HCOCT thường liên quan đến các ngành nghề có sử dụng cổ tay thường xuyên, áp lực cao, lặp đi lặp lại. Các dấu hiệu kinh điển của HCOCT trước hết các các rối loạn cảm giác như: ngứa, tên, châm chích, đau ở vị trí của dây thần kinh giữa chi phối. Có một số nghiệm pháp lâm sàng (Tinel, Phalen) kiểm tra giúp chẩn đoán HCOCT nhưng không thực sự có giá trị chẩn đoán xác định. Kỹ thuật điện sinh lý thần kinh - cơ được coi là tiêu chuẩn vàng để chẩn đoán HCOCT.

Hội chứng đau dây thần kinh giữa lan tỏa do bị chèn ép trong ống cổ tay được gọi là hội chứng ống cổ tay (HCOCT). Đây là một trong những chấn thương thầm lặng liên quan đến công việc nhiều nhất. Tại Mỹ, mỗi năm có khoảng hơn 1 triệu người trưởng thành đến khám bác sỹ vì dấu hiệu của bệnh. Tại Việt Nam, tuy chưa có thống kê nhưng số người mắc bệnh này cũng khá cao.

Theo thống kê của chúng tôi tại phòng thăm dò chức năng bệnh viện trường Đại học Y khoa Thái Nguyên thì độ tuổi mắc bệnh từ 30-78. Vậy, những người đã và đang trong độ tuổi lao động thường mắc HCOCT. Tỷ lệ nữ đến khám vì có dấu hiệu bệnh chiếm đến 80%, nguyên nhân này được giải thích là do cấu trúc ống cổ tay của nữ hẹp hơn của nam.

Nghề nghiệp nào thường có nguy cơ mắc bệnh?

- Các đối tượng hay sử dụng phần cổ tay nhiều, chịu các áp lực rung: người sử dụng máy vi tính thường xuyên, làm các công nhân làm việc sử dụng cổ tay vào các công việc lặp đi lặp lại, những người làm nông nghiệp.

- Bên cạnh đó các bệnh lý cũng là nguyên nhân gây nên HCOCT. Các bệnh lý tại chỗ như các chấn thương gãy xương, trật khớp cổ tay, viêm khớp, viêm dây chằng, viêm đơn dây, đa dây thần kinh….. làm thay đổi không gian trong ống cổ tay và gây áp lực lên dây thần kinh giữa. Các bệnh lý toàn thân như: béo phì, bệnh tiểu đường, suy giáp, Lupus ban đỏ hệ thống, xơ cứng bì, viêm da cơ địa, suy thận, chạy thận nhân tạo dài hạn, to đầu chi, đa u tủy, Bệnh bạch cầu, nghiện rượu, Hemophilia. HCOCT cũng gặp ở các phụ nữ mang thai và mãn kinh.

Dấu hiệu mắc bệnh?

Các dấu hiệu thông thường ban đầu người bệnh thường cảm thấy đó là các rối loạn cảm giác:

- Ngứa ran trong lòng bàn tay và/hoặc cảm giác châm chích, tê, đau ở các ngón cái, ngón trỏ, ngón giữa và  ½ ngón nhẫn.

- Đau lan từ cổ tay lên cánh tay hoặc lên vai và cổ.

- Có thể phải thức dậy trong đêm do dị cảm ở bàn tay (đau, tê, châm chích).

- Khi bệnh tiến triển nặng hơn nữa thì người bệnh có thể sẽ có biểu hiện đánh rơi đồ vật khi cầm do giảm hoặc mất cảm giác.

Một điều cần chú ý ở đây đó là, nếu người bệnh chịu đựng và vượt qua được các dấu hiệu trên thì các cảm giác dị cảm có thể mất, người bệnh không còn khó chịu. Đây là lúc mà dây thần kinh cảm giác đã bị tổn thương nặng nề, mất chức năng. Vì vậy, người bệnh tưởng đã khỏi và không đi khám và bệnh tiếp tục tiến triển và rất khó để điều trị. 

Chẩn đoán HCOCT bằng cách nào?

Khi người bệnh nằm trong ngành nghề, bệnh lý có nguy cơ với các dấu hiệu mắc bệnh đã nêu ở trên thì người bệnh nên đến bệnh viện khám.

Các bác sỹ lâm sàng sẽ thăm khám để phát hiện các triệu chứng cơ năng và thực thể để có thể xác định đối tượng có mắc HCOCT hay không. Tuy nhiên, các dấu hiệu khi khám lâm sàng thông thường có thể bị bỏ qua hay đánh giá chưa chính xác do phụ thuộc nhiều vào cảm giác chủ quan của người bệnh.

Những năm gần đây với sự phát triển của các kĩ thuật thăm dò hình thái và chức năng đã hỗ trợ chẩn đoán HCCOT như: siêu âm, chụp cắt lớp và điện sinh lý thần kinh - cơ. Điện sinh lý thần kinh - cơ là kỹ thuật khá đơn giản, rẻ tiền được coi là tiêu chuẩn vàng để chẩn đoán (độ nhạy 49% -84% và độ đặc hiệu 95% -99%). Kỹ thuật đo tốc độ dẫn truyền thần kinh cảm giác và vận động ở dây thần kinh giữa ở phần cổ tay có tác dụng phát hiện sợi cảm giác của dây thần kinh giữa bị ảnh hưởng sớm hơn nhiều so với sợi vận động và trong giai đoạn đầu của HCOCT, thường có biểu hiện bằng tốc độ dẫn truyền thần kinh cảm giác chậm lại.

Bên cạnh việc chẩn đoán xác định HCOT điện sinh lý thần kinh cơ còn có vai trò chẩn đoán mức độ. Thông qua phân loại bệnh bác sỹ lâm sàng có được quyết định chất lượng, điều trị sớm cho người bệnh và giúp phục hồi chức năng của dây thần kinh giữa.