Nguyên nhân và các yếu tố nguy cơ
Chưa xác định chính xác nguyên nhân gây ung thư bàng quang. Tuy nhiên, có một số yếu tố làm tăng nguy cơ bị ung thư bàng quang, đó là:
- Những người hút thuốc lá; người làm nghề có tiếp xúc với hoá chất (công nghiệp in, cao su, công nghiệp nhuộm, chất độc màu da cam,…)
- Những người bị viêm nhiễm mạn tính ở bàng quang do vi khuẩn, ký sinh trùng gây bệnh sán máng, virus Human papilloma (HPV), bệnh nhân mang sonde bàng quang kéo dài, …
- Những bệnh nhân ung thư tuyến tiền liệt, ung thư cổ tử cung, ung thư trực tràng được xạ trị. Những người bị ung thư được điệu trị hoá chất (Cyclophosphamid).
Triệu chứng
Bệnh nhân bị ung thư bàng quang thường có các biểu hiện như sau:
Đái ra máu: là triệu chứng thường gặp ở các bệnh nhân ung thư bàng quang. Có thể đái máu cuối bãi, thoáng qua làm bệnh nhân ít quan tâm. Đái máu xuất hiện đột ngột và hết đái máu đột ngột, thường hay đái máu tái phát. Bệnh nhân thường chỉ đi khám khi đái ra máu toàn bài, đái ra máu cục.
Cùng với đái máu, bệnh nhân thường có rối loạn tiểu tiện kèm theo như đái buốt, đái rắt, đái khó, … do kích thích bàng quang hoặc do viêm bàng quang.
Với những trường hợp đến viện muộn, bệnh nhân có đau tức hạ vị, đau mỏi thắt lưng, phù nề vùng bẹn bìu do tắc tĩnh mạch.
Khám bụng nếu thấy khối chắc vùng hạ vị thì bệnh đã ở giai đoạn muộn, u đã xâm lấn thành bụng.
Thăm trực tràng (âm đạo) có thể đánh giá sự phát triển của khối u ở thành bàng quang và sự xâm lấn vào tiểu khung.
Cận lâm sàng
Các triệu chứng lâm sàng có giá trị gợi ý cho chẩn đoán. Để xác định ung thư bàng quang, cần thực hiện một số biện pháp chẩn đoán sau:
Siêu âm: là phương pháp thường được áp dụng đầu tiên khi có rối loạn tiểu tiện. Siêu âm có thể phát hiện hình ảnh khối u, đánh giá mức độ xâm lấn thành bàng quang, cũng như xâm lấn các tạng xung quanh, di căn hạch tiểu khung và tình trạng ứ nước đường tiết niệu trên.
Nội soi bàng quang: có thể soi bàng quang bằng ống mềm hay ống cứng. Soi bàng quang cho biết chính xác số lượng, kích thước, hình thái, tính chất khối u. Qua soi bàng quang sinh thiết khối u làm xét nghiệm giải phẫu bệnh giúp chẩn đoán loại tế bào và độ biệt hóa của u.
Chụp hệ tiết niệu có tiêm thuốc cản quang (UIV): Trên phim chụp UIV có thể thấy hình khuyết thuốc với bờ răng cưa, hình ảnh thành bàng quang cứng chắc, mất đối xứng hoặc có hình ảnh cắt cụt một bên sừng bàng quang.
Chụp UIV còn để đánh giá chức năng thận, sự thay đổi hình thái của thận và niệu quản do u bàng quang.
Chụp CT – Scanner, MRI, PET/CT: cho phép xác định tổn thương ung thư bàng quang, mức độ xâm lấn thành bàng quang, di căn hạch, di căn xương hay di căn các tạng xa bàng quang giúp đánh giá giai đoạn ung thư, từ đó chỉ định phương pháp điều trị phù hợp.
Điều trị
Nguyên tắc điều trị ung thư bàng quang là phẫu thuật kết hợp với hoá chất, xạ trị. Tùy theo giai đoạn của ung thư mà có phương pháp điều trị cụ thể khác nhau.
Với u bàng quang nông: Phẫu thuật nội soi qua đường niệu đạo cắt u bàng quang. Sau phẫu thuật nội soi cắt u cần điều trị bổ trợ bằng bơm hóa chất, BCG vào bàng quang.
Với u đã có xâm lấn cơ bàng quang: Khi u đã xâm lấn cơ bàng quang thì tỷ lệ di căn hạch khá cao, vì vậy chỉ định cắt bàng quang là lựa chọn tối ưu. Tuỳ thuộc vị trí, kích thước khối u mà có thể phẫu thuật cắt bàng quang bán phần, cắt bàng quang toàn bộ kèm theo dẫn lưu 2 niệu quản ra da hoặc chuyển lưu nước tiểu ra da qua 1 đoạn ruột non hoặc tạo hình bàng quang bằng ruột non. Sau phẫu thuật cần tiếp tục điều trị hoá chất, xạ trị.
Với ung thư bàng quang giai đoạn cuối không còn chỉ định phẫu thuật, điều trị xạ trị giúp giảm sự phát triển u, giảm đau cho người bệnh.
Theo dõi sau điều trị:
Sau điều trị (phẫu thuật, hoá chất, xạ trị), người bệnh cần được theo dõi định kỳ. Tuỳ từng giai đoạn bệnh mà có chế độ theo dõi khác nhau.
Trong những lần khám lại, người bệnh được kiểm tra về lâm sàng, thăm trực tràng, siêu âm, nội soi, các xét nghiệm cần thiết khác để phát hiện kịp thời sự tái phát hay di căn của ung thư.
Dự phòng
Để dự phòng ung thư bàng quang cần đảm bảo chế độ an toàn lao động cho người làm việc trực tiếp tiếp xúc với hoá chất.
Khám sức khỏe định kỳ cho những người làm việc trong các môi trường tiếp xúc thường xuyên với các yếu tố nguy cơ gây ung thư bàng quang.
Tuyên truyền giáo dục để mọi người không hút thuốc lá. Điều trị triệt để cho những người bị viêm bàng quang.
Có chế độ theo dõi cho những người phải mang sonde bàng quang kéo dài. Kiểm tra định kỳ bàng quang cho những bệnh nhân ung thư phải xạ trị ở vùng tiểu khung, hoặc điều trị bằng Cyclophosphamid.
Tất cả những người có bất thường về tiểu tiện, đặc biệt là có đái máu với bất cứ hình thái và mức độ nào đều cần đến cơ sở y tế kiểm tra để chấn đoán và điều trị kịp thời khi ung thư còn ở giai đoạn sớm.
Ts Vũ Thị Hồng Anh
Bộ môn Ngoại ĐHYDTN