Để có thể phòng và chữa bệnh đúng cách, chúng ta cần hiểu một số vấn đề sau:

1. Tiêu chảy

Tiêu chảy hoặc tháo dạ là tình trạng làm cho chất thải trong ruột tháo ra liên tục nhiều lần dưới dạng nước. Người bệnh có thể đi cầu trên ba lần mỗi ngày và đưa ra ngoài cả vài lít phân lỏng. Bình thường mỗi ngày cơ thể lành mạnh thải ra từ 100-300gr phân, tùy theo số lượng các thực phẩm không được hấp thụ như tinh bột.

Bệnh có thể diễn ra trong 1 hoặc 2 ngày rồi hết mà không cần điều trị. Khi bệnh kéo dài hơn 2 ngày thì nên lưu ý vì đây có thể là dấu hiệu của một bệnh kinh niên nào đó. Tiêu chảy kinh niên có thể kéo dài tới trên 4 tuần lễ.

Nguyên nhân

Tiêu chảy cấp tính thường là do nhiễm các vi khuẩn, vi rút hoặc ký sinh trùng. Trường hợp kinh niên có thể là do rối loạn chức năng của bộ phận tiêu hóa. Sau đây là một số nguyên nhân gây ra tiêu chảy:

·         Tiêu thụ các thức ăn, nước uống có nhiễm các loại vi khuẩn như Salmonella, Escherichia coli (E coli), Shigella.

·         Do các vi rút viêm gan, rotavirus, vi rút herps simplex.

·         Do các ký sinh trùng Giardia lamblia, entamoeba histolyca.

·         Do bất dung (intolerance) với vài thành phần của thực phẩm như đường hóa học, đường lactose trong sữa.

·         Phản ứng với dược phẩm như thuốc kháng sinh, thuốc trị cao huyết áp, trị ung thư. Kháng sinh hủy diệt vi khuẩn tốt xấu, đưa tới mất cân bằng vi sinh vật trong ruột rồi bị tiêu chảy với loại vi khuẩn Clostrium difficile.

·         Tiêu chảy do bệnh của ruột như viêm ruột, bệnh Crohn.

·         Do rối loạn chức năng ruột như trường hợp Hội chứng kích thích ruột

·         Tiêu chảy sau giải phẫu bao tử, túi mật vì thực phẩm xuống ruột quá nhanh và có quá nhiều mật ở ruột.

·         Một trường hợp đặc biệt mệnh danh là Tiêu Chảy Du Lịch (Traveller’s Diarrhea), xảy ra khi đi chơi xa tiêu thụ thức ăn, nước uống nhiễm các vi sinh vật nguy hại.

Dấu hiệu

Dấu hiệu bệnh tiêu chảy gồm có ngầm ngầm đau trong bụng, đầy bụng, buồn nôn, ói mửa, mót đi cầu nhiều lần đôi khi phân lẫn máu và nóng sốt.

Sở dĩ phân nhiều chất lỏng là do mấy nguyên lý:

A - Các phần tử không được hấp thụ như lactose trong sữa tươi, sorbitol trong kẹo nằm lại ở ruột sẽ hút nhiều chất lỏng và chất điện giải khiến cho phân trở nên loãng. Đó là sự tiêu chảy do thẩm thấu.

B - Bình thường, nhiều chất lỏng được tiết ra trong ruột nhưng chúng đều được hấp thụ trở lại trước khi xuống ruột già. Tiêu chảy xảy ra khi hiện tượng tiết chất lỏng trong ruột nhiều hơn là sự tái hấp thụ. Độc tố của vi khuẩn như trong bệnh tả cholera, một vài loại thuốc xổ, chất hữu cơ hoặc kim loại nguy hại có thể gây ra rối loạn này và được gọi là tiêu chảy do sản xuất nhiều chất lỏng.

C - Ống tiêu hóa đều được một lớp niêm mạc bảo vệ. Khi niêm mạc bị tổn thương, chức năng hấp thụ chất dinh dưỡng và chất lỏng của ruột không còn nữa và chất lỏng theo nhau chạy ra ngoài. Đó là trường trường hợp tiêu chảy do viêm và nhiễm đường ruột. Các vi khuẩn Salmonella, E coli, các rotavirus, động vật nguyên sinh Giardia…tiết ra độc tố gây ra loại tiêu chảy này.

D - Để được hấp thụ, thực phẩm và chất lỏng phải nằm ở lại ruột một thời gian cần thiết, bình thường là 12 giờ. Nếu các chất này chỉ thoáng dừng chân rồi kéo nhau thoát ra khỏi ruột thì sẽ dẫn đến tiêu chảy do kém hấp thụ và rối loạn nhu động ruột. Đó là trường hợp cắt bỏ một phần dạ dày, ruột, bắc cầu dạ dày-ruột hoặc hóa chất như Mg trong thuốc chống acid, thuốc xổ táo bón.

Chẩn đoán bệnh

Tiêu chảy thường không gây hại nhưng nếu có các dấu hiệu sau đây, nên đến cơ sở y tế để được thăm khám:

·       Tiêu chảy kéo dài quá 3 ngày

·       Có dấu hiệu khô nước trong người

·       Đau quặn ở bụng và trực tràng

·       Nhiệt độ cơ thể cao hơn 101ºF (38ºC)

·       Máu tươi, máu bầm hoặc chất dầu trong phân

·       Mới đi du lịch về

·       Trẻ em ói mửa liên tục

Bác sĩ sẽ khám bệnh và thực hiện một số xét nghiệm như sau:

·       Xét nghiệm phân để tìm vi sinh vật gây ra bệnh

·       Xét nghiệm máu

·       Nội soi ruột để quan sát tình trạng ruột già, trực tràng

·       Chụp hình X-quang để tìm ra sự thay đổi về cấu trúc của ruột, dạ dày Thường thường chỉ cần thực hiện các xét nghiệm này khi tiêu chảy kéo dài quá 4 ngày, ngoại trừ khi có khử nước, máu trong phân, nóng sốt, đau bụng, giảm huyết áp, dấu hiệu trúng độc.

Biến chứng

Biến chứng quan trọng nhất của tiêu chảy là mất nước, trong cơ thể vì chất lỏng và các chất điện giải như Na. K, Mg, Cl trong người theo nhau chạy ra ngoài. Biến chứng này rất quan trọng ở trẻ em và người già và cần điều trị ngay để tránh các rối loạn trầm trọng cho sức khỏe.

Các dấu hiệu của Khô nước là khát nước, tiểu tiện ít, da khô, mệt mỏi, đầu óc choáng váng. Trẻ em thường có thêm miệng lưỡi khô, sốt, mắt má hóp, ít hoặc không có nước mắt khi khóc.

Điều trị

Tiêu chảy nặng cần được bổ sung chất lỏng và chất điện giải càng sớm càng tốt, qua miệng hoặc truyền tĩnh mạch. Việc truyền tĩnh mạch bắt buộc phải thực hiện ở các cơ sở y tế.

Dược phẩm chống tiêu chảy có thể có ích, nhưng không nên dùng ở người bị tiêu chảy do vi khuẩn hoặc ký sinh trùng gây ra. Nếu dùng thì các vi sinh vật gây bệnh vẫn còn nằm trong ruột và tiếp tục gây hại. Do đó, các bác sĩ đều chữa ngay với kháng sinh thích hợp để tiêu diệt vi khuẩn. Với vi rút thì cứ để tự nhiên lành hoặc dùng thuốc tùy theo loại vi rút. Vì tiêu chảy là dấu hiệu của nhiều bệnh khác nhau, cho nên tìm ra nguyên nhân gây bệnh rồi điều trị là điều cần làm.

Các biện pháp thường áp dụng trong thực tế

·       Uống nhiều nước. Bắt đầu nhấm nháp bất cứ loại nước nào ngoại trừ rượu và nước có nhiều caffeine. Sữa có thể kéo dài tình trạng tiêu chảy nhưng cung cấp chất dinh dưỡng và chất lỏng. Các dung dịch nước điện bù điện giải như Oresol được cung cấp tại các cơ sở y tế, quầy dược…đều rất tốt.

·       Không nên dùng các thuốc chống tiêu chảy (thuốc cầm ỉa) cả đông y và tây y nếu chưa có ý kiến của bác sĩ. Tiêu chảy là để loại bỏ chất độc hại trong ruột, thuốc chống tiêu chảy có thể gây trở ngại cho việc loại bỏ này làm tăng tình trạng nhiễm độc của trẻ.

·       Nghỉ ngơi

Trường hợp các trẻ nhỏ:

·       Tiêu chảy nhẹ không đáng quan ngại nếu cháu ăn uống, chơi đùa bình thường. Chỉ sau vài ngày bệnh sẽ hết kết hợp chăm sóc tại gia đình.

·       Trẻ không bị mất nước hoặc nôn mửa có thể tiếp tục ăn uống như bình thường kể cả sữa mẹ hoặc thực phẩm chế biến, nhưng với số lượng ít hơn, mềm một chút. Tiếp tục nuôi như vậy có thể giảm thời gian tiêu chảy mà còn cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng cho bé.

2. Buồn Nôn và Nôn

Tiếp tục với trường hợp “thượng thổ”, y học gọi là “Buồn Nôn và Nôn”.

Thực ra Buồn Nôn và Nôn không phải là bệnh mà là triệu chứng của nhiều bệnh khác nhau.

Buồn Nôn là cảm giác dạ dày muốn tự trút bỏ hết chất chứa ra ngoài. Còn Nôn hoặc Mửa là động tác tống khứ một cách tự ý hoặc vô tình các thứ trong dạ dày qua miệng. Nhiều người tưởng nôn có nguồn gốc từ bao tử, nhưng thực ra, nôn do một trung tâm đặc biệt trên não bộ kiểm soát. Trung tâm này nhận tín hiệu gây nôn từ nhiều nơi như là bao tử và ruột khi bị nhiễm trùng, ngộ độc thực phẩm hoặc thương tích; từ tai trong khi say sóng, say xe; từ não khi có chấn thương, u bướu, nhiễm trùng não hoặc trong bệnh thiên đầu thống migraine.

Nguyên nhân

Có nhiều nguyên nhân gây ra Nôn:

1 - Nôn vì say sóng, say tàu trong khi di chuyển.

2 - Nôn trong bệnh viêm dạ dày vì các tác nhân kích thích màng lót cơ quan này, như trong trường hợp bị nhiễm vi khuẩn, vi rút, ngộ độc thực phẩm, hóa chất, loét dạ dày.

3 - Nôn trong bệnh tiểu đường, bệnh viêm gan, sỏi thận, suy thận, viêm ruột, viêm phổi, cơn đau thắt ngực, cường tuyến giáp…

4 - Tác dụng phụ của dược phẩm như hóa trị hoặc xạ trị ung thư, thuốc chống đau, viêm, thuốc kháng sinh, rượu, nicotine.

5 - Nghẹt ruột khiến cho thực phẩm không xuống được ruột già và trào ngược lên miệng.

6 - Chấn thương hoặc viêm não, u bướu não, rối loạn tai trong khi di chuyển máy bay, tàu thủy.

7 - Phụ nữ mang thai trong 3 tháng đầu vì thay đổi lượng hormon trong máu.

Thời gian buồn nôn và nôn xuất hiện có thể cho biết nguyên nhân. Nếu triệu chứng xảy ra ngay sau bữa ăn có thể là chỉ dấu của loét dạ dày hoặc do bệnh tâm trí. Nếu xảy ra từ 1 tới 8 giờ sau bữa ăn có thể là do ngộ độc thực phẩm. Bệnh do nhiễm vi khuẩn trong thức ăn thường xuất hiện trễ vì vi khuẩn cần thời gian lâu hơn để gây ra bệnh.

Điều trị

Thường thường nôn tuy có vẻ dữ dằn nhưng có thể tự hết. Đôi khi nôn có thể trở nên nguy hiểm nếu đưa tới khô nước, đặc biệt là ở trẻ em và nếu nôn là dấu hiệu của các bệnh hiểm nghèo như tổn thương não, nghẹt ruột, viêm ruột dư, nhức đầu, u não. Do đó, căn bản điều trị Nôn là tìm ra nguyên nhân gây ra các triệu chứng, vì một khi bệnh chính được chữa khỏi thì nôn không còn nữa. Trong khi chờ đợi, vẫn phải bổ sung chất lỏng mất đi và giảm thiểu nôn.

Nôn gây trở ngại cho việc bổ sung chất lỏng qua miệng cho nên nhiều khi phải chuyền dịch tĩnh mạch, nếu người bệnh có dấu hiệu khô nước. Có nhiều thuốc chống nôn để bác sĩ lựa chọn như promethazine (Phnergan), prochlorperazine (Compazyme), metoclopramide(Reglan).

Chăm sóc tại nhà

Trong nôn mửa, dạ dày đang bị tổn thương, cần được nghỉ ngơi cho nên dung dịch nước bổ sung trong, không cặn bã (clear fluids) được dùng trong 24 giờ đầu. Thí dụ nước lã, nước cốt thịt cá, nước trái cây không cái, nước đá vụn, kem que. Sau đó, tùy theo tình trạng bệnh, thức ăn bình thường được tiêu thụ dần dần trở lại. Chỉ nên dùng ít một, nhiều lần trong ngày, nhai kỹ để dạ dày khỏi phải làm việc quá sức.

-   Nên tránh sữa trong 48 giờ đầu, vì dạ dày chưa tiêu hóa được đường lactose và tiêu chảy, đầy bụng có thể xảy ra.

-   Tránh thực phẩm nhiều đường hoặc chiên xào, nhiều mỡ, quá cay chua. Không pha lẫn thực phẩm nóng, lạnh, không nấu nướng, gần nhà bếp để tránh cảm giác nôn vì thức ăn nóng bốc hơi.

-   Không nên đánh răng sau khi ăn vì nhiều người bị nôn.

-   Tạm thời ngưng uống các loại thuốc để giảm kích thích bao tử cho tới khi nôn thuyên giảm.

-   Khi có thai, để bớt nôn khi thức dạy buổi sáng, nên ăn một miếng bánh bích quy xốp mỏng không có bơ trước khi rời khỏi giường.

-   Ngồi hoặc nằm nghỉ với gối hơi cao sau khi ăn. Vận động làm cho nôn trầm trọng hơn.

-   Để tránh nôn khi di chuyển xe, máy bay, dùng thuốc chống nôn như Dramamine, Bonine mua không cần đơn thuốc của bác sĩ. Nếu đi xa lâu hơn, xin bác sĩ cho thuốc dán có chất scopolamine (transderm Scop).

-   Bắt đầu ăn thực phẩm đặc 6 giờ sau khi nôn lần cuối.

·    Với trẻ nhỏ, dùng thuốc chống ho để tránh việc ho kích thích nôn. Với trẻ say xe, cho ngồi quay mặt về phía trước, vì nhìn ngang các vật di chuyển nhanh làm tăng nôn mửa.

Khi nào cần đi khám bệnh

Thường thường, nôn chấm dứt từ 6 tới 24 giờ sau khi xuất hiện, khi các chất có hại được tống ra ngoài. Tuy nhiên, các trường hợp sau cần được bác sĩ khám: ·       Trẻ em dưới 6 tuổi mà nôn quá vài giờ cộng thêm tiêu chảy, có dấu hiệu khô nước, nóng sốt và không tiểu tiện trong 6 giờ.

·       Người lớn mà nôn kéo dài 1 ngày hoặc nôn kèm theo tiêu chảy 24 giờ và khi có dấu hiệu khô nước.

·       Cần đến các cơ sở y tế ngay nếu có các dấu hiệu, triệu chứng như lẫn máu trong chất nôn, nhức đầu, rối loạn trí nhớ, kém tinh anh, mệt mỏi, đau bụng, tiêu chảy, nóng sốt.

Kết luận

Trên đây là các hiểu biết căn bản về tiêu chảy, nôn mửa. Biết để phòng tránh, để biết cách xử trí ban đầu trước khi phải tới các cơ sở y tế để khám và điều trị. Trường hợp bị thượng thổ hạ tả liên tục vài ngày, chất thải có máu, lại nóng sốt, nhức đầu,…v.v thì cần đến các cơ sở y tế ngay. Bên cạnh đó, để phòng bệnh cần áp dụng vài nguyên tắc căn bản về vệ sinh an toàn thực phẩm như “không nấu chín, không bóc vỏ, không rửa sạch, không ăn”; rửa tay trước sau khi ăn, khi nấu nướng cũng như sau khi đi vệ sinh… “Phòng bệnh hơn chữa bệnh” chúng ta cần chăm sóc sức khỏe chủ động.

TS.BS. Hạc Văn Vinh sưu tầm