Hệ nhóm máu ABO gồm có 4 nhóm máu: A, B, AB, O và song song với hệ nhóm máu ABO là Rh với 2 nhóm là Rh+ (Dương) và Rh- (âm). Nhóm máu phổ biến có nhiều là nhóm máu O (49%), riêng nhóm AB chỉ chiếm 4-5%. Đặc biệt nhất là nhóm máu hiếm Rh- chiếm tỉ lệ cực nhỏ (0,4%).
1. Mục đích hiến máu là gì?
- Hiến máu là tăng cường số lượng máu cung cấp cho các bệnh viện để cấp cứu, điều trị cho bệnh nhân, ngoài ra còn để dự phòng thảm họa.
- Hiến máu là cho máu tốt, giảm nguy cơ lây nhiễm bệnh qua đường truyền máu như nhiễm HIV/AIDS, siêu vi gan B, C, giang mai, sốt rét… vì những người hiến máu là những người khỏe mạnh thực sự.
2. Sự cần thiết của Hiến máu nhân đạo
Máu và chế phẩm máu là một loại thuốc điều trị đặc biệt, chỉ có thể được lấy từ người. Hằng ngày có rất nhiều người bệnh cần truyền máu và được cứu chữa nhờ truyền máu.
- Những trường trường hợp thường phải truyền máu cấp cứu với số lượng lớn đòi hỏi phải có hợp cần truyền máu cấp cứu như: các trường hợp tai nạn, các tai biến sản khoa…Tính mạng của người bệnh sẽ bị đe doạ nếu không được truyền máu một cách kịp thời.
- Những người bệnh phẫu thuật cần phải truyền máu.
- Những bệnh nhân bị bệnh máu như: ung thư máu, suy tuỷ xương, xuất huyết giảm tiểu cầu… đặc biệt là những người bệnh bị mắc bệnh Hemophilia (bệnh ưa chảy máu do di truyền). Điều trị cho những người bệnh này thì máu như là một thứ thuốc không thể thiếu mà nếu không được truyền máu đồng nghĩa với việc chấm dứt cuộc sống của họ.
- Nhiều loại bệnh khác mà truyền máu cũng là một hoạt động không thể thiếu trong điều trị cho người bệnh như: chạy thận nhân tạo, thiếu máu do giun móc, hội chứng rối loạn sinh tuỷ, xuất huyết tiêu hoá, suy thận
3. Người hiến máu nhân đạo (HMNĐ) phải là người như thế nào?
- Là người có tinh thần nhân đạo, tự nguyện, không nhận tiền, quà bồi dưỡng, có ý thức về hiến máu an toàn cho người bệnh.
- Tất cả mọi người từ 18 - 55 tuổi đối với nữ, 18 - 60 tuổi đối với nam, có mang đầy đủ giấy Chứng minh nhân dân hoặc các giấy tờ tùy thân khác.
- Cân nặng > 42kg đối với nữ và >45kg đối với nam. Với người đã hiến máu an toàn hoặc cân nặng > 50 kg, có thể đăng ký hiến 350ml máu/lần.
- Không nhiễm hoặc không có các hành vi lây nhiễm HIV và các bệnh lây nhiễm qua đường truyền máu khác.
- Thời gian giữa 2 lần hiến máu tối thiểu là 84 ngày (12 tuần)
- Lượng máu cho không quá 1/10 lượng máu của cơ thể (Không quá 9ml/kg và không quá 500ml mỗi lần)
Chú ý: Người phụ nữ đang mang thai, có kinh, đang cho con bú không được hiến máu.
4. Trước và sau hiến máu phải làm gì?
- Đêm hôm trước ngày hiến máu không thức quá khuya, nên ăn nhẹ và không uống rượu bia.
- Trong 1-2 ngày đầu sau hiến máu nên sinh hoạt nhẹ nhàng, nghỉ ngơi nhiều hơn bình thường, tránh các hoạt động gắng sức, các trò chơi mang tính đối kháng đòi hỏi tốn nhiều thể lực: đá bóng, tập tạ, không leo trèo cao… không thức quá khuya, không uống rượu bia.
- Nếu thấy cơ thể hơi mệt mỏi, nên nghỉ ngơi, tránh hoạt động quá nhiều. Nên bình tĩnh và yên tâm, đây chỉ là một phản ứng sinh lý bình thường của cơ thể biểu hiện đang trong quá trình phục hồi và tái tạo máu. Nếu yên tâm, tinh thần thoải mái và nghỉ ngơi tốt thì những biểu hiện này sẽ nhanh chóng qua đi.
- Tiếp tục giữ gìn sức khỏe và tham gia hiến máu nhắc lại. Những đơn vị máu của những người hiến máu nhắc lại sẽ có chất lượng và an toàn hơn rất nhiều cho người bệnh nhận máu
5. Cân nặng 42kg với nữ và 45 kg với nam hiến máu có ảnh hưởng đến sức khỏe không?
Người 42kg với nữ lượng máu khoảng 2900- 3000ml, nam 45kg lượng máu khoảng 3150ml
- Lượng máu hiến 250ml, so với lượng máu cơ thể của mỗi người không đáng là bao nhiêu, mỗi kg trọng lượng cơ thể, trung bình có 70 ml máu, nếu lấy 250ml máu của 3.000ml máu bằng 8% số lượng máu cơ thể, nên không ảnh hưởng đến sức khỏe.
- Lượng máu hiến mất đi được phục hồi nhanh sau 3 – 5 ngày. Máu được tái tạo lại là máu mới do cơ thể sinh ra, các thành phần trong máu được trẻ hóa, có sức đề kháng chống bệnh tật và tạo sự phấn chấn trong người, như vậy hiến máu làm cho cơ thể khỏe mạnh hơn.
6. Máu an toàn là gì?
Máu an toàn là máu được lấy từ người khỏe mạnh, đã được xét nghiệm, lưu trữ và được cung cấp kịp thời, đầy đủ cho người bệnh. Nếu bạn thực sự khỏe mạnh, hãy cứu giúp những người bệnh không may mắn, họ đang chờ máu của bạn để điều trị.
Tình trạng thiếu máu càng trở nên trầm trọng vào các dịp:
- Nghỉ tết nguyên đán.
- Những dịp nghỉ hè.
7. Khi hiến máu có thể bị nhiễm bệnh không?
Kim dây lấy máu vô trùng, chỉ sử dụng một lần cho một người, vì vậy không thể lây bệnh cho người hiến máu.
8. Quyền lợi khi tham gia hiến máu
- Người hiến máu được khám và tư vấn sức khỏe miễn phí.
- Được cấp giấy chứng nhận hiến máu tình nguyện của Ban chỉ đạo hiến máu nhân đạo tỉnh, thành phố. Ngoài giá trị về mặt tôn vinh, giấy chứng nhận hiến máu có giá trị bồi hoàn máu, số lượng máu được bồi hoàn lại tối đa bằng lượng máu người hiến máu đã hiến. Giấy Chứng nhận này có giá trị tại các bệnh viện, các cơ sở y tế công lập trên toàn quốc và có giá trị suốt đời người hiến máu.
- Được bồi dưỡng một suất ăn nhẹ tại chỗ, trao tặng một món quà lưu niệm giá trị tùy theo số ml máu hiến 250ml, 350ml, 450ml, hỗ trợ một phần chi phí đi lại
- Ngoài ra, người hiến máu còn được tham gia vào các tổ chức, các hoạt động có ý nghĩa dành cho người hiến máu, tôn vinh người hiến máu…
9. Quy trình xử lý máu sau khi thu gom về bệnh viện:
- Những túi máu (máu toàn phần) sau khi lấy từ người hiến máu sẽ được bảo quản ở nhiệt độ lạnh và nhanh chóng được vận chuyển về ngân hàng máu.
- Tại ngân hàng máu, những túi máu toàn phần đó sẽ được kiểm tra các xét nghiệm, gồm nhóm máu, HIV, virus viêm gan B, virus viêm gan C, giang mai, sốt rét…Bạn sẽ được thông báo kết quả, được giữ kín và được tư vấn (miễn phí) khi được phát hiện ra các bệnh nhiễm trùng nói trên
- Máu và các chế phẩm máu sau đó sẽ được lưu trữ và bảo quản trong các tủ bảo quản lạnh của kho máu theo thời gian.
- Khi có người bệnh đang cấp cứu hoặc điều trị cần phải truyền máu, tùy thuộc vào tình trạng lâm sàng hoặc tùy từng loại bệnh mà bác sĩ có chỉ định truyền máu hay các chế phẩm máu cho phù hợp. Trước khi truyền máu cho người bệnh, các đơn vị sẽ được định lại nhóm và kiểm tra xem có hòa hợp với máu người bệnh hay không. Việc truyền những túi máu cùng nhóm và hòa hợp với máu người bệnh là một việc rất quan trọng để đảm bảo an toàn cho người bệnh nhận máu.
10. Hiến máu có hại cho sức khoẻ không?
- Không. Hiến máu theo hướng dẫn của thầy thuốc không có hại cho sức khoẻ.
- Máu có nhiều thầnh phần, mỗi thành phần chỉ có đời sống nhất định và luôn luôn được đổi mới hằng ngày. Do đó, ngay sau khi hiến máu, các cơ quan sinh máu sẽ được kích thích và quá trình sinh tạo máu sẽ hoạt động với tốc độ gấp 8 - 10 lần so với bình thường. Hoạt động này của nhằm nhanh chóng lấy lại sự cân bằng của cơ thể. Sau khi hiến máu khoảng 3 - 4 tuần, các thành phần trong máu phục hồi lại gần như bình thường.
- Những ngày đầu sau khi hiến máu, các chỉ số máu có thay đổi chút ít nhưng vẫn nằm trong giới hạn sinh lý bình thường không hề gây ảnh hưởng đến các chức năng sống của cơ thể.
Như vậy, mỗi người nếu thấy sức khoẻ tốt, không có các bệnh lây nhiễm qua đường truyền máu, đạt tiêu chuẩn hiến máu thì có thể hiến máu từ 3 - 4 lần trong một năm, vừa không ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ của bản thân, vừa có máu có chất lượng tốt và an toàn cao cho người bệnh, giá trị nhân văn ở đây là rất đáng kính trọng.
11. Quy trình hiến máu gồm 5 bước
Bước 1: Đăng ký tham gia hiến máu (có mẫu đơn phát cho người đến hiến máu theo) Người hiến máu dành thời gian tìm hiểu thêm thông tin về hiến máu qua tài liệu tại điểm hiến máu hoặc trao đổi với các tuyên truyền viên, nhân viên y tế; xuất trình giấy tờ tùy thân và nhận Phiếu đăng ký hiến máu, sau đó hoàn tất phiếu theo hướng dẫn.
Bước 2: Khám và tư vấn sức khoẻ
- Các bác sĩ sẽ tư vấn để khai thác các tiền sử bệnh lý liên quan tới sức khỏe của bạn, giải đáp những băn khoăn, lo lắng của bạn về việc hiến máu nhằm khẳng định bạn đã có hiểu biết đầy đủ về việc hiến máu và hoàn toàn thoải mái, tự nguyện tham gia hiến máu.
- Tiếp theo, bác sĩ sẽ khai thác các yếu tố hành vi nguy cơ lây nhiễm các bệnh qua đường truyền máu như HIV, viêm gan B, viêm gan C, giang mai, sốt rét cũng như các bệnh có thể lây nhiễm qua đường truyền máu.
- Sau đó, các bác sĩ sẽ tiến hành khám sức khỏe để đảm bảo rằng, bạn hoàn toàn khỏe mạnh, tình nguyện hiến máu và không có nguy cơ lây nhiễm bệnh cho người nhận máu.
Bước 3: Xét nghiệm máu
Bạn sẽ được làm các xét nghiệm kiểm tra trước hiến máu, bao gồm:
- Huyết sắc tố: là thành phần quan trọng của hồng cầu, xét nghiệm này nhằm đảm bảo máu của bạn đủ chất lượng theo quy định để truyền cho người bệnh. Đạt tiêu chuẩn hiến máu khi lượng huyết sắc tố đạt trên 120gam/lít.
- Xét nghiệm virus viêm gan B: bằng các xét nghiệm nhanh, để đảm bảo những người có vi rút viêm gan B không tham gia hiến máu.
Bước 4: Hiến máu
Mỗi người sẽ dành trung bình 5 phút cho việc hiến máu với lượng máu hiến mỗi lần là 250, 350 hoặc 450ml.
Bước 5: Nghỉ và nhận giấy chứng nhận sau hiến máu
Sau hiến máu, bạn sẽ phải nghỉ tại chỗ ít nhất 10 phút. Bạn sẽ được phục vụ ăn nhẹ và được khuyến cáo uống nhiều nước sau khi hiến máu. Bạn chỉ nên rời điểm hiến máu khi cảm thấy hoàn toàn thoải mái.
Như vậy cả quy trình hiến máu chỉ mất khoảng 30 phút.
Hiến máu cứu người là một nghĩa cử cao đẹp, đóng góp cho sức khỏe cộng đồng. Còn chần chừ gì không đi hiến máu???