Dưới đây là một số câu hỏi thường gặp về dịch bệnh Covid-19. Bài viết được tổng hợp từ trang tin chính thức của Tổ chức y tế thế giới, Bộ y tế và ý kiến của các chuyên gia y tế về dịch bệnh này.

1. COVID-19 là gì?

Covid-19 là viết tắt của Coronavirus disease 2019 - một đại dịch truyền nhiễm gây ra bởi vi rút SARS-CoV-2 là một chủng mới của vi rút Corona, gây viêm đường hô hấp cấp ở người và có khả năng lây lan từ người sang người.

2. Nguồn gốc của Vi rút SARS-CoV-2 là gì?

Dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 bắt đầu bùng phát từ tháng 12 năm 2019 tại thành phố Vũ Hán thuộc tỉnh Hồ Bắc, miền Trung Trung Quốc, khi một nhóm người bị viêm phổi không rõ nguyên nhân được phát hiện đều có liên quan tới chợ bán buôn hải sản, động vật hoang dã Hoa Nam thuộc tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc.

3. Vi rút SARS-CoV-2 lây lan như thế nào?

Lây qua tiếp xúc với dịch cơ thể của người bệnh. Ví dụ như: Giọt nước bọt từ việc ho, hắt hơi, sổ mũi. Lây trực tiếp khi tiếp xúc với người bệnh như bắt tay.

Lây truyền gián tiếp: Lây nhiễm khi chúng ta vô tình chạm vào các bề mặt có chứa vi rút, sau đó đưa lên mắt, mũi, miệng và nhiễm bệnh.

Lây nhiễm qua đường phân: Trường hợp này hiếm khi xảy ra. Thường những người chăm sóc bệnh nhân có tỷ lệ bị phơi nhiễm vi rút khi xử lý các chất thải của người bệnh nhiễm vi rút.

4. Thời gian ủ bệnh là bao lâu?

Thời gian ủ bệnh là thời gian từ khi bị nhiễm vi rút đến trước khi khởi phát các triệu chứng lâm sàng. Ước tính thời gian ủ bệnh của Covid-19 trung bình là 5-6 ngày và có thể lên tới 14 ngày. Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo theo dõi việc tiếp xúc với người khẳng định nhiễm vi rút SARS-CoV-2 là 14 ngày.

5. Các triệu chứng của bệnh COVID – 19 là gì?

Các triệu chứng của bệnh nhân mắc Covid-19 từ nhẹ đến nặng có thể bao gồm: sốt, ho và khó thở. Các triệu chứng này có thể xuất hiện từ 2 đến 14 ngày sau khi tiếp xúc với nguồn bệnh.

Tới thời điểm khởi phát, Covid-19 gây sốt và có thể làm tổn thương đường hô hấp. Trường hợp nặng, gây viêm phổi và nhiều cơ quan khác trong cơ thể khiến bệnh nhân tử vong, nhất là các trường hợp có bệnh nền.

6. Sự khác biệt giữa nhiễm Covid-19, cúm hoặc cảm lạnh là gì?

Người nhiễm Covid-19, cúm hoặc cảm thông thường có các triệu chứng hô hấp như sốt, ho và sổ mũi. Mặc dù nhiều triệu chứng là giống nhau nhưng nguyên nhân gây bệnh lại là các vi rút khác nhau. Do vậy, rất khó xác định bệnh nếu chỉ dựa vào triệu chứng. Đó là lý do tại sao cần xét nghiệm để xác định người nhiễm vi rút SARS-CoV-2.

WHO khuyến cáo những người bị ho, sốt và khó thở nên đi khám sớm. Bệnh nhân nên thông báo cho nhân viên y tế nếu họ đã đi du lịch trong 14 ngày trước khi xuất hiện các triệu chứng hoặc nếu họ đã tiếp xúc gần với người bệnh có các triệu chứng đường hô hấp.

7. Kháng sinh có hiệu quả trong việc dự phòng và điều trị Covid-19 không?

Không, kháng sinh không có tác dụng diệt vi rút và chỉ có tác dụng đối với các bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn. Covid-19 là vi rút gây nên, do đó không sử dụng kháng sinh như một biện pháp dự phòng hoặc điều trị.

8. Có thuốc cụ thể nào để dự phòng hoặc điều trị Covid-19 không?

Cho đến nay, không có thuốc cụ thể được khuyến cáo để dự phòng hoặc điều trị chủng mới của vi rút SARS-CoV-2. Tuy nhiên, những người bị nhiễm Covid-19 nên được chăm sóc thích hợp để làm giảm nhẹ và điều trị triệu chứng và người bị bệnh nặng cần được chăm sóc hỗ trợ tích cực. Một số phương pháp điều trị cụ thể đang được thăm dò, kiểm tra thông qua các thử nghiệm lâm sàng. Tổ chức Y tế thế giới đang phối hợp các đối tác để phát triển thuốc điều trị Covid-19.

9. Những biện pháp dự phòng cá nhân nào được khuyến cáo để phòng tránh bệnh Covid-19?

Để bảo vệ bản thân khỏi nhiễm vi rút SARS-CoV-2 chúng ta nên duy trì vệ sinh tay và vệ sinh hô hấp, thực hành an toàn thực phẩm, tránh tiếp xúc gần với bất kỳ ai có triệu chứng bệnh hô hấp như ho và hắt hơi.

– Hạn chế tiếp xúc trực tiếp với người bị bệnh đường hô hấp cấp tính (sốt, ho, khó thở); khi cần thiết phải đeo khẩu trang y tế đúng cách và giữ khoảng cách trên 02 mét khi tiếp xúc.

– Rửa tay thường xuyên với xà phòng và nước sạch trong ít nhất 30 giây. Trong trường hợp không có xà phòng và nước sạch thì dùng các sản phẩm vệ sinh tay có chứa cồn (ít nhất 60% cồn); súc miệng, họng bằng nước muối hoặc nước xúc miệng, tránh đưa tay lên mắt, mũi, miệng để phòng lây nhiễm bệnh.

– Cần che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi, tốt nhất bằng khăn vải hoặc khăn tay, hoặc ống tay áo để làm giảm phát tán các dịch tiết đường hô hấp. Không khạc nhổ bừa bãi nơi công cộng.

– Chỉ sử dụng các thực phẩm đã được nấu chín. Tránh mua bán, tiếp xúc với các loại động vật nuôi hoặc hoang dã.

– Không đi du lịch đến các vùng có dịch bệnh. Hạn chế đi đến các nơi tập trung đông người. Thực hiện các biện pháp bảo vệ cá nhân như sử dụng khẩu trang, rủa tay với xà phòng…

– Giữ ấm cơ thể, tăng cường sức khỏe bằng ăn uống, nghỉ ngơi, sinh hoạt hợp lý, luyện tập thể thao.

– Tăng cường thông khí khu vực nhà ở bằng cách mở các cửa ra vào và cửa sổ, hạn chế sử dụng điều hòa. Thường xuyên lau nền nhà, tay nắm cửa và bề mặt các đồ vật trong nhà bằng các chất tẩy rửa thông thường như xà phòng và các dung dịch khử khuẩn thông thường khác.

– Nếu có dấu hiệu sốt, ho, khó thở phải đeo khẩu trang bảo vệ, thông báo ngay cho cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, khám, điều trị kịp thời. Khai báo trung thực, rõ ràng thông tin về các triệu chứng và lịch trình đã di chuyển trong thời gian gần đây khi có yêu cầu để có biện pháp hỗ trợ đúng.

10. Cuộc chiến chống dịch Covid-19 ở Việt Nam đã bước sang giai đoạn 3, chúng ta cần làm gì để chung tay đẩy lùi dịch bệnh?

Một khẩu hiệu của các nhân viên y tế trên thế giới và Việt Nam: “Chúng tôi đi làm vì bạn. Xin hãy ở nhà vì chúng ta” nhằm truyền thông điệp tới người dân hãy ở nhà, hạn chế việc ra đường để ngăn ngừa nguy cơ lây nhiễm virus. Thủ tướng chính phủ đã nhấn mạnh, các cấp, các ngành, hệ thống chính trị có nhiều cố gắng, “đã quyết liệt rồi, chặt chẽ rồi thì càng quyết liệt, chặt chẽ hơn, phải nêu cao tinh thần trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân”, phải thành công chứ không thất bại, không để lây lan lũy thừa, nhiều người mắc bệnh, người chết tại Việt Nam. Thủ tướng nêu rõ, sự đồng lòng, chung tay vào cuộc, sự nghiêm túc, quyết liệt trong phòng chống, đặc biệt là sự phối hợp trong nhân dân, trong từng đường phố, từng chung cư, từng ngôi nhà và người dân rất quan trọng.

Chúng ta phải nhận thức được nguy cơ trong 2 tuần tới là thời gian quyết định Việt Nam thất bại hay thành công trong chống dịch Covid-19, mặc dù, chặng đường chúng ta đi đã được hơn 2 tháng. Và trong 2 tuần tới, bệnh dịch có biểu hiện rất phức tạp vì số công dân nhập cảnh vào Việt Nam vẫn còn nhiều. Số ca nhiễm tăng lên nhiều hơn so với hai giai đoạn trước, nhưng chúng ta cần bình tĩnh, chủ động thực hiện các biện pháp đóng cửa các dịch vụ không cần thiết để hạn chế tối đa việc tụ tập đông người, thực hiện ăn uống, chăm sóc sức khỏe cho bản thân và gia đình. Không chủ quan, lơ là, cố gắng ở trong nhà càng nhiều càng tốt. Chúng ta có quyền tin tưởng về khả năng khống chế, kiểm soát và đẩy lùi dịch bệnh khi có sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, sự nỗ lực của ngành y tế Việt Nam, sự đồng lòng của các tổ chức, ý thức nghiêm túc và trách nhiệm cao của mỗi người dân trong công tác phòng chống dịch.

ThS Nguyễn Quang Huy – Bộ môn Hóa Dược, Trường Đại học Y Dược Thái Nguyên.

Điện thoại liên hệ: 0984100039. Email: huydhyd@gmail.com