Xoắn tinh hoàn có thể xảy ra mọi lứa tuổi nhưng nhiều nhất ở tuổi thanh thiếu niên. Có thể xoắn tinh hoàn trong tinh mạc hoặc xoắn tinh hoàn ngoài tinh mạc.

Một số yếu tố thuận lợi gây xoắn tinh hoàn:

- Bất thường về vị trí tinh hoàn: tinh hoàn ẩn, tinh hoàn lò xo.

- Bất thường về cấu tạo giải phẫu: như thừng tinh quá dài, bìu quá rộng, không có dây kéo tinh hoàn, cơ nâng bìu dễ co thắt.

Các dấu hiệu của xoắn tinh hoàn:

Khi tinh hoàn bị xoắn thường có các biểu hiện sau:

- Đau đột ngột dữ dội ở bìu, đau lan dọc lên vùng bẹn, có thể đau lan lên vùng hạ vị, hố chậu cùng bên. Với trường hợp tinh hoàn ẩn ở ống bẹn thì đau tại vùng bẹn và lan lên hạ vị, hố chậu, thấy phồng ở vùng bẹn.

- Có thể buồn nôn và nôn.

- Khi mới bị xoắn thường bệnh nhân không sốt, không có đái khó, không đái dắt.

- Nếu phát hiện ở giai đoạn muộn thấy sưng nề đỏ da vùng bìu.

- Khám thấy tinh hoàn to hơn rõ rệt, nằm cao hơn do bị kéo về phía lỗ bẹn nông và nằm ngang. Chạm vào bất cứ vị trí nào của tinh hoàn cũng gây đau.

- Mất phản xạ da bìu.

- Siêu âm doppler tinh hoàn thấy hình ảnh giảm hoặc mất sự tưới máu của tinh hoàn.

Hậu quả của xoắn tinh hoàn:

Tuỳ vào mức độ xoắn tinh hoàn và thời gian xoắn mà gây hậu quả khác nhau. Nếu tinh hoàn bị xoắn trên 360 độ thì tinh hoàn bị thiếu máu nuôi dưỡng, trở nên phù nề và có thể bị hoại tử sau 6h. Vì vậy cần chẩn đoán sớm cho những trường hợp đau bìu cấp để xử trí kịp thời.

Trường hợp tinh hoàn xoắn không chặt, tự tháo xoắn hoặc được phẫu thuật tháo xoắn do có thiếu máu nuôi dưỡng nên vẫn có thể dẫn đến tinh hoàn kém phát triển và teo tinh hoàn.

Những trường hợp đau bìu cấp tính cần phân biệt với xoắn tinh hoàn:

- Viêm tinh hoàn, viêm mào tinh hoàn

- Côn trùng đốt tại bìu

- Xoắn phần phụ tin hoàn, phần phụ mào tinh

- Thoát vị bẹn nghẹt

- Chấn thương bìu

- Phù vùng bìu trong bệnh cảnh phù toàn thân

Điều trị xoắn tinh hoàn:

- Tháo xoắn tinh hoàn: thường chỉ nênn áp dụng với xoắn tinh hoàn ở người lớn.

- Phẫu thuật cấp cứu: Phẫu thuật là nguyên tắc điều trị cơ bản trong xoắn tinh hoàn. Tuỳ tình trạng thiếu máu hay hoại tử tinh hoàn mà có thái độ xử trí phù hợp.

+ Tháo xoắn và cố định tinh hoàn vào vách bìu: Khi tinh hoàn còn khả năng phục hồi.

+ Cắt tinh hoàn: Khi tinh hoàn không còn khả năng phục hồi.

+ Dù có cắt tinh hoàn hay không cắt đều phải khâu cố định tinh hoàn bên đối diện.

Phẫu thuật thăm dò: Trường hợp đau bìu cấp mà không xác định được có xoắn tinh hoàn hay không xoắn tinh hoàn thì nên chỉ định phẫu thuật thăm dò để xử trí thích hợp, kịp thời.

Kết luận:

Xoắn tinh hoàn là một cấp cứu ngoại khoa thường gặp ở lứa tuổi thanh thiếu niên, cần được chẩn đoán sớm và phẫu thuật ngay để tránh phải cắt bỏ tinh hoàn do hoại tử.

Trường hợp nghi ngờ không loại trừ có xoắn tinh hoàn không nên phẫu thuật thăm dò để xác định chẩn đoán và xử trí phù hợp.

         

 Hình ảnh bìu trái

của bệnh nhân 3 tuổi bị xoắn tinh hoàn       

Hình ảnh tinh hoàn xoắn có màu tím đen

không có khả năng bảo tồn