Thành phần tham gia buổi làm việc gồm có:
Về phía Đoàn công tác, có sự tham gia của:
Đồng chí Lâm Văn Đoan – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội; Đồng chí Hoàng Văn Cường – Phó Chủ tịch Hội đồng Giáo sư Nhà nước, Ủy viên Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội; Đồng chí Đỗ Chí Nghĩa – Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội; Đồng chí Nguyễn Ngọc Thành – Phó Vụ trưởng Vụ Xã hội, Văn phòng Quốc hội; Đồng chí Nguyễn Xuân Dung – Phó Vụ trưởng Vụ Công chức - Viên chức, Bộ Nội vụ; Đồng chí Đào Xuân Tân – Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thái Nguyên; Đồng chí Nguyễn Thị Thanh Hoa – Phó trưởng Phòng GDTH-GDMN-GDTX, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thái Nguyên.
Về phía Trường Đại học Y - Dược, ĐHTN, tham dự buổi làm việc có:
PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng – Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng; TS Nguyễn Phương Sinh – Phó Hiệu trưởng; PGS.TS Trần Văn Tuấn – Phó Hiệu trưởng cùng đại diện lãnh đạo các phòng chức năng của nhà trường.
Nội dung làm việc
Phát biểu khai mạc buổi làm việc, PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng cảm ơn sự quan tâm kịp thời của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với nhà trường, nhấn mạnh vai trò của Trường Đại học Y - Dược, ĐHTN trong công tác đào tạo nguồn nhân lực y tế, phục vụ nhu cầu chăm sóc sức khỏe của cộng đồng, đặc biệt là tại khu vực miền núi phía Bắc.
Trình bày báo cáo, TS Nguyễn Quang Mạnh – Trưởng phòng Đào tạo, Khoa học và Công nghệ đã nêu bật những thành tựu và định hướng phát triển của nhà trường: tầm nhìn đến năm 2035 trở thành trường đại học khối ngành sức khỏe hàng đầu trong nước và khu vực. Nhà trường hiện là một trong số ít các trường Y – Dược có mạng lưới bệnh viện thực hành đông đảo và rộng khắp đặc biệt phát triển mạnh tại Hà Nội, Thái Nguyên và các tỉnh phía Bắc. Quy mô đào tạo của nhà trường là hơn 8.000 sinh viên đại học, tổng số gần 11.000 học viên các trình độ; trong đó, hơn 50% người học đến từ các tỉnh miền núi phía Bắc. Tỷ lệ việc làm sau tốt nghiệp là 95 - 99% sinh viên có việc làm ngay. Báo cáo cũng chỉ ra những khó khăn mà nhà trường hiện tại đang gặp phải đến từ cơ chế, chính sách quản lý của nhà nước và các cấp bộ ngành liên quan về tuyển sinh dự bị, hệ liên thông còn tồn tại một số hạn chế. Từ đó, nhà trường cũng đưa ra một số kiến nghị quan trọng như sớm ban hành Luật Nhà giáo, sửa đổi Luật Giáo dục Đại học, Giáo dục nghề nghiệp; rà soát, hoàn thiện thể chế và chính sách đào tạo đối với sinh viên dân tộc thiểu số, đảm bảo đáp ứng nhu cầu nhân lực y tế ở vùng khó khăn; miễn thuế thu nhập doanh nghiệp cho cơ sở giáo dục đại học nhằm tạo điều kiện phát triển…
TS Nguyễn Quang Mạnh – Trưởng phòng Đào tạo, Khoa học và Công nghệ trình bày báo cáo của nhà trường tại buổi làm việc
Sau khi lắng nghe báo cáo, đoàn công tác đã có một số nội dung phản hồi:
Đồng chí Hoàng Văn Cường ghi nhận những kết quả tích cực nhà trường đã đạt được, đặc biệt là cơ cấu tuyển sinh hợp lý (50% đại học, 50% sau đại học) thể hiện định hướng nâng cao chất lượng đào tạo. Ông đánh giá cao tỷ lệ sinh viên có việc làm sau tốt nghiệp, chính sách thu hút nhân tài công tác cống hiến tại trường khá tốt so với nhiều trường đại học khác. Đồng thời ông cũng đưa ra một số vấn đề cần làm rõ: tiêu chí cụ thể để đánh giá chất lượng đào tạo nhân lực y tế của nhà trường, những tồn tại, hạn chế trong nghiên cứu khoa học dẫn đến số lượng đề tài nghiên cứu có đóng góp thực tiễn còn khiêm tốn, đâu là nguyên nhân. Việc phát triển hoạt động của Bệnh viện Trường Đại học Y – Dược, tỉ lệ giảng viên/sinh viên còn thấp, đội ngũ giảng viên có trình độ tiến sĩ trở lên chưa cao.
Đồng chí Hoàng Văn Cường - Ủy viên Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội ủng hộ định hướng phát triển đào tạo nhân lực chất lượng cao của nhà trường
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Đỗ Chí Nghĩa cũng đồng ý với báo cáo nhà trường, và đề cập đến các vấn đề cần thảo luận như hiệu quả của việc kiểm định chất lượng chương trình đào tạo, ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy và quản lý đào tạo.
Đồng chí Đỗ Chí Nghĩa - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội đề cập đến ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy và quản lý đào tạo
Đại diện đoàn công tác, đồng chí Lâm Văn Đoan đánh giá cao sự nỗ lực của ban giám hiệu và tập thể cán bộ nhà trường, đồng thời đặt ra một số vấn đề cần làm rõ: chính sách thu hút giảng viên và hỗ trợ người học của nhà trường ra sao trong bối cảnh tự chủ đại học; mô hình tự chủ có thực sự mang lại hiệu quả; có cần một bộ tiêu chí riêng cho đào tạo nhân lực y tế vùng dân tộc thiểu số hay không?
Đồng chí Lâm Văn Đoan - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội đưa ra một số vấn đề liên quan đến tự chủ đại học
Trả lời các vấn đề Đoàn Giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đưa ra, các đồng chí đại diện Ban Giám hiệu, phòng ban đã có những phản hồi:
TS. Nguyễn Phương Sinh – Phó Hiệu trưởng nhà trường phụ trách đào tạo đưa ra ý kiến: Nhà trường chủ yếu đào tạo nhân lực y tế cho vùng miền núi phía Bắc, ngưỡng học lực đầu vào từ mức khá trở lên và đảm bảo đầu ra phải đạt các tiêu chí chương trình đào tạo, đáp ứng yêu cầu công việc tại cơ sở y tế địa phương. Chương trình đào tạo đổi mới theo hướng phát triển năng lực có sự hỗ trợ của chuyên gia từ Đại học Harvard, có khảo sát, lấy ý kiến thực tế để xây dựng chuẩn đầu ra dựa trên nhu cầu xã hội. Theo Nghị định số 111/2017/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ: bác sĩ giảng dạy của cơ sở thực hành được công nhận là giảng viên cơ hữu hoặc thỉnh giảng của cơ sở giáo dục khi đủ điều kiện theo quy định của pháp luật về giáo dục đã tạo nên nhiều thuận lợi. Về nghiên cứu khoa học, các đề tài có hàm lượng khoa học - công nghệ cao chưa nhiều do hạn chế về đầu tư, nếu có mức đầu tư tốt hơn, sẽ hỗ trợ được nhiều nghiên cứu hơn.
TS Nguyễn Phương Sinh – Phó Hiệu trưởng nhà trường khẳng định chất lượng đào tạo và tiêu chuẩn đầu ra của nhà trường
TS Bùi Thanh Thủy - Trưởng phòng Hành chính - Tổ chức nhà trường bày tỏ sự khó khăn trong việc tuyển dụng giảng viên, nhất là giảng viên có trình độ cao và khuyến khích đội ngũ giảng viên trẻ tiếp tục học nghiên cứu sinh đến từ mức lương của giảng viên ngành y dược chưa đủ để vừa trang trải cuộc sống và chi phí học tập, nghiên cứu, đồng thời các yêu cầu, quy trình học và nghiên cứu của lĩnh vực y dược cũng phức tạp và lâu hơn những lĩnh vực khác. TS Bùi Thanh Thủy cũng đề nghị cần có chế tài mạnh mẽ hơn đối với cán bộ nhà trường cử đi đào tạo, sau đó lại lựa chọn đơn vị khác có mức lương cao hơn để công tác, gây lãng phí nguồn lực và thời gian của nhà trường.
TS Bùi Thanh Thủy – Trưởng phòng Hành chính – Tổ chức đưa ra một số kiến nghị về mức lương đối với nhân lực tham gia đào tạo y tế
Đại diện lãnh đạo các phòng chức năng khác cũng đưa ra ý kiến về chính sách hỗ trợ đào tạo ngành nghề trọng điểm khu vực khó khăn, cơ chế tài chính đối với các cơ sở tự chủ, một số quy định trong luật giá cũng chưa tạo thuận lợi cho cân đối, sử dụng tài chính của nhà trường. Việc kiểm định chương trình đào tạo cần đi vào thực chất hơn. Chuẩn cơ sở đào tạo cần thay đổi để phù hợp với thực tế.
Tổng hợp ý kiến và phát biểu, PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng – Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng làm rõ Bệnh viện Trường Đại học Y – Dược trong thời gian đầu thành lập trực thuộc Đại học Thái Nguyên, từ năm 2020 mới chuyển về trực thuộc Trường Đại học Y – Dược dẫn đến khó khăn trong xây dựng cơ chế quản lý. Từ khi thành lập đến nay, bệnh viện chưa nhận được gói đầu tư nào cùng với ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 dẫn đến hiện trạng chậm phát triển. Tuy nhiên, trong 02 năm vừa rồi, lãnh đạo nhà trường và bệnh viện đã tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng và hoàn thiện chế tài quản lý chuẩn bị cho bước phát triển mới của bệnh viện trường. Nghị định số 111/2017/NĐ-CP về tổ chức đào tạo, thực hành trong đào tạo khối ngành sức khỏe đã tạo ra lợi thế cho phép sử dụng chung nguồn lực, thầy giáo giỏi tham gia khám chữa bệnh tại bệnh viên, cán bộ bệnh viện đc tính là giảng viên cơ hữu. Nhưng nghị định đang để ngỏ chi phí đào tạo thỏa thuận giữa cơ sở đào tạo và cơ sở sử dụng lao động dẫn đến thiếu căn cứ thực hiện. PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng cảm ơn sự quan tâm của Ban Thường vụ Quốc hội, bày tỏ đây là dịp đặc biệt để nhà trường được chia sẻ, góp ý để xây dựng chính sách phát triển, trong đó có lĩnh vực đào tạo y – dược.
PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng nhấn mạnh việc quyết tâm vượt mọi khó khăn, tập trung đầu tư phát triển của nhà trường
Kết luận buổi làm việc, đồng chí Lâm Văn Đoan cảm ơn sự đón tiếp của Ban Giám hiệu và đại diện cán bộ nhà trường, đánh giá cao những nỗ lực, thành quả mà nhà trường đã đạt được, ghi nhận công sức đào tạo đội ngũ cán bộ y tế không chỉ cho Thái Nguyên mà còn cả các tỉnh miền núi phía Bắc. Đồng chí chia sẻ với những khó khăn của trường, thu lượm các thông tin, kiến nghị để trình Quốc hội và các cấp bộ ngành liên quan xem xét điều chỉnh chính sách phù hợp. Trong bối cảnh chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ, là xu hướng của thời đại, đồng chí mong muốn nhà trường cần có tính toán, tranh thủ nguồn lực của nhà nước để thực hiện, đáp ứng yêu cầu mới để trường trở thành cơ sở giáo dục đại học sức khỏe hàng đầu trong nước và khu vực vào năm 2035.
Đoàn công tác của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chụp ảnh lưu niệm cùng đại diện lãnh đạo nhà trường
Buổi làm việc đã diễn ra hiệu quả, thẳng thắn giúp Đoàn công tác hiểu rõ hơn về tình hình thực hiện nhiệm vụ và những khó khăn, đề xuất của Trường Đại học Y - Dược. Đây cũng là dịp để nhà trường nhìn lại những vấn đề còn tồn tại, ghi nhận ý kiến đóng góp nhằm thay đổi toàn diện hướng đến sự phát triển vượt bậc, đóng góp tích cực vào hệ thống y tế nước nhà.