1. Về chế độ dinh dưỡng và rèn luyện thể lực
Phụ nữ có thai có thể lây bệnh như những người khác nếu tiếp xúc với mầm bệnh, do vậy hạn chế ra khỏi nhà là cách phòng bệnh tốt nhất. Chỉ ra khỏi nhà nếu thật cần thiết và cần áp dụng các biện pháp phòng hộ cá nhân như đeo khẩu trang, giữ khoảng cách tối thiểu 2m với những người xung quanh, hạn chế chạm tay vào các vật có nhiều người tiếp xúc như nút bấm thang máy, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, dụng cụ tập thể dục, thể thao nơi công cộng, ghế ngồi…
Theo các chuyên gia sản khoa, phụ nữ không được tùy tiện uống thuốc nên việc tự bảo vệ sức khỏe, tăng sức đề kháng là rất quan trọng. Theo đó, phụ nữ cần quan tâm đến chế độ ăn uống trong thai kỳ để tăng sức đề kháng, phòng ngừa nguy cơ mắc bệnh. Những thực phẩm dưới đây góp phần tăng khả năng miễn dịch hiệu quả:
- Thực phẩm chứa vitamin A, D, B
Vitamin A có khả năng chống oxy hóa, góp phần giúp cơ thể khoẻ mạnh, chống lại nguy cơ nhiễm trùng và viêm nhiễm. Phụ nữ có thai nên ăn những thực phẩm có chứa vitamin A như: cà rốt, khoai tây, xoài, hạnh nhân… Tuy nhiên, các chuyên gia cũng khuyến cáo phụ nữ có thai không nên ăn quá nhiều thực phẩm có chứa vitamin A.
Ngoài ra, Vitamin D cũng rất cần thiết vì có khả năng phòng ngừa bệnh cúm và cảm lạnh. Để bổ sung loại vitamin này, phụ nữ có thai nên ăn các thực phẩm như: dầu cá, ngũ cốc, trứng… Trong giai đoạn 3 tháng đầu thai kỳ, nhiều người bị ốm nghén nặng, lúc này cần bổ sung thực phẩm có chứa Vitamin B như: súp lơ, nấm, dâu và bắp, các loại hạt…
Phụ nữ có thai cũng nên lưu ý không dùng vitamin A, B, D dưới dạng thuốc. Khi khám thai sẽ được các bác sĩ tư vấn dùng thuốc nếu thiếu hụt vitamin quá nhiều. Tự uống thuốc bổ sung vì có thể gây ra những tác động xấu đến sự phát triển của thai nhi.
- Bổ sung Sắt, Protein, Probiotics
Khi mang thai, phụ nữ thường thiếu máu do thiếu sắt vì vậy bổ sung những thực phẩm giàu sắt sẽ hỗ trợ các tế bào máu và tăng cường hệ thống miễn dịch. Có thể thêm vào bữa ăn thịt đỏ, các loại rau lá xanh, đậu…
Bên cạnh đó, để tăng cường khả năng miễn dịch, phụ nữ có thai nên bổ sung Protein tự nhiên từ những thực phẩm như: cá, trứng, thịt nạc…
Probiotics cũng là dưỡng chất tốt, giúp tăng sức đề kháng cho mẹ bầu. Dưỡng chất này có nhiều trong sữa chua, mật ong, bột yến mạch…
Nên ăn đúng bữa, đủ chất, ăn nhiều rau xanh, trái cây và uống đủ 2 lít nước mỗi ngày.
Phụ nữ có thai rất cần luyện tập, vận động thể lực một cách hợp lý. Do đó, mẹ bầu nên tìm hiểu một số bài tập thể dục tại nhà dành cho phụ nữ có thai, nhưng phải lưu ý các động tác thể dục cần điều chỉnh cho phù hợp với mỗi tuổi thai.
2. Vệ sinh sạch sẽ nhà ở và nơi làm việc
Cần mở các cửa sổ để lưu thông không khí trong nhà. Các chuyên gia khuyến cáo chỉ số lưu thông không khí ACH cần đạt tối thiểu ở mức 12, tức là khối lượng không khí lưu thông trong 1 giờ phải đạt tối thiểu 12 lần dung tích phòng. Mở cửa sổ còn giúp phòng nhiều ánh sáng có tác dụng sát khuẩn và tăng cường tổng hợp vitamin D cho cơ thể. Nếu không mở rộng cửa sổ vì lý do thời tiết, bạn có thể sử dụng các loại quạt thông gió nhằm tăng cường lưu thông không khí trong nhà.
Đặc trưng của virus SARS-CoV-2 là lây nhiễm qua giọt bắn của người nhiễm bệnh, qua hắt hơi, ho, nói. Giọt bắn có chứa vi rút tồn tại trên các bề mặt như bàn ghế, đồ dùng với thời gian khá lâu, đặc biệt là trên các đồ vật bằng kim loại như tay nắm cửa, vòi nước...Do vậy, việc thường xuyên vệ sinh nơi ở bằng cách lau sàn nhà, tay nắm cửa và bề mặt các đồ vật trong nhà bằng hoá chất diệt khuẩn là điều quan trọng. Ngoài các hoá chất thông thường có chứa xà phòng như nước lau nhà, nước rửa kính, cũng có thể dùng thêm các dung dịch sát khuẩn có chứa ít nhất 60% cồn. Chỉ nên dùng hoá chất có chứa clo (VIM, GIFT, nước Javen, Cloramin B, Caxi Hipoclorit…) để tẩy rửa bồn cầu và phải xả thật kỹ bằng nước sạch, không nên sử dụng các hoá chất này để làm sạch những đồ vật khác vì có thể gây ảnh hưởng không tốt cho thai nhi.
3. Khám thai định kỳ
Như trên đã nêu, hạn chế ra ngoài là phương án tối ưu để phòng dịch, tuy nhiên việc đi khám thai định kỳ rất cần thiết.
Tâm lý nhiều bà bầu lo ngại dịch bệnh COVID mà không đến bệnh viện, bỏ qua nhiều lịch khám thai, tiêm phòng quan trọng. Các bác sĩ khuyên các bà bầu vẫn cần đi khám thai theo lịch, vì sẽ giúp phát hiện ra những nguy hiểm cho thai kì như: thai chết lưu, thai suy dinh dưỡng, tiền sản giật… Đặc biệt những mốc khám thai quan trọng, mẹ bầu tuyệt đối không được bỏ qua, ví dụ như: tầm soát dị tật ở tuần 11 – 13; siêu âm 4D lúc 20 tuần phát hiện những bất thường liên quan đến hình thái thai; xét ngiệm tầm soát tiểu đường lúc 24 – 28 tuần… Nếu bỏ lỡ thì sẽ không thể thực hiện được nữa.
Khi đến khám, mẹ bầu cần thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng hộ cá nhân như đeo khẩu trang; rửa tay bằng xà phòng hoặc nước sát khuẩn tay ngay sau khi tiếp xúc với các đồ vật như tay nắm cửa, thiết bị vệ sinh, tay vịn cầu thang…tránh đến cơ sở y tế vào giờ cao điểm nhằm đảm bảo khoảng cách tối thiểu 2m với những người xung quanh.
Trong thời gian ở nhà, nếu thấy có những dấu hiệu nguy hiểm như đau bụng, ra máu, ra dịch ở cửa mình, đau đầu, nhìn mờ, buồn nôn hoặc nôn, không thấy cử động thai (thai máy, thai đạp) trong 6 giờ liền hoặc quá ngày dự kiến sinh mà không thấy chuyển dạ…cần báo ngay cho bác sỹ hoặc đến cơ sở y tế có chức năng chăm sóc thai sản. Khi đi cần áp dụng các biện pháp phòng hộ cá nhân như đã nêu.
Nếu xuất hiện triệu chứng sốt, ho, khó thở, tức ngực cần báo ngay cho cơ sở y tế địa phương để được tư vấn và hỗ trợ kịp thời. Cần giữ tâm lý bình tĩnh, thoải mái, không hoảng loạn khi có các triệu chứng này, lưu ý rằng có nhiều bệnh như viêm họng, cúm ...cũng gây các triệu chứng tương tự.