Tại Việt Nam, tần suất mắc ĐTĐ đang gia tăng một cách đáng báo động với ước tính cứ khoảng 20 người lớn sẽ có khoảng 01 người mắc ĐTĐ. ĐTĐ gây ra các biến chứng rất nặng nề như bệnh lý tim mạch, suy thận mạn giai đoạn cuối, loét bàn chân dẫn đến cắt cụt, mù lòa…gây tử vong hoặc tàn phế suốt đời, ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng cuộc sống của bệnh nhân. Theo WHO (2016) ước tính có khoảng 53.458 trường hợp tử vong có liên quan đến ĐTĐ.

Mục đính của việc quản lý ĐTĐ là giảm thiểu các biến chứng lâu dài, đồng thời tránh được những tác dụng không mong muốn trong điều trị như hạ đường huyết và tăng cân. Ngoài điều chỉnh về chế độ ăn, luyện tập thể lực và thuốc viên uống hạ đường huyết thì Insulin đóng vai trò vô cùng quan trọng trong điều trị ĐTĐ và hầu hết các bệnh nhân cuối cùng sẽ cần được điều trị bằng Insulin do mất chức năng tế bào β. Có rất nhiều rào cản thuộc về bệnh nhân và bác sỹ đối với việc khởi trị và điều trị tăng cường Insulin, bao gồm thiếu kiến thức và nhận thức, mối quan tâm về hạ đường huyết và tăng cân. Các rào cản địa phương và văn hóa cũng đang tồn tại ở các nước đang phát triển trong đó có Việt Nam, đặc biệt là có khoảng cách giữa hướng dẫn điều trị với thực tế điều trị ĐTĐ và việc tiếp cận chăm sóc sức khỏe nhiều khi còn bị hạn chế do bảo hiểm y tế thấp, trình độ dân trí của người dân, trình độ của thầy thuốc…

Ngoài những hạn chế trên thì tại Việt Nam việc sử dụng Insulin trong điều trị ĐTĐ còn gặp nhiều rào cản khác, đặc biệt trên người cao tuổi do người cao tuổi thường bị suy giảm khả năng nhận thức, giảm thị lực, thính lực, nên gặp nhiều khó khăn trong việc tự tiêm Insulin. Theo nghiên cứu của Nguyễn Thị Hoàng Vân thực hiện trên 40 bệnh nhân ĐTĐ typ2 chỉ có 27,3% bệnh nhân tự tiêm đúng kỹ thuật [3]. Nghiên cứu của Trần Thị Lệ Thanh thực hiện trên 81 bệnh  nhân ĐTĐ typ2 chỉ có 33,3% bệnh nhân tự tiêm đúng kỹ thuật [7]. Do vậy cần đánh giá khả năng tự tiêm Insulin của bệnh nhân ĐTĐ cao tuổi nhằm nâng cao khả năng điều trị và giảm thiểu các biến chứng của bệnh.

Tại Việt Nam đã có một số nghiên cứu về tiêm Insulin ở bệnh nhân ĐTĐ nói chung, tuy nhiên nghiên cứu về khả năng tự tiêm Insulin trên đối tượng người cao tuổi đang sử dụng Insulin còn khá khiêm tốn.Thái Nguyên là một tỉnh có tỷ lệ bệnh  nhân ĐTĐ khá cao trong số các tỉnh trung du miền núi phía Bắc. Chỉ riêng điều trị ngoại trú tại Khoa Khám Bệnh-Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên đã có khoảng 3000 bệnh nhân, trong số đó tỷ lệ bệnh nhân phải tiêm Insulin chiếm trên 1/3 nhưng chưa có nghiên cứu nào ở Thái Nguyên đánh giá khả năng tự tiêm Insulin ở bệnh nhân ĐTĐ, đặc biệt là trên đối tượng người cao tuổi.

Có 178 bệnh nhân được chẩn đoán ĐTĐ2 theo tiêu chuẩn của hiệp hội ĐTĐ Mỹ (ADA) 2012, đang điều trị ngoại trú tại khoa Khám bệnh Bệnh Viện Trung Ương Thái Nguyên năm 2018 tham gia vào nghiên cứu với mục tiêu: Đánh giá khả năng tự tiêm Insulin và một số yếu tố liên quan trên bệnh  nhân ĐTĐ typ2 cao tuổi điều trị ngoại trú tại Khoa Khám bệnh - Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên.

Đối tượng bệnh nhân được lựa chọn:

- Các bệnh nhân ĐTĐ typ2 từ 60 tuổi trở lên đang tự tiêm Insulin tại nhà từ 1 tháng trở lên.

- Có khả năng trả lời câu hỏi phỏng vấn và hợp tác trong quá trình thăm khám.

Đối tượng bệnh nhân không tham gia:

- Bệnh nhân có các biến chứng nặng (di chứng sau tai biến…).

- Bệnh nhân giảm thị lực, thính lực, không có khả năng trả lời câu hỏi.

- Bệnh nhân không đồng ý tham gia nghiên cứu.

Bệnh nhân được đánh giá khả năng tự tiêm Insulin dựa vào thực hiện trắc nghiệm tâm thần tối thiểu MMSE và kỹ thuật tự tiêm Insulin được đánh giá bằng quan sát dựa vào bảng kiểm khi người bệnh tự tiêm tại phòng khám.

Kết quả thu được: Tổng số có 178 bệnh nhân ĐTĐ typ2 tham gia nghiên cứu, nữ gồm 113 người chiếm 63,5%;  nam 65 người chiếm 36,5%. Nhóm tuổi từ 60-69 chiếm 43,8%; nhóm tuổi từ 70-79 chiếm 45,5%; có 15 bệnh  nhân trên 80 tuổi chiếm 8,4%; tuổi trung bình là 69,7 ± 6,3 tuổi.

Tỷ lệ bệnh nhân có thời gian phát hiện bệnh ĐTĐ từ 10-20 năm chiếm tỷ lệ cao nhất (52,3%), trong đó thời gian phát hiện bệnh lâu nhất là 32 năm, thời gian phát hiện bệnh ít nhất là 1 năm, thời gian phát hiện bệnh trung bình của các bệnh nhân là 13,5 ± 3,7 năm. HbA1C của các bệnh nhân dao động từ 5,7 - 13,8%; giá trị trung bình là 8,0 ± 1,57%.

Bảng 1: Khả năng tự tiêm Insulin của bệnh nhân ĐTĐ typ2 cao tuổi

Khả năng tự tiêm Insulin n %
Tốt (22-28 điểm) 61 34,2
Khá (18-21 điểm) 85 47,8
Kém (0-17 điểm) 32 18
Tổng 178 100

Bảng 2. Mối liên quan giữa khả năng tự tiêm Insulin và các yếu tố nhân trắc học.

 

Đặc điểm    Khả năng tự tiêm p
Tốt (n=61) Khá (n=85) Kém (n=32)
n % n % n %
Tuổi < 70 35 57,4 36 42,4 11 34,4 0,38
70-79 22 36 45 52,9 14 43,7
≥ 80 4 6,56 4 4,7 7 21,9
Giới Nam 27 44,3 29 34,1 9 28,1 1,41
Nữ 34 55,7 56 65,9 23 71,9
Trình độ học vấn Cấp 1 3 4,9 12 14,1 9 28,1 0,467
Cấp 2 19 31,1 18 21,2 7 21,9
Cấp 3 11 18 19 22,4 6 18,75
Trung cấp trở lên 28 45,9 36 42,4 10 31,25

Nhóm có trình độ học vấn từ trung cấp trở lên có tỷ lệ khả năng tự tiêm tốt cao nhất (45,9%); sự khác biệt về khả năng tự tiêm Insulin ở các trình độ học vấn khác nhau chưa thấy có ý nghĩa thống kê (p>0,05).

Bảng 3: Mối liên quan giữa đặc điểm bệnh và khả năng tự tiêm Insulin   

Đặc điểm    Khả năng tự tiêm Insulin p
Tốt (n=61) Khá (n=85) Kém (n=32)
n % n % n %
Thời gian mắc bệnh < 10 năm 31 50,8 20 23,5 12 37,5 0,028
10-20 năm 24 39,3 56 65,9 13 40,6
> 20 năm 6 9,8 9 10,6 7 21,9
Thời gian tự tiêm < 5 năm 20 33,3 46 54,1 19 59,4 0,24
5-9 năm 12 19,7 32 37,6 8 25
≥ 10 năm 29 47,5 7 8,2 5 15,6
Số lần tiêm trong ngày 1 lần 38 62,3 37 43,5 9 28,1 0,56
2 lần 14 23 43 50,6 16 50
3 lần 3 4,9 2 2,35 7 21,9
4 lần 2 3,3 3 3,5 9 28,1
HbA1C (%) < 7,5 34 55,7 32 37,6 3 9,4 0,43
7,5-8 15 24,6 27 31,8 8 25
> 8 12 19,7 24 28,2 21 65,6

Bảng 4: Mối liên quan giữa chức năng nhận thức và khả năng tự tiêm Insulin

    Khả năng tự tiêm Insulin p
Tốt (n=61) Khá (n=85) Kém (n=32)
n % n % n %
MMSE Bình thường (MMSE≥24) 61 100 72 84,7 5 15,6 p<0,01
Suy giảm nhận thức (MMSE<24) 0 0 13 15,3 27 84,4

Trong nghiên cứu của chúng tôi, tuổi của đối tượng nghiên cứu là 69,7 ± 6,3 tuổi. Nhóm tuổi từ 60-69 chiếm 43,8%; nhóm tuổi từ 80 tuổi là 8,4%; nhóm tuổi từ 70-79 chiếm 45,5%. Kết quả này cũng tương đồng với nghiên cứu của Trần Thị Lệ Thanh với tuổi của đối tượng nghiên cứu là 69,9 ± 6,4 tuổi, nhóm tuổi từ 60-69 chiếm 48,1%; nhóm tuổi từ 70-79 chiếm 47%, từ 80 tuổi chiếm 4,9% [7]. Tỷ lệ nữ giới trong nghiên cứu của chúng tôi là 63,5% cao hơn nam (36,5%). Kết quả này cũng tương đồng với nghiên cứu của Trần Thị Liên trên bệnh nhân ĐTĐ typ2 cao tuổi [8]. Trình độ học vấn của các bệnh nhân tham gia nghiên cứu của chúng tôi từ trung cấp trở lên chiếm cao nhất (45,9%). Kết quả này tương đồng với nghiên cứu của Trần Thị Lệ Thanh [7].

Kết quả nghiên cứu cho thấy tỷ lệ bệnh nhân có sai sót nhỏ khi tự tiêm (khả năng tự tiêm khá) chiếm tỷ lệ cao 47,75%. So sánh với nghiên cứu của Trần Thị Lệ Thanh là 46,9%; bệnh nhân có kỹ năng tự tiêm tương đối tốt chiếm tỷ lệ 33,3% tương đương với kết quả của chúng tôi là 34,25%; bệnh nhân có nhiều sai sót khi tiêm trong nghiên cứu của chúng tôi chỉ chiếm 18%.

Có mối liên quan giữa thời gian mắc bệnh và khả năng tự tiêm Insulin của bệnh nhân cao tuổi trong nghiên cứu của chúng tôi (p < 0,05). Thời gian mắc bệnh càng lâu tỷ lệ tự tiêm có sai sót và kém nhiều hơn. Thời gian mắc bệnh ĐTĐ càng lâu có liên quan đến nguy cơ suy giảm chức năng cao hơn so với nhóm có thời gian mắc bệnh ngắn hơn. Thời gian bệnh nhân điều trị bằng Insulin, số lần tiêm trong ngày và HbA1C trong nghiên cứu của chúng tôi chưa thấy có sự liên quan có ý nghĩa thống kê với khả năng tự tiêm của bệnh nhân.

Trắc nghiệm đánh giá trạng thái tâm thần tối thiểu (MMSE) được giới thiệu bởi Folstein và cộng sự từ năm 1975 giúp đánh giá được nhiều mặt nhận thức của bệnh nhân. Có mối liên quan chặt chẽ giữa suy giảm nhận thức và khả năng tự tiêm Insulin của bệnh nhân. Kết quả này tương đồng với kết quả nghiên cứu của Trần Thị Liên [8] với số bệnh nhân có điểm MMSE >24 là 78,3% và MMSE < 24 là 21,7%. MMSE thấp đồng nghĩa với việc tự tiêm Insulin có thể gặp nhiều sai sót hơn.

Bệnh nhân mới bắt đầu phải điều trị bằng Insulin cần được nhân viên y tế tại phòng khám đánh giá chức năng nhận thức của bệnh nhân; nếu bệnh nhân nhận thức bình thường thì hướng dẫn bệnh nhân quy trình sử dụng Insulin; nếu bệnh nhân suy giảm nhận thức thì hướng dẫn quy trình sử dụng Insulin cho người chăm sóc bệnh nhân.

Đánh giá chức năng nhận thức và khả năng tự tiêm Insulin của bệnh nhân, đặc biệt là bệnh nhân có thời gian mắc bệnh kéo dài nên được thực hiện thường quy nhằm nâng cao hiệu quả điều trị và phòng tránh các biến chứng trong quá trình tiêm.        

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Amirican Diabetes Association (2012), Stadards of Americal Care in Diabetes care. Diabetes joujrnals, 36.

2. Nguyễn Huy Cường (2013), Bệnh đái tháo đường - những quan điểm hiện đại, NXB Y học, 19-35.

3. Nguyễn Thị Hoàng Vân (2014), “Khảo sát khả năng tự tiêm Insulin ở người bệnh ĐTĐ 2 điều trị ngoại trú”, Kỉ yếu hội nghị khoa học BV tim mạch An Giang.

4. Nguyễn Vinh Quang (2008). Một số đặc điểm dịch tễ học bệnh đái tháo đường typ2 và hiệu quả của biện pháp can thiệp cộng đồng tại Nam Định, Thái Bình (2006-2008), Luận án tiến sỹ, Học viện Quân Y Hà Nội.

5. Tạ Văn Bình (2007). Bệnh đái tháo đường - tăng Glucose máu, NXB y học.

6. Tạ Văn Bình (2008). “ Dịch tễ học bệnh ĐTĐ, các YTNC và các vấn đề liên quan đến quản lý bệnh ĐTĐ”, NXB y học.

7. Trần Thị Lệ Thanh (2006), “Nghiên cứu rối loạn nhận thức ở bệnh nhân mắc bệnh đái tháo đường typ2 từ 60 tuổi trở lên”. Luận văn tốt nghiệp bác sỹ nội trú.

8. Trần Thị Liên (2014). “Đánh giá khả năng tự tiêm Insulin ở bệnh nhân đái tháo đường cao tuổi bằng trắc nghiệm vẽ đồng hồ”. Luận văn tốt nghiệp thạc sỹ.

9. Vũ Thị Thanh Huyền (2016). “Đặc điểm lâm sàng và cận lâm sàng của bệnh nhân đái tháo đường cao tuổi có tổn thương thận”. 

 

\