I. TRƯỜNG ĐẠI HỌC Y KHOA THÁI NGUYÊN VỚI CUỘC KHÁNG CHIẾN CHỐNG MỸ CỨU NƯỚC, GIẢI PHÓNG MIỀN NAM THỐNG NHẤT ĐẤT NƯỚC (1968 - 1975)         

Cuối những năm 50 của thế kỷ XX, tại khu Capler - Thị xã Thái Nguyên, nay là số 284 Đường Lương Ngọc Quyến - Thành phố Thái Nguyên, Chính phủ nước Việt Nam dân chủ cộng hòa thành lập Trường Y sĩ Việt Bắc thuộc Khu tự trị Việt Bắc. Đến năm 1968, trường đã đào tạo 20 khóa y sĩ cho đất nước. Trên cơ sở sẵn có của Trường Y sĩ Việt Bắc, ngày 23 tháng 7 năm 1968, Hội đồng Chính phủ đã ra Quyết định số 116/CP thành lập Phân hiệu Đại học Y khoa Miền núi của Trường Đại học Y Hà Nội. Khi đó, trường đang sơ tán tại vùng rừng núi thuộc xã La Hiên, huyện Võ Nhai, tỉnh Bắc Thái.

Ngày đầu thành lập, tổ chức bộ máy nhà trường gồm 4 phòng, 2 ban và 5 liên tổ - bộ môn do Bác sĩ Phạm Đình Lẫm, Giám đốc Sở Y tế Khu tự trị Việt Bắc làm Hiệu trưởng. Lúc đó nhà trường có 25 thầy, cô giáo và hơn 400 sinh viên hệ đại học, trong đó 92 sinh viên đại học hệ chính quy khóa I, nhiều học sinh của các hệ đào tạo như chuyên tu, hàm thụ bổ túc văn hóa... được biên chế thành 17 lớp, có nhiều sinh viên là người dân tộc ít người và 14 sinh viên nước bạn Lào.

Ngày 05/12/1968, tại xóm Hang Hon, xã La Hiên, huyện Võ Nhai và xóm Cầu Mai, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ tỉnh Bắc Thái, nhà trường khai giảng khóa học đầu tiên với gần 1000 học sinh, sinh viên

Ngày 22/3/1969, Khu tự trị Việt Bắc cử đồng chí Hoàng Đức Tôn, Chủ tịch tỉnh Cao Bằng về làm Bí thư Đảng ủy nhà trường. Ngày 8/10/1969, Bộ Y tế bổ nhiệm Bác sỹ Đoàn Ngưỡng làm Hiệu trưởng kiêm Bệnh viện trưởng Bệnh viện Khu Tự trị Việt Bắc, cơ sở của sự kết hợp Viện - Trường đã hình thành từ những năm đầu thành lập trường.

Tháng 11/1970, Đại hội Đảng bộ nhà trường lần thứ I được tiến hành. Đồng chí Hoàng Đức Tôn được bầu làm Bí thư Đảng ủy. Năm học 1970 - 1971, nhà trường đã chấm dứt nhiệm vụ đào tạo y sỹ. Trong năm học này, nhiều đề tài nghiên cứu khoa học được thực hiện và "Nội san khoa học Y khoa Miền núi" được xuất bản.

Năm 1973, Nhà trường tổ chức khai giảng năm học mới tại xã Thịnh Đán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Bắc Thái, các phòng, ban, bộ môn bắt đầu chuyển dần về Thịnh Đán và về cơ sở chính của trường tại xã Đồng Quang, Thành phố Thái Nguyên.

Ngày 7/10/1974, kỳ thi tốt nghiệp Bác sĩ chính quy khóa đầu tiên được tổ chức và tỷ lệ đỗ tốt nghiệp đạt 82%. Năm 1975, Bộ Y tế có quyết định bổ nhiệm Bác sĩ Quân y, Trung tá Hoàng Đức Chấn từ Học viện Quân Y về làm Hiệu trưởng Phân hiệu Đại học Y khoa Miền núi thay thế Bác sĩ Đoàn Ngưỡng đi nhận nhiệm vụ mới.

II. PHÁT TRIỂN PHÂN HIỆU ĐẠI HỌC Y KHOA THÀNH TRƯỜNG ĐẠI HỌC Y KHOA HOÀN CHỈNH, PHỤC VỤ ĐÀO TẠO NHÂN LỰC Y TẾ TRÌNH ĐỘ CAO CHO MIỀN NÚI (1975 - 1979)

Tháng 12/1976, Đại hội Đảng bộ Nhà trường quyết định phương hướng xây dựng Phân hiệu Đại học Y khoa Miền núi thành Trường Đại học Y khoa Miền núi. Đồng chí Hoàng Đức Tôn được bầu lại làm Bí thư Đảng ủy nhà trường. Cuối năm 1977, nhà trường đã cơ bản hoàn thành về tổ chức bộ máy với 10 phòng, 2 ban, 28 bộ môn, số cán bộ giảng dạy là 145 người.

Ngày 24/01/1979, Hội đồng Chính phủ ra Quyết định số 33/CP chuyển Phân hiệu Đại học Y khoa Miền núi thành Trường Đại học Y Bắc Thái. Cũng từ năm 1979, dưới sự chỉ đạo của Bộ Y tế, Trường Đại học Y Bắc Thái và Bệnh viện Đa khoa Thái Nguyên (tiền thân là Bệnh viện Khu tự trị Việt Bắc) từng bước kết hợp để phát huy sức mạnh tổng hợp nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy, điều trị và nghiên cứu khoa học. Tháng 5/1979, Tỉnh ủy Bắc Thái ra quyết định thống nhất Đảng bộ Trường Đại học Y Bắc Thái và Bệnh viện Đa khoa Thái Nguyên thành Đảng bộ Bệnh viện và Trường Đại học Y Bắc Thái. Ngày 22/10/1979, Đại hội Đảng bộ Bệnh viện và Trường Đại học Y Bắc Thái lần thứ nhất khai mạc đã bầu ra Ban Chấp hành Đảng bộ mới do đồng chí Hoàng Đức Tôn làm Bí thư Đảng ủy.

Từ một Phân hiệu hàng năm chỉ tuyển sinh một lớp đại học và cấu trúc liên bộ môn, sau 10 năm xây dựng và phát triển đã hình thành tương đối hoàn chỉnh cơ cấu của một trường đại học và quy mô tuyển sinh tăng lên từ 150 đến 200 sinh viên chính quy, hàng trăm sinh viên hệ chuyên tu bổ túc văn hóa, từng bước đáp ứng nhu cầu cán bộ y tế cho khu vực miền núi phía Bắc Việt Nam.

III. BỆNH VIỆN - TRƯỜNG ĐẠI HỌC Y BẮC THÁI XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN, ĐÁP ỨNG  YÊU CẦU ĐÀO TẠO CÁN BỘ Y TẾ, PHỤC VỤ KHÁM CHỮA BỆNH VÀ NGHIÊN CỨU KHOA HỌC (1979 - 1994)

Trên cơ sở định hướng của Đảng ủy xây dựng mô hình Viện - Trường, các tổ chức đoàn thể xã hội và các đơn vị phòng ban, bộ môn, khoa đã từng bước kết hợp chặt chẽ, phục vụ đắc lực cho sự nghiệp xây dựng và phát triển Viện - Trường.

Tháng 3/1980, thống nhất Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Trường Đại học Y Bắc Thái và Bệnh viện Đa khoa Thái Nguyên thành Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Viện - Trường Đại học Y Bắc Thái. Năm 1981, đồng chí Nguyễn Bách được cử làm Bí thư Đảng ủy. Ngày 11/11/1982, Đại hội Đảng bộ Viện - Trường lần thứ II khai mạc, PTS Lê Ngọc Trọng được bầu làm Bí thư Đảng ủy Viện - Trường Đại học Y Bắc Thái.

Tháng 6/1987, Công đoàn Trường Đại học Y Bắc Thái và Công đoàn Bệnh viện Đa khoa Thái Nguyên kết hợp thành Công đoàn Viện - Trường Đại học Y Bắc Thái. Tháng 4/1989, tại Đại hội Đảng bộ Viện -Trường lần thứ V, PGS.TS Nông Văn Quế được bầu làm Bí thư Đảng ủy Viện - Trường Đại học Y Bắc Thái. Tháng 5/1989, Bộ Y tế bổ nhiệm PTS Lê Ngọc Trọng làm Hiệu trưởng kiêm Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Thái Nguyên. Tháng 1/1991, Đại hội Đảng bộ Viện - Trường lần thứ VI được tiến hành và DS Phan Văn Các được bầu làm Bí thư Đảng ủy Viện - Trường. Tháng 8/1992, PTS Hoàng Khải Lập được bổ nhiệm Quyền Hiệu trưởng kiêm Quyền Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Thái Nguyên. PGS.PTS Lê Ngọc Trọng nhận nhiệm vụ mới: Thứ trưởng Bộ Y tế.

Đây là giai đoạn kết hợp chặt chẽ giữa Bệnh viện Đa khoa Thái Nguyên và Trường Đại học Y Bắc Thái với sự thống nhất về tổ chức cũng như hoạt động. Hàng năm, quy mô tuyển sinh vẫn đảm bảo 200 - 300 sinh viên vào trường. Đặc biệt, năm 1987 lớp chuyên khoa I chuyên ngành Nội khoa đầu tiên của Trường được tổ chức. Nhiều công trình khoa học được triển khai.

IV. TRƯỜNG ĐẠI HỌC Y KHOA - ĐẠI HỌC THÁI NGUYÊN NHỮNG CHẶNG ĐƯỜNG XÂY DỰNG VÀ TIẾP TỤC PHÁT TRIỂN (1994 - 2003)

Năm 1994, theo Nghị định 31/CP ngày 4/4/1994 của Chính phủ về việc thành lập Đại học Thái Nguyên - Trường Đại học Y Bắc Thái trở thành trường thành viên của Đại học Thái Nguyên, trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo. Bệnh viện Đa khoa Thái Nguyên trực thuộc Bộ Y tế. PTS Hoàng Khải Lập được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng Trường Đại học Y khoa, Phó Giám đốc Đại học Thái Nguyên.

Năm 1997, Bệnh viện Đa khoa Thái Nguyên trở thành Bệnh viện Đa khoa Trung ương Thái Nguyên, có chức năng khám chữa bệnh tuyến Trung ương và là Bệnh viện thực hành chính của Trường Đại học Y khoa - Đại học Thái Nguyên theo Thông tư liên bộ số 06/TTLB-BYT-GD&ĐT.

Ngày 04/02/1999, PTS Phan Văn Các được bầu làm Bí thư Đảng ủy kiêm Hiệu trưởng Trường Đại học Y khoa - Đại học Thái Nguyên. Năm 2000, Trường đã liên kết với Đại học Dược Hà Nội để đào tạo lớp Dược sĩ đại học hệ liên thông đầu tiên theo mô hình 3/1 (3 năm học tại Trường Đại học Y khoa Thái Nguyên và 1 năm học tại Trường Đại học Dược Hà Nội)

Tại Đại hội Đảng bộ lần thứ XII, ngày 14/6/2003, đồng chí Nguyễn Thành Trung được bầu làm Bí thư Đảng ủy Trường Đại học Y khoa và Bộ Giáo dục - Đào tạo đã bổ nhiệm đồng chí Nguyễn Thành Trung làm Hiệu trưởng Trường Đại học Y khoa nhiệm kỳ 2004 - 2009.

Cùng với sự đổi mới đi lên của đất nước, của ngành giáo dục đại học, Trường đã tăng cường phát triển đào tạo theo nhu cầu của miền núi, chuẩn bị các điều kiện về mọi mặt để phát triển thành một Đại học khoa học sức khỏe. Quy mô sinh viên tăng dần từ 1700 học sinh, sinh viên (năm 1995) lên đến 3500 học sinh, sinh viên (năm 2003). Nhà trường không chỉ đào tạo cán bộ y tế theo chỉ tiêu Nhà nước giao mà còn hợp đồng đào tạo theo địa chỉ cho các tỉnh trung du và miền núi phía Bắc Việt Nam, góp phần quan trọng vào việc cung cấp nguồn nhân lực y tế cho đất nước.

V. TRƯỜNG ĐẠI HỌC Y KHOA PHÁT TRIỂN THÀNH TRƯỜNG ĐẠI HỌC Y DƯỢC (2003 - 2008)

Sau 35 năm xây dựng và phát triển, Trường Đại học Y khoa - Đại học Thái Nguyên chỉ đào tạo duy nhất mã ngành đại học là Bác sĩ đa khoa. Trước tình hình đó, Trường đã tích cực chuẩn bị nhân lực, chương trình, giáo trình và kinh nghiệm, sau đó lần lượt các mã ngành đào tạo đã được Bộ Giáo dục & Đào tạo quyết định giao nhiệm vụ đào tạo như: Dược sĩ đại học, cử nhân Điều dưỡng (năm 2004); Bác sĩ Y học dự phòng (năm 2006); Bác sĩ Răng Hàm Mặt (năm 2007). Quy mô đào tạo đạt 6500 học sinh, sinh viên. Hàng năm, Nhà trường tuyển sinh từ 1500 đến 1700 học sinh, sinh viên ở các cấp độ và loại hình đào tạo khác nhau.

Tháng 4/2006, Khoa Sau đại học được thành lập trên cơ sở tách ra từ Phòng Đào tạo - Khoa học và Quan hệ quốc tế. Giai đoạn này, Trường Đại học Y Dược đã đào tạo 23 mã ngành sau đại học, trong đó có 01 mã tiến sĩ, 4 mã ngành thạc sĩ, 4 mã ngành BSCKII, 12 mã ngành BSCKI, 2 mã ngành Bác sĩ Nội trú bệnh viện.

Công tác học sinh, sinh viên được Nhà trường đặc biệt chú trọng và đạt được những thành tích đáng tự hào. Công tác nghiên cứu khoa học và công tác hợp tác Quốc tế cũng đã được nhà trường quan tâm: từ năm 2004 đến năm 2008 đã triển khai 48 đề tài cấp bộ, 21 đề tài cấp cơ sở, đã có 44 giải thưởng về nghiên cứu khoa học cấp tỉnh, Bộ Giáo dục & Đào tạo, giải thưởng Vifotex, Hội nghị chuyên ngành Y - Dược toàn quốc. Sinh viên tham gia nghiên cứu khoa học đã trở thành hoạt động thường quy và đạt được nhiều giải thưởng cao tại các Hội nghị khoa học dành cho sinh viên. Trường đã ký kết hợp tác song phương trực tiếp với các Đại học Y khoa Côn Minh (Trung Quốc), Burapha, Naresuan (Thái Lan), Zhusen, Ishow, Bệnh viện EDA (Đài Loan), Masstricht (Hà Lan). Các tổ chức phi Chính phủ như AP, Pathfinder International, SEAMEO, HelpAge, v.v… đã hỗ trợ cho nhà trường trong 5 năm được trên 1,7 triệu USD. Các dự án đào tạo dựa vào cộng đồng giai đoạn 2 (Community Based Education - CBE), đào tạo bác sỹ định hướng cộng đồng của Chính phủ Hà Lan tài trợ, đào tạo lại cán bộ y tế cho miền núi do quỹ Rockefeller Foundation tài trợ, chăm sóc người cao tuổi do tác động của HIV/AIDS do tổ chức HelpAge tài trợ (VIE 011) đã thực sự tạo điều kiện cho đội ngũ cán bộ của Trường tiếp cận với những cải cách y khoa hiện đại và tham gia vào chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Nhà trường đã tiếp nhận các sinh viên nước ngoài như Hà Lan, Hoa Kỳ, Israel, Thái Lan... đến học tập từ 1 đến 3 tháng.

Năm 2005, nhà trường đã xây dựng nhà 5 tầng làm giảng đường với diện tích 2735m2 bằng nguồn kinh phí của Trường; năm 2007 tiếp tục xây dựng nhà điều hành 11 tầng với tổng diện tích sàn sử dụng là 7087m2. Các dự án nâng cấp trang thiết bị dạy học và nghiên cứu từng bước được triển khai như dự án phát triển hệ thống mổ nội soi tại Bệnh viện Trường, hệ thống chẩn đoán vi sinh vật và gen học tại bộ môn vi sinh, hệ thống đánh giá sinh viên qua test trắc nghiệm trực tiếp trên máy tính đã và đang phát huy ứng dụng. 

Ngày 25 tháng 10 năm 2007 Bệnh viện Trường Đại học Y khoa ra đời trên cơ sở Phòng khám Đa khoa bán công với quy mô ban đầu 60 giường bệnh (theo Quyết định 664/BGD-ĐT ngày 02 tháng 5 năm 2007). Tháng 10/2008, khoa Dược ra đời từ việc tập hợp 5 Bộ môn chuyên ngành Dược. Từ thực tế chức năng và cấu trúc trên, tháng 9/2008, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đề nghị Chính phủ đổi tên Trường thành TRƯỜNG ĐẠI HỌC Y - DƯỢC thuộc Đại học Thái Nguyên.

VI. TRƯỜNG ĐẠI HỌC Y DƯỢC - ĐẠI HỌC THÁI NGUYÊN TRÊN ĐÀ PHÁT TRIỂN THÀNH MỘT TRƯỜNG ĐẠI HỌC SỨC KHỎE, ĐỔI MỚI, TỰ CHỦ VÀ HỘI NHẬP (2008 - 2023)

Kế thừa và phát huy những thành tựu đã đạt được, thày và trò Trường Đại học Y Dược quyết tâm mở rộng quy mô tuyển sinh đáp ứng nhu cầu xã hội, nâng cao chất lượng đào tạo. Quy mô đào tạo hiện nay đạt 8000 học viên, sinh viên; hàng năm tuyển từ 1500 -1800 thí sinh thuộc các bậc học Cao đẳng, Đại học, Sau Đại học.

Năm 2008 nhà trường đã tiến hành chuyển đổi chương trình đào tạo từ niên chế sang học chế tín chỉ, đến năm 2011 đã áp dụng đào tạo đồng loạt cho các mã ngành.

Ngày 19/02/2009, Bộ Giáo dục và Đào tạo ký Quyết định số 1025/QĐ-BGDĐT bổ nhiệm PGS.TS Nguyễn Văn Tư làm Hiệu trưởng Trường Đại học Y Dược nhiệm kỳ 2009 - 2014.

Năm 2008 – 2010, Bộ GD & ĐT phê duyệt hơn 48 tỷ đồng cho mua sắm trang thiết bị huyết học, miễn dịch và chẩn đoán hình ảnh với mục đích xây dựng Trường Đại học Y Dược là trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học, điều trị bệnh cho nhân dân các dân tộc ở khu vực miền núi phía Bắc Việt Nam.Năm 2010, thực hiện chủ trương của Đại học Thái Nguyên, nhằm giúp cho việc quản lý các đơn vị một cách có hiệu quả, nhà trường đã sáp nhập các bộ môn để thành lập khoa, phòng ban mới (Khoa YHCS, Khoa YTCC, Khoa Các chuyên khoa, Khoa RHM, phòng HCTC, Phòng KHTC, Phòng CNTT).

Trường Đại học Y Dược đã có sự kết hợp chặt chẽ với các bệnh viện trong và ngoài tỉnh như: Bệnh viện Đa khoa Trung ương Thái Nguyên, Bệnh viện A, Bệnh viện Gang thép, Bệnh viện C, Bệnh viện Lao và bệnh phổi, Bệnh viện Y học Cổ truyền, Bệnh viện Tâm thần, Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển (Uông Bí - Quảng Ninh) v.v.. trong đào tạo nguồn nhân lực y tế. Chính sự kết hợp đó đã tạo điều kiện cho Nhà trường phát triển và hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao. Đặc biệt, từ năm 2010 được sự quan tâm của Bộ Y tế, nhà trường được thụ hưởng Dự án "Chương trình phát triển nguồn nhân lực y tế" với tổng kinh phí là 4 triệu USD để đầu tư vào cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ đào tạo.

Năm 2012, Bộ Giáo dục & Đào tạo đã giao nhiệm vụ cho Nhà trường đào tạo mã ngành Cao học Ngoại khoa và đào tạo Tiến sĩ Nhi khoa (tháng 3/2013). Nhà trường đã công bố chuẩn đầu ra cho các mã ngành đạo tạo đại học và sau đại học, thực hiện 3 công khai và công bố trên website của nhà trường.

Ngày 05/5/2014, Đại học Thái Nguyên ký Quyết định số 548/QĐ-ĐHTN bổ nhiệm PGS.TS Nguyễn Văn Sơn làm Hiệu trưởng Trường Đại học Y - Dược nhiệm kỳ 2014-2019.

Tháng 5/2019 – 10/2019 Đại học Thái Nguyên phân công PGS.TS Trần Viết Khanh làm Hiệu trưởng phụ trách Nhà trường.

Tháng 10/2019 – 08/2020, PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng được phân công Phụ trách Nhà trường.

Từ tháng 8/2020 đến nay, PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng Trường Đại học Y - Dược, nhiệm kỳ 2020 - 2025 theo Quyết định số 38/QĐ-HĐĐHĐHTN ngày 14/8/2020 của Hội đồng Đại học Đại học Thái Nguyên.

Tháng 12/2020, Đại học Thái Nguyên giao Bệnh viện Trường Đại học Y – Dược thuộc quyền quản lý của Trường Đại học Y – Dược. Từ tháng 8/2021, PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng được bổ nhiệm Giám đốc Bệnh viện Trường Đại học Y – Dược.

Trường hiện đào tạo hệ chính quy và liên thông cho 7 ngành bậc đại học là: Bác sĩ đa khoa, Bác sĩ Răng Hàm Mặt, Bác sĩ Y học dự phòng, Cử nhân Điều dưỡng, Dược sĩ đại học, Cử nhân kỹ thuật xét nghiệm y học và Hộ sinh. Đào tạo Sau đại học gồm 40 mã ngành thuộc các chuyên khoa với các trình độ tiến sĩ, chuyên khoa 2, cao học, bác sĩ nội trú, chuyên khoa 1.

Trường hiện gồm có: 8 phòng chức năng, 4 bộ môn trực thuộc trường, 7 khoa và 50 bộ môn thuộc khoa. Công tác nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ đã được quan tâm đặc biệt, là điều kiện tiên quyết cho sự phát triển nhà trường. Nhà trường đã xây dựng đề án phát triển đội ngũ cán bộ, hàng năm đều có kế hoạch bồi dưỡng chuyên môn sau đại học, ngoại ngữ, tin học và lý luận chính trị. Vì vậy, đội ngũ cán bộ đã trưởng thành cả về số lượng và chất lượng, Trường hiện có 485 cán bộ viên chức, người lao động, trong đó có 336 giảng viên cơ hữu, 2 Giáo sư, 17 Phó Giáo sư, 92 Tiến sĩ và BSCKII, 189 Thạc sỹ, BSNT và 45 cán bộ, giảng viên học cao học, CKI, NCS, CKII đang học tập, nghiên cứu ở trong và ngoài nước.

Các cơ sở thực hành của Trường là Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên và các bệnh viện chuyên khoa tuyến trung ương tại Hà Nội, các bệnh viện tuyến tỉnh với cơ sở trang thiết bị hiện đại và đội ngũ cán bộ thỉnh giảng có trình độ cao, thuận lợi cho sinh viên, học viên học tập và nghiên cứu.

Hiện nay Trường đang tập trung nguồn lực nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên, đổi mới chương trình, phương pháp giảng dạy, phương pháp lượng giá sinh viên và đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị máy móc phục vụ thực hành, thí nghiệm nhằm nâng cao chất lượng đào tạo đáp ứng chuẩn năng lực cán bộ y tế, đảm bảo chuẩn đầu ra và yêu cầu của xã hội. Trong xu thế hội nhập quốc tế, Trường tăng cường mở rộng quan hệ hợp tác về đào tạo và NCKH với Hoa Kỳ, Bỉ, Hà Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Thái Lan... để không ngừng đổi mới và phát triển.