Hơn 10 triệu đơn thuốc được kê chỉ dùng glucocorticoid đường uống mỗi năm ở Mỹ và quy mô thị trường đã đạt xấp xỉ 10 tỷ USD mỗi năm. Tỷ lệ mắc từ 2-5 trường hợp/1.000.000 người/năm và 10% các trường hợp mới này xảy ra ở trẻ em.

Biểu hiện lâm sàng phổ biến nhất của hội chứng Cushing là béo phì trung tâm, tích mỡ ở mặt, cổ, thân, bụng. Sự tích tụ chất béo theo thời gian tạo thành mặt tròn, bướu mỡ sau gáy. Ngoài ra còn gây ra các biểu hiện khác như rạn da, tím đỏ ở bụng, cơ tứ chi teo, yếu mỏi, rậm lông, trứng cá….

  • Phân loại nguyên nhân gây hội chứng Cushing

Phân loại hội chứng Cushing theo nguyên nhân của Wiebke 2015.

* Hội chứng Cushing phụ thuộc ACTH (bệnh Cushing).

- Khối u tuyến yên tiết ACTH.

- Macroadenome và Microadenome tuyến yên.

- U không xác định.

- Khối u ngoài tuyến yên bài tiết ACTH (hội chứng Cushing cận ung thư) hoặc khối u bài tiết

CRH như: Ung thư phổi, vú, tiền liệt tuyến, gan, cổ tử cung.

* Hội chứng Cushing không phụ thuộc ACTH (hội chứng Cushing).

- U lành tính vỏ thượng thận (adenome).

- Ung thư vỏ thượng thận.

- U dạng nốt vỏ thượng thận.

* Hội chứng Cushing do dùng thuốc ACTH hoặc glucocorticoid.

  • Case lâm sàng

Trẻ nam 19 tháng được chuyển đến khám tại phòng khám nội tiết nhi khoa với tiền sử 2 tháng tăng cân quá mức và mọc lông bất thường. Đứa trẻ được khám tại phòng khám nhi khoa tư nhân 3 tháng trước với tiền sử chảy mũi tái phát và ngủ ngáy. Trẻ được kê thuốc nhỏ mũi (Betamethasone + Neomycin) 01 giọt/ mỗi mũi với 3 lần mỗi ngày trong 03 tháng.

Tuy nhiên, sau 02 tháng sử dụng thuốc, cha mẹ phát hiện ra rằng trẻ tăng cân không phù hợp và khuôn mặt trở nên tròn và mí mắt rất đầy (quần áo trước đó trở nên quá chật đối với trẻ). Trẻ cũng được nhận thấy có sự phát triển lông (mặc dù trẻ được cho là rất nhiều lông từ khi sinh ra). Cân nặng khi sinh của trẻ là 3,2kg. Khám thấy đứa trẻ trông béo phì, có khuôn mặt giống như mặt trăng tròn, rậm lông trên trán, lưng và trên xương mu. Không có lông nách. Thể tích tinh hoàn là 1ml. Cân nặng là 17,5kg (>95th percentile) và sau đó trong vòng 01 tuần trẻ đã tăng lên 18,0kg; chiều cao là 87,5cm (75th percentile); BMI = 22,9 kg/m2.

Betamethasone đã được giảm dần trong 3 tuần và trẻ giảm được 1,5 kg trong giai đoạn này (cân nặng là 16,5kg vào thời điểm dừng sử dụng Betamethasone). Dựa trên lịch sử bệnh, các đặc điểm lâm sàng và cortisol huyết thanh giảm & ACTH giảm đánh giá hội chứng Cushing do thuốc với ức chế tuyến thượng thận. Cha mẹ được tư vấn cần báo cáo cho bệnh viện bất cứ khi nào trẻ bị bệnh. Hai tuần sau khi ngừng dùng Betamethasone, trẻ bị viêm amidan và được uống hydrocortisone 12mg/m2/ngày trong 3 ngày và amoxicillin-clavulanic trong 10 ngày. Sau 3 tháng ngừng sử dụng glucocorticoid, cortisol huyết thanh trở lại giới hạn bình thường (343,27nmol/l). Trẻ hiện đang phát triển rất tốt.

  • Bàn  luận

Glucocorticoid tại chỗ thường được sử dụng trong điều trị viêm mũi dị ứng và hen. Chúng thường được coi là an toàn hơn so với glucocorticoid đường toàn thân vì người ta cho rằng có sự hạn chế về hấp thu theo đường tại chỗ. Hội chứng Cushing sau khi sử dụng glucocorticoid tại chỗ rất hiếm nhưng khi không được giám sát tốt, một số lượng lớn có thể vô tình được sử dụng.

Một số đánh giá hồi cứu đã chỉ ra rằng việc sử dụng Presnisolon liều thấp là 5mg/ngày cũng là yếu tố dự báo gây ra những tác dụng không mong muốn nghiêm trọng. Kasner cho rằng với mức liều thấp hơn liều sinh lý (7,5mg Prednisolone/ngày), một số bệnh nhân vẫn có biểu hiện Cushing. Tác giả cho rằng với mức liều dùng như vậy vẫn nhiều hơn nhu cầu sinh lý của cơ thể mà tuyến thượng thận sản xuất ra và khó có thể suy diễn từ glucocorticoid nội sinh sang glucocorticoid ngoại sinh do độ sinh khả dụng, mức gắn protein, dược động học là khác nhau.

Vậy điều quan trọng là trẻ em được sử dụng glucocorticoid tại chỗ hoặc toàn thân phải được theo dõi chặt chẽ và xem xét việc kê đơn thường xuyên để có thể ngăn ngừa hội chứng Cushing do glucocorticoid.

  • Kết luận

Việc sử dụng glucocorticoid tại chỗ ở trẻ em có thể có hậu quả nghiêm trọng đối với sức khỏe của trẻ em và cần được kê đơn hết sức thận trọng và chỉ sử dụng trong một thời gian rất ngắn. Trẻ em có các đặc điểm gợi ý đến hội chứng Cushing nên được chuyển ngay đến bác sĩ nội tiết nhi khoa để quản lý.