Kính thưa Thầy, Cô giáo, đồng nghiệp và độc giả

Có được sự kiện kỷ niệm 50 năm thành lập và chúc mừng Ngày Nhà giáo của bộ môn, là nhờ vào truyền thống đoàn kết giữa Trường Đại học Y Dược Thái Nguyên và Bệnh viện Lao & Bệnh phổi Thái Nguyên, nhờ vào sự khuyến khích, động viên, tin tưởng và ủng hộ của nhiều cá nhân, tổ chức, học viên sau đại học, sinh viên đại học, các bệnh viện đa khoa và chuyên khoa L&BP. Chúng tôi xin chân thành cảm ơn tất cả những điều đó.

Các thế hệ từ năm 1968 cố bác sĩ, thầy giáo Lê Đình Tư, nối tiếp là thầy Trần Quang Ân, thầy Hoàng Văn Hồng ... cho đến nay là cô Nguyễn Thị Lệ, thầy Hoàng Văn Lâm đã cùng con thuyền lớn Đại học Y Dược Thái Nguyên 50 năm, vượt muôn trùng khó khăn của chiến tranh, gian nan của quan liêu bao cấp, đi đến bến bờ của tự chủ đại học. 50 năm là mốc son đậm nét của quá trình xây dựng, phát triển và trưởng thành. Chúng tôi tự hào về những thành công đã giành được, nhưng hơn thế, chúng tôi luôn ghi nhớ những bài học thiếu hụt và những thất bại, đó chính là những giá trị mang theo hành trang của bộ môn trên con đường phát triển.

Các nhà sử học đã ghi nhận, cuộc chiến với bệnh Lao là một trong những cuộc chiến dai dẳng và khủng kiếp nhất trong lịch sử chiến tranh của loài người. Chiến đấu bệnh lao không chỉ là cuộc chiến ngăn chặn sự lây lan và tấn công của vi khuẩn lao gây hủy hoại cơ thể mà còn là cuộc chiến vượt qua chính bản thân để vững vàng tâm thế làm giảng viên, làm bác sĩ trên mặt trận phòng chống lao. Triết lý nhân văn tích cực đó chính là sợi dây tâm lý sinh học kết nối giữa chúng tôi với các đồng nghiệp, các lãnh đạo, các giảng viên thỉnh giảng BSCK tại các bệnh viện chuyên khoa Cao Bằng, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Hà Giang, Đồng Văn, Sơn La, Yên Bái, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Bắc Giang, Thái Nguyên ... và lan tỏa tới học viên, sinh viên, đến tới người bệnh ... và trên hết, để hướng đến một thế giới không còn bệnh lao.

Tại Kỷ niệm 50 Thành lập và Chúc mừng Ngày Nhà giáo long trọng này, chúng tôi cũng mong muốn được quảng bá thương hiệu và hình ảnh của bộ môn, giới thiệu tiềm năng đào tạo chuyên ngành L&BP tới các ứng viên tương lai. Bộ môn đã mở mã “Chứng chỉ chuyên khoa định hướng L&BP” với thời gian 4 hoặc 6 tháng, tiếp theo sẽ mở mã Bác sĩ chuyên khoa cấp I và cấp II L&BP. Số liệu đào tạo Sau đại học 5 năm vừa qua của bộ môn cho biết: áp dụng giao tiếp điện tử internet đã tạo ra năng suất vượt trội, thu hẹp về khoảng cách và thời gian. Khoảng 200 bệnh án, 30 luận văn luận án, 70 bài báo khoa học, 250 bài tiểu luận, 300 bài thu hoạch, 800 câu hỏi trắc nghiệm, hàng nghìn tài liệu tham khảo trên toàn cầu được lưu thông, trao đổi, đánh giá tại môi trường điện tử và internet. Sánh bước theo hướng đổi mới giáo dục của nhà trường, bộ môn tiếp tục phát triển Internet, công nghiệp 4.0, Elearning, học liệu điện tử, sách điện tử, sách audio. Là bộ môn sớm nhất trong nhà trường có chương trình đào tạo trực tuyến hoàn chỉnh. Theo tư duy logic, trong tương lai gần, sẽ có đỉnh cao gặp gỡ của một Tam Giác Tự Chủ: đó là tự chủ đào tạo, tự chủ bệnh viện, và tự chủ người học. Hay còn gọi là Khai phóng trí tuệ, Khai phóng trách nhiệm và Khai phóng quyền lợi.

Trong không khí đầm ấm tình người, tràn đầy niềm vui thành tích và niềm tri ân này, cho phép tôi thay mặt tập thể Thầy Cô giáo bộ môn xin nhiều lần gửi lời cảm ơn tới các thầy giáo tiền bối của bộ môn, Thầy Hoàng Văn Hồng, Thầy Nguyễn Quang Ẩm đã dày công xây dựng bộ môn; xin được gửi lời cảm ơn đến các Cô giáo, Thầy giáo của bộ môn đã phát huy được truyền thống đoàn kết nội bộ, truyền thống trách nhiệm, nhiệt tình và nỗ lực trong công việc để xây dựng bộ môn phát triển; xin cảm ơn các Cô giáo, Thầy giáo là giảng viên thỉnh giảng tạo thêm sức mạnh cho bộ môn; xin cảm ơn Lãnh đạo bệnh viện cùng toàn thể Y bác sĩ, điều dưỡng, cán bộ viên chức, người lao động của các bệnh viện đã phối hợp và tạo nhiều điều kiện cho chúng tôi; và xin được cảm ơn Nhà trường cùng toàn thể các anh chị học viên, sinh viên Trường Đại học Y Dược Thái Nguyên đã gửi gắm niền tin và trách nhiệm nơi bộ môn chúng tôi.