Hình A                                                 Hình B                                               

      Bệnh nhân Nguyễn Văn Th, 62 tuổi

    Bệnh nhân Nguyễn Văn Th, 62 tuổi, cách ngày vào viện 2 tuần bệnh nhân đã được chẩn đoán ung thư biểu mô tế bào gan giai đoạn trung gian, gan xơ, HBV (+), khối u gan kích thước 5cm, thể trạng chung còn khá tốt và bệnh nhân được nhập viện theo hẹn để điều trị ung thư gan bằng phương pháp nút mạch kết hợp với đốt nhiệt sóng cao tần. Chiều cùng ngày chuẩn bị làm can thiệp bệnh nhân xuất hiện kích thích, khó thở nhẹ, toàn thân nổi vân xanh tím dạng lưới, đặc biệt toàn bộ vùng bụng và 2 chi dưới (hình A và hình B), các chỉ số sinh tồn: mạch 100 lần/phút, huyết áp 120/80mmHg, nhịp thở 30 lần/phút, SpO2 90%. Bệnh nhân được cho thở oxy, đặt đường truyền, và lấy máu làm xét nghiệm, nhưng ngay khi lấy máu và cho vào lam kính thì quan sát thấy hiện tượng ngưng kết hồng cầu thành từng đám lớn nhỏ khác nhau khi quan sát bằng mắt thường và trên kính hiển vi (hình C). Bệnh nhân được chỉ định các xét nghiệm khác như: điện tâm đồ, siêu âm tim, chụp X-quang tim phổi tại giường nhưng các kết quả đều trong giới hạn bình thường. Các xét nghiệm để phát hiện bệnh lý viêm mạch (Vasculitis) và hội chứng kháng thể kháng phospholidid (APS) đều loại trừ chẩn đoán này. Xét nghiệm công thức máu cho thấy bệnh nhân có thiếu máu nặng (xét nghiệm lúc nhập viện không phát hiện thiếu máu), LDH tăng cao, Coomb trực tiếp và gián tiếp đều dương tính, chứng tỏ có huyết tán tự miễn, sinh thiết vùng da có nổi vân xanh tím và bệnh nhân được chẩn đoán đây là mảng xanh tím dạng lưới cùng hiện tượng ngưng kết lạnh (Livedo reticularis and cold aglutinins). Sau đó bệnh nhân được truyền máu, dùng Corticoid và sưởi ấm toàn thân (hình D). Các triệu chứng kích thích, khó thở, thiếu máu và các đám xanh tím dạng lưới dần cải thiện sau 2 ngày điều trị. 

Hình C                                                   Hình D

      Hiện tượng “Livedo reticularis” là biểu hiện trên da với các đám đường vằn tím tạo thành hình mạng lưới, do sự sưng và căng lên của các mạch máu nhỏ gây ra bởi các cục máu đông nhỏ gây tắc các mao mạch. Hiện tượng này có thể là nguyên phát hoặc thứ phát do: các bệnh lý gây tăng lipid máu, bệnh lý huyết học (huyết tán, đặc biệt là huyết tán tự miễn, bệnh lý miễn dịch, tình trạng suy dinh dưỡng nặng, nhiễm độc thuốc hoặc hóa chất, ung thư, rối loạn nội tiết. Điều kiện thuận lợi để xảy ra hiện tượng này là khi thời tiết lạnh, và hay gặp ở phần thấp của cơ thể (2 chi dưới). 

 * Một số nguyên nhân gây ra hiện tượng trên:

- Các bệnh lý viêm mạch tự miễn (Vasculitis autoimmune condition):

+ Livedoid Vasculitis (có kèm theo đau và loét ở vùng thấp của cẳng chân).

+ Viêm nút quanh động mạch.

+ Lupus (SLE)

+ Viêm da cơ

+ Lymphoma

+ Ung thư

+ Viêm tụy, viêm tụy mạn tính, lao

- Do thuốc (các thuốc sau có tác dụng phụ có thể gây ra Livedo reticularis):

+ Adderall 

+ Amantadine 

+ Bromocriptine

+ Beta IFN trong điều trị bệnh xơ cứng rải rác

+ Methylphenidate, dextroamphetamine

+ Gefitinib

- Do tắc nghẽn các mao mạch gặp trong một số bệnh hoặc hội chứng:

+ Cryoglobulinaemia 

+ Hội chứng kháng thể kháng phospholipid

+ Hypercalcaemia (tăng canxi máu, sự phân hủy canxi trong các mao mạch gây tắc mao mạch)

+ Các bệnh lý huyết học: đa hồng cầu, tăng tiểu cầu tiên phát, huyết tán tự miễn.

+ Bệnh nhiễm trùng (lao, giang mai, bệnh Lyme)

+ Hội chứng Ehlers-Danlos – bệnh mô liên kết hỗn hợp

+ Pheochromocytoma (U tuỷ thượng thận)

+ Nhiễm Cytomegalovirus  (CMV)

+ Livedo reticularis với bệnh lý polyclonal IgM hypergammopathy

+ Bệnh Churg-Strauss, Sjögren, Sarcoidose

+ Bệnh Moyamoya

“Livedo reticularis” là một triệu chứng gặp trên lâm sàng, nguyên phát hoặc thứ phát. Để chẩn đoán “livedo reticularis” chủ yếu dựa vào các biểu hiện lâm sàng và khai thác bệnh sử, không có xét nghiệm nào đặc hiệu, đặc biệt là hiện tượng “livedo reticularis” nguyên phát. Khi hiện tượng trên là thứ phát trong các bệnh lý nền khác, có thể tiến hành sinh thiết da, các xét nghiệm huyết học, miễn dịch, kháng thể để phát hiện các bệnh lý như SLE, APS. Việc điều trị sẽ phụ thuộc vào nguyên nhân, bệnh lý nền là gì.

Khoa Nội