Bầu cử và ứng cử vào các cơ quan đại diện của Nhân dân là các quyền cơ bản của công dân. Qua đó, người dân có thể tham gia vào quá trình quyết định các vấn đề quan trọng của địa phương và trong phạm vi cả nước.

Quyền bầu cử và ứng cử đã được Hiến pháp qua các thời kỳ ghi nhận. Hiến pháp năm 2013, Luật Tổ chức Quốc hội năm 2014 (được sửa đổi bổ sung năm  2020), Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2019), Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân năm 2015 đã có những nội dung đổi mới quan trọng, tiếp tục đề cao và phát huy quyền của Nhân dân trong bầu cử, ứng cử để lập ra cơ quan đại diện, cơ quan quyền lực nhà nước ở trung ương và địa phương là Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp.

Thông qua việc bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân, Nhân dân ta sẽ lựa chọn những đại biểu xứng đáng vào Quốc hội hoặc Hội đồng nhân dân để thực thi quyền làm chủ của mình. Vì vậy, việc lựa chọn những người bảo đảm tiêu chuẩn, xứng đáng đại diện cho Nhân dân tham gia vào các cơ quan quyền lực nhà nước là yêu cầu quan trọng và có ý nghĩa chính trị to lớn.

Ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 đã được ấn định là Chủ nhật, ngày 23 tháng 5 năm 2021. Để phục vụ các tổ chức phụ trách bầu cử, các cơ quan, tổ chức, đơn vị và cử tri nghiên cứu, tìm hiểu và thực hiện những nội dung của pháp luật về bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân, Hội đồng bầu cử quốc gia tổ chức biên soạn cuốn sách “Hỏi - Đáp về bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026”. Cuốn sách gồm các nội dung cơ bản sau đây:

           Phần thứ nhất: Những vấn đề chung.

           Phần thứ hai: Các tổ chức phụ trách bầu cử.

           Phần thứ ba: Cử tri và danh sách cử tri.

           Phần thứ tư: Việc ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân.

           Phần thứ năm: Tổ chức hiệp thương, giới thiệu người ứng cử

           Phần thứ sáu: Tuyên truyền, vận động bầu cử.

           Phần thứ bảy: Ngày bầu cử, nguyên tắc, trình tự bỏ phiếu, kiểm phiếu và xác định kết quả bầu cử.

Trong sách có tổng cộng 207 câu hỏi và nội dung trả lời được biên soạn dựa trên cơ sở quy định của Hiến pháp, Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân, các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan, các chỉ thị, hướng dẫn của Hội đồng bầu cử quốc gia và các cơ quan khác có thẩm quyền. Đặc biệt, một số vấn đề vướng mắc trong quá trình tổ chức bầu cử, được nhiều cơ quan, tổ chức và địa phương quan tâm đã được Hội đồng bầu cử quốc gia hướng dẫn, giải đáp từ cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 cũng đã được tập hợp, biên tập, bổ sung vào cuốn sách này để các cơ quan, tổ chức và cử tri tiện tham khảo, tra cứu, sử dụng trong cuộc bầu cử lần này.

Trong quá trình biên soạn cuốn sách, khó tránh khỏi những thiếu sót hoặc chưa đề cập hết các vấn đề được xã hội quan tâm. Chúng tôi mong nhận được những ý kiến đóng góp của bạn đọc.

Xin trân trọng giới thiệu.