Tinh hoàn không xuống bìu (Undescended Testicles) là tình trạng tinh hoàn dừng lại bất thường trên đường di chuyển từ ổ bụng xuống bìu trong thời kỳ bào thai, làm cho tinh hoàn không ở bìu. Tỉ lệ tinh hoàn không xuống bìu ở trẻ mới sinh đủ tháng từ 3% – 5%, trẻ sinh thiếu tháng từ 17% – 36%. Tinh hoàn không xuống bìu có thể một bên hoặc hai bên. Trong 3 tháng đầu sau sinh, tinh hoàn không xuống bìu có thể di chuyển xuống bìu. Thời gian sau đó, chỉ một số ít trường hợp tinh hoàn tiếp tục di chuyển xuống bìu.

Nguyên nhân: Nguyên nhân dẫn đến tinh hoàn không xuống bìu có thể do bất thường hormone, bất thường thần kinh sinh dục đùi, bất thường giải phẫu (dây kéo tinh hoàn, mào tinh, mạch máu tinh hoàn…)

Dị tật phối hợp: Trẻ bị tinh hoàn không xuống bìu có thể mắc các dị tật phối hợp như dị tật của thận, đường tiết niệu trên, cột sống tách đôi, mơ hồ giới tính, …

Tổ chức học của tinh hoàn không xuống bìu: Các phương pháp nghiên cứu siêu cấu trúc tinh hoàn cho thấy hình ảnh tổ chức học của tinh hoàn không xuống bìu khác với tinh hoàn đã xuống bìu. Số lượng tế bào Leydig giảm và tế bào Sertoli bị teo nếu tình hoàn không xuống bìu không được điều trị cho đến tuổi dậy thì. Xuất hiện tổ chức xơ làm ảnh hưởng đến quá trình sinh tinh trùng. Bất thường tổ chức học không chỉ xảy ra ở tinh hoàn không xuống bìu mà còn cả ở tinh hoàn bên đối diện.

Biến chứng: Tinh hoàn không xuống bìu không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến các biến chứng như xoắn tinh hoàn, giảm khả năng sinh sản thậm chí là vô sinh, ung thư tinh hoàn.

Triệu chứng:

- Không sờ thấy tinh hoàn ở bìu (một bên hoặc hai bên).

- Có thể sờ thấy tinh hoàn ở lỗ bẹn nông, ống bẹn, lỗ bẹn sâu.

- Trường hợp không sờ thấy tinh hoàn ở vùng ống bẹn có thể do tinh hoàn nằm trong ổ bụng, hoặc tinh hoàn bị teo hoặc không có tinh hoàn.

- Siêu âm giúp xác định vị trí, kích thước tinh hoàn ở vùng bẹn. Tuy nhiên siêu âm không có giá trị phân biệt tinh hoàn trong ổ bụng với không có tinh hoàn.

- Chụp cắt lớp vi tính có thể giúp xác định tinh hoàn trong ổ bụng.

- Chụp cộng hưởng từ có thể cho biết hình ảnh ác tính của tinh hoàn không xuống bìu. - Với trường hợp tinh hoàn hai bên không xuống bìu hoặc tinh hoàn một bên không xuống bìu kết hợp với dị tật lỗ tiểu lệch thấp thì cần làm xét nghiệm nhiễm sắc thể một cách hệ thống để xác định giới tính. Làm nghiệm pháp hCG để xem có tinh hoàn hay không.

Điều trị: Tinh hoàn không xuống bìu cần được chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời để tránh các biến chứng. Tuỳ thuộc vào thể bệnh và tuổi bệnh nhân mà lựa chọn phương pháp điều trị khác nhau. Nên điều trị cho trẻ bị tinh hoàn không xuống bìu trong độ tuổi từ 6 đến 12 tháng tuổi vì hiếm khi tinh hoàn tự xuống bìu sau 6 tháng tuổi.

Điều trị bằng nội tiết: Điều trị bằng nội tiết không phải là liệu pháp bắt buộc cho tất cả các các trường hợp tinh hoàn không xuống bìu. Kết quả điều trị bằng nội tiết tuỳ thuộc vào thể bệnh.

Điều trị bằng nội tiết nên bắt đầu lúc 6 tháng tuổi. Phương pháp này nên được áp dụng cho bệnh nhân dưới 12 tháng tuổi, ẩn tinh hoàn hai bên, bệnh nhân trên 1 tuổi có kích thước tinh hoàn đo trên siêu âm thấy nhỏ hơn bình thường, tinh hoàn ở lỗ bẹn sâu hoặc ở trong ổ bụng.

Các thuốc nội tiết được sử dụng là HCG dạng tiêm (biệt dược là Pregnyl, Profasi), GnRH dạng xịt mũi.

Điều trị phẫu thuật: Phẫu thuật điều trị tinh hoàn không xuống bìu là một phẫu thuật chức năng, vì vậy phải được tiến hành bởi các phẫu thuật viên chuyên khoa. Cần phẫu thuật sớm để tránh các tổn thương về tổ chức học tinh hoàn. Hiện nay, khuyến cáo nên phẫu thuật ở lứa tuổi 6 – 12 tháng. Nguyên tắc phẫu thuật là hạ tinh hoàn xuống bìu và cố định vào cơ Dartos. Tuỳ theo vị trí của tinh hoàn, chiều dài của mạch máu tinh hoàn, ống dẫn tinh mà thực hiện phẫu thuật một thì hoặc hai thì. Phẫu thuật nội soi chẩn đoán đã trở thành tiêu chuẩn vàng trong thăm dò, đánh giá tinh hoàn đối với những trường hợp không sờ thấy tinh hoàn, cho phép xác định chính xác giải phẫu tinh hoàn và quyết định phẫu thuật một thì hay hai thì.

Trong phẫu thuật, nếu tinh hoàn teo nhỏ, bất thường thì nên cắt bỏ, đặc biệt khi bệnh nhân ở lứa tuổi sau tuổi dậy thì.

Sau phẫu thuật có thể có tụ máu vùng bìu, xoắn tinh hoàn, dị cảm vùng bẹn bìu do tổn thương thần kinh chậu bẹn, teo tinh hoàn, ung thư hoá tinh hoàn vì vậy cần phải theo dõi sát sau phẫu thuật cũng như khám định kỳ 6 tháng một lần.

      Bệnh viện Trường Đại học Y khoa có đội ngũ bác sĩ chuyên ngành Ngoại Nhi giàu kinh nghiệm trong điều trị tinh hoàn không xuống bìu. Để được khám, chẩn đoán và tư vấn phương pháp điều trị phù hợp, có thể đăng kí khám chuyên khoa Ngoại vào chiều các ngày thứ 2, 4, 6, từ 13h30 đến 17 giờ; từ 10 giờ đến 11 giờ 30 các ngày thứ 7.