âm đạo và cải thiện triệu chứng do các rối loạn chức năng gây ra. Can thiệp ngoại khoa được chỉ định cho những trường hợp sa tạng chậu từ độ 2 trở lên (theo phân loại POP –Q), có triệu chứng hay biến chứng ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống. Vậy với những trường hợp sa nhẹ (độ 1 -2), chưa có biến chứng hay chưa ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống của bệnh nhân chúng ta cần làm gì? Lẽ nào là sự chờ đợi đến khi có chỉ định can thiệp phẫu thuật? Loạt bài viết này tác giả sẽ cung cấp cho bạn đọc những thay đổi về thói quen sinh hoạt trong chăm sóc ban đầu đối với bệnh nhân rối loạn chức năng sàn chậu là một trong những biện pháp điều trị nội khoa với bệnh nhân sa tạng chậu

2. Hướng dẫn tập co cơ sàn chậu

Bài tập co cơ sàn chậu (cửa mình) là bài tập co thắt giúp tăng cường “sức khỏe” cho nhóm cơ vùng này

Những ai cần tập sàn chậu?

- Tập thường quy sau sinh

- Các loại tiểu không kiểm soát (TKKS): khi gắng sức, tiểu gấp KKS, TKKS hỗn hợp, bàng quang tang hoạt, bàng quang giảm trương lực, giảm cảm giác, tiểu tồn lưu

- Tiêu không kiểm soát, táo bón

- Bất đồng vận cơ thắt niệu đạo, cơ thắt mu trực tràng nghịch lý

- Sa tạng chậu mức độ nhẹ, trung bình (độ 1 – 2 theo POP-Q)

- Rối loạn hoạt động và cảm giác tình dục do âm đạo rộng, chứng co thắt âm đạo, giao hợp đau, giảm cảm giác tình dục

- Đau vùng chậu do rối loạn hoạt động thần kinh chi phối vùng chậu, đau cơ, dây chằng

- Là điều trị bổ trợ thường quy và tốt nhất sau phẫu thuật TKKS, sa tạng chậu

Co cơ thế nào cho đúng?

Tại phòng khám, bác sĩ sẽ hướng dẫn cho các bạn cách co cơ đúng. Nếu co cơ sai không những không có hiệu quả mà có thể gây tác dụng ngược lại làm bệnh nặng thêm. Khi về nhà bạn cũng có thể tự cảm nhận co cơ đúng bằng cách như sau:

- Dùng gương soi: ngồi xổm, để gương trước cửa mình. Khi co thắt cơ thấy hậu môn nhăn lại, đi lên. Khi thả lỏng thấy hậu môn bớt nhăn, đi xuống. ·        Khi đi tiểu: thót cơ sản chậu thấy ngắt được dòng nước tiểu (chú ý cách này chỉ áp dụng để cảm nhận sự co cơ đúng chứ không lặp lại nhiều lần khi đi tiểu vì dễ rối loạn chức năng đi tiểu)

- Cho 2 ngón tay mang bao cao su vào âm đạo: khi co cơ thấy ngón tay bị siết, tiếp tục co cơ mạnh hơn thấy ngón tay bị hút mạnh giống như bé nút bình sữa, ngón tay.

- Chú ý trong khi co cơ sàn chậu vẫn HÍT THỞ BÌNH THƯỜNG, KHÔNG GỒNG BỤNG, KHÔNG GỒNG ĐÙI, KHÔNG RẶN XUỐNG KHI TẬP. Khi tập đúng sẽ không ai biết bạn đang tập vì bạn vẫn giữ được hơi thở bình thường. Bạn có thể TẬP Ở MỌI TƯ THẾ: nằm, ngồi, quỳ, đứng và TẬP MỌI LÚC NHỚ RA: đánh răng, nấu cơm, đọc báo, xem tivi, lái xe....

Sau khi đã co cơ đúng thì tôi phải tập như thế nào?

Có 2 bài tập sau

- Co và giữ: co dần đến tối đa, giữ từ 3 - 10 giây, nghỉ 4 giây. Tiếp tục lặp lại như vậy ít nhất 5 lần hoặc đến khi không nhíu được nữa. Nghỉ 2 phút sang bài tập co cơ nhanh

- Co cơ nhanh: co nhanh, mạnh, tối đa và thả lỏng ngay. Làm ít nhất 10 lần hoặc đến khi không nhíu được, tăng dần số lần tùy khả năng

Tạm kết

- RL chức năng SC là tổn thương hệ thống thần kinh, cơ, mô liên kết, dây chằng

- Khi tập các cơ sàn chậu mạnh lên sẽ:

+  Giải quyết hầu hết các vấn đề liên quan đến hệ thống sinh dục, quá trình đi tiểu và đại tiện

+  Hạn chế việc đi tới phẫu thuật hay sử dụng thường xuyên các sản phẩm cho tiểu không kiểm soát

1. McNevin, M.S., Overview of pelvic floor disorders. Surg Clin North Am, 2010. 90(1): p. 195-205, Table of Contents.

2. Sung, V.W., B. Washington, and C.A. Raker, Costs of ambulatory care related to female pelvic floor disorders in the United States. Am J Obstet Gynecol, 2010. 202(5): p. 483.e1-4.

3. Oliphant, S.S., et al., Trends over time with commonly performed obstetric and gynecologic inpatient procedures. Obstet Gynecol, 2010. 116(4): p. 926-31.

4. Rebecca G Rogers, M. and M. Tola B Fashokun, FACOG,, An overview of the epidemiology, risk factors, clinical manifestations, and management of pelvic organ prolapse in women, M. Linda Brubaker, FACS, FACOG , D. Editor, and M. Sandy J Falk, Editors. Jan 15, 2013.