Tóm tắt

1) Bệnh coronavirus 2019 (COVID-19) là một bệnh truyền nhiễm do coronavirus của hội chứng hô hấp cấp tính nặng (SARS-CoV-2) gây nên. Bệnh được xác định lần đầu tiên vào tháng 12 năm 2019 tại Vũ Hán, Trung Quốc và kể từ đó đã lan rộng ra toàn cầu, dẫn đến tình trạng nhiễm coronavirus 2019-2020 bùng phát.

2) Các xét nghiệm đối với hội chứng hô hấp cấp tính nặng coronavirus 2 (SARS-CoV-2) gồm phương pháp phát hiện sự hiện diện của virus và phương pháp phát hiện các kháng thể do cơ thể sinh ra để đáp ứng với nhiễm virus.

3) Xét nghiệm phân tử: phản ứng chuỗi polymerase sao chép ngược thời gian thực (rRT-PCR), có khả năng phát hiện RNA của SARS-CoV-2, có thể được thực hiện trên các mẫu từ đường hô hấp, gồm các mẫu tăm bông mũi hoặc đờm. Xét nghiệm này giúp phát hiện RNA của SARS-CoV-2 và được sử dụng để xác nhận nhiễm virus gần đây hoặc đang hoạt động.

4) Xét nghiệm kháng thể (huyết thanh học) có thể được sử dụng cả cho chẩn đoán và giám sát cộng đồng dân cư. Một phần của phản ứng miễn dịch của cơ thể đối với nhiễm virus là sự tổng hợp các kháng thể IgM và IgG. Các kháng thể IgM đối với SARS-CoV-2 thường có thể phát hiện được trong máu vài ngày sau khi bị nhiễm lần đầu. Kháng thể IgG đối với SARS-CoV-2 có thể được phát hiện muộn hơn sau nhiễm virus. Xét nghiệm kháng thể cho biết có bao nhiêu người đã mắc bệnh, bao gồm cả những người có triệu chứng nhẹ hoặc không có triệu chứng.

5) Ngoài các xét nghiệm chẩn đoán phân tử và kháng thể để chẩn đoán COVID-19 ở trên, một số xét nghiệm Hóa sinh và Huyết học cũng đóng vai trò quan trọng trong việc đánh giá mức độ nghiêm trọng, các biến chứng, theo dõi hiệu quả điều trị và tiên lượng của bệnh.

The diagnostic value of molecular and antibody tests in patients with COVID-19

Luat Nghiem Nguyen

MEDLATEC General Hospital

Abstract

1) Coronavirus disease 2019 (COVID-19) is an infectious disease caused by severe acute respiratory syndrome coronavirus 2 (SARS-CoV-2). The disease was first identified in December 2019 in Wuhan, China, and has since spread globally, resulting in the ongoing 2019-2020 coronavirus pandemic.

2) Laboratory testing for  severe acute respiratory syndrome coronavirus 2 (SARS-CoV-2) includes methods that detect the presence of virus and those that detect antibodies produced in response to infection.

3) Molecular tests: real-time reverse transcription polymerase chain reaction (rRT-PCR), which detects the SARS-CoV-2' RNA, the test can be done on respiratory samples, including a nasopharyngeal swab or sputum sample. This test detects only the RNA of the SARS-CoV-2 and is used to confirm very recent or active infections.

4) Antibody tests (serology) can be used both for diagnosis and population surveillance. Part of the immune response to infection is the production of antibodies including IgM and IgG. IgM antibodies to SARS-CoV-2 are generally detectable in blood several days after initial infection. IgG antibodies to SARS-CoV-2 become detectable later following infection. Antibody tests show how many people have had the disease, including those whose symptoms were minor or who were asymptomatic.

5) In addition to the above molecular and antibody tests for  the diagnosis of COVID-19, a number of biochemical and hematological tests also play an important role in assessing severity, complications, monitoring the effect of treatment and prognosis of the disease.                                              

*

Virus gây hội chứng hô hấp cấp tính nặng loại 2 (Severe acute respiratory syndrome coronavirus 2), viết tắt là SARS-CoV-2, là một chủng coronavirus mới gây ra bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus corona 2019 (COVID-19). Như vậy, SARS-CoV-2 là tên virus, còn COVID-19 là tên bệnh do virus SARS-CoV-2 gây ra.           

Bệnh COVID-19, là một đại dịch toàn cầu đang bùng phát là do virus của hội chứng hô hấp cấp tính nặng coronavirus 2 (SARS-CoV-2) gây ra. Khi số lượng người nhiễm COVID-19 tiếp tục gia tăng trên toàn cầu và các hệ thống chăm sóc sức khỏe ngày càng căng thẳng, rõ ràng các xét nghiệm sẽ đóng một vai trò thiết yếu trong cuộc khủng hoảng này, góp phần sàng lọc, chẩn đoán, theo dõi điều trị và giám sát dịch tễ học.

Hiện có hai loại xét nghiệm có thể phát hiện xem một người đã bị nhiễm SARS-CoV-2 và có vi-rút COVID-19 hay không. Hai loại xét nghiệm đó là: (1) Xét nghiệm nhằm phát hiện sự hiện diện của virus SARS-CoV-2 trong cơ thể bệnh nhân, được thực hiện bằng cách kiểm tra xem có virus có trong dịch tiết của mũi, nước bọt hoặc đờm và (2) xét nghiệm phát hiện xem cơ thể bệnh nhân có tạo ra các kháng thể chống lại SARS-CoV-2 hay không. Điều này thường được thực hiện bằng cách lấy một mẫu máu để tìm các kháng thể IgM và IgG chống lại COVID-19.

Bài viết này nhằm mục đích cung cấp các thông tin liên quan đến giá trị của các xét nghiệm trong sàng lọc, chẩn đoán và theo dõi các bệnh nhân bị bệnh COVID-19 đến các bác sĩ, kỹ thuật viên và các bạn đọc quan tâm.

1. Cấu trúc bộ gen và quá trình nhân lên của SARS-COV-2

1.1. Cấu trúc bộ gen của SARS-COV-2:

        Tương tự như các coronavirus khác, bộ gen RNA là một sợi dương của SARS-COV-2 chứa ít nhất 6 khung đọc mở (open reading frame: ORF) tương ứng với các protein dự đoán khả năng gây bệnh của các virus, bao gồm protein enzym RNA polymerase phụ thuộc RNA (RNA-dependent RNA polymerase, RdRP), glycoprotein dăm S (spike), protein vỏ virus E (envelope), protein màng M (membrane), nucleoprotein bao nhân N (nucleocapsid) và các protein phụ khác mà virus sử dụng để lây nhiễm các tế bào (Hình 1).

Cấu trúc bộ gen của SARS-COV-2

Hình 1.Vùng 5 ′ UTR và 3 ′ UTR và vùng mã hóa của COVID-19, SARS-CoV và MERS-CoV. Sự khác nhau trong cách sắp xếp các gen tương ứng với các protein E, M và N của các virus COVID-19, SARS-CoV và MERS -CoV được thể hiện ở đầu 3′ tận cùng (Mousavizadeh L and Ghasemi S, 2020 [7]).

1.2. Chu kỳ sống của SARS-CoV-2

Chu kỳ sống (life cycle) của SARS-CoV-2 trong tế bào phổi của người gồm 6 giai đoạn: 1) Spike protein trên bề mặt virus gắn vào ACE2 (angiotensin-converting enzyme 2) là một protein bề mặt tế bào (Wu KJ, 2020 [11]) và TMPRSS2 (transmembrane serine protease2) là một enzym giúp virus xâm nhập vào tế bào; 2) Virus giải phóng ra RNA của nó; 3) Một số RNA được phiên mã thành các protein nhờ bộ máy sinh tổng hợp protein của tế bào; 4) Một số các protein này tạo thành một phức hợp giúp virus sao chép ra nhiều bộ gen RNA của nó; 5) Các protein và RNA hình thành một virus mới trong bộ Golgi của tế bào và 6) Virus được phóng thích ra khỏi tế bào vật chủ (Hình 2).

Chu kỳ sống của SARS-CoV-2

Hình 2. Chu kỳ sống của Sars CoV-2 (Song Z, 2019 [9]).

1.3. Sự thay đổi SARS-CoV-2 RNA, kháng nguyên và các kháng thể IgM và IgG trong bệnh COVID-19

Sự thay đổi mức độ RNA của SARS-CoV-2, kháng nguyên (antigen), các kháng thể IgM và IgG) của người trong quá trình nhiễm SARS-CoV-2 và quá trình hồi phục nói chung gồm 3 giai đoạn như sau:

1) Giai đoạn ủ bệnh (không triệu trứng): thường từ 0-5 ngày sau khi nhiễm SARS-CoV-2.

2) Giai đoạn khởi phát (xuất hiện triệu chứng): thường từ ngày thứ 5 sau khi nhiễm SARS-CoV-2.

3) Giai đoạn hồi phục (triệu chứng giảm dần): từ ngày thứ 14 sau khi nhiễm SARS-CoV-2 và khoảng ngày thứ 10 kể từ khi xuất hiện triệu chứng.

RNA và kháng nguyên của SARS-CoV-2 xuất hiện ngay từ ngày đầu bị nhiễm virus, đạt mức cao nhất vào khoảng ngày thứ 14 rồi giảm dần và có thể biến mất vào ngày thứ 21.

Kháng thể chống SARS-CoV-2 IgM thường xuất hiện vào ngày thứ 7 sau nhiễm virus, đạt mức cao nhất vào khoảng ngày thứ 14 đến 21 rồi giảm dần và có thể biến mất vào ngày thứ 28.

Kháng thể chống SARS-CoV-2 IgG thường xuất hiện muộn hơn, thường là vào ngày thứ 14 sau nhiễm virus, đạt mức cao nhất trong vòng vài tháng tiếp theo và có thể tồn tại một thời gian dài sau đó (Hình 3).

Hình 3. Sự thay đổi mức độ RNA, kháng nguyên (antigen) của SARS-CoV-2, các kháng thể IgM và IgG của người trong quá trình nhiễm SARS-CoV-2 và trong quá trình hồi phục (Biopanda 2020 [1]). Trục tung: mức độ của các thông số; trục hoành: thời gian sau khi bị nhiễm SARS-CoV-2 (ngày); màu xanh da trời: mức độ  RNA và kháng nguyên của SARS-CoV-2; màu xanh lá cây: kháng thể IgM; màu đỏ: kháng thể IgG của người.

Sự hiểu biết về sự thay đổi mức độ RNA trong dịch hầu, họng, kháng nguyên và các kháng thể IgM và IgG trong máu, huyết thanh và huyết tương ở người nhiễm SARS-CoV-2 giúp người thầy thuốc chỉ định các xét nghiệm một cách chính xác và đánh giá được các giai đoạn trong tiến trình của bệnh COVID-19.

2. Chẩn đoán bằng xét nghiệm sinh học phân tử

2.1.  Phản ứng polymerase sao chép ngược thời gian thực (rRT-CRP)

Xét nghiệm phân tử (molecular tests), thường sử dụng là phản ứng chuỗi polymerase sao chép ngược thời gian thực rRT-PCR (real-time reverse transcription polymerase chain reaction), giúp phát hiện virus ở người bị nhiễm được dựa trên việc phát hiện RNA của SARS-CoV-2  lấy từ dịch tiết mũi họng. PCR là một phương pháp được sử dụng để tạo ra một số lượng lớn các bản sao của các đoạn DNA ngắn từ một mẫu DNA rất nhỏ để có thể phát hiện ra nó. Quá trình này được gọi là quá trình khuếch đại DNA. Tuy nhiên, vì SARS CoV-2 là một loại virus có bộ gen là RNA và RNA là một phân tử axit nucleic đơn chuỗi, nên nó cần được tạo thành DNA bổ sung trước khi có thể được khuếch đại. Trong quá trình xét nghiệm, một enzym có tên reverse transcriptase gắn với RNA chuỗi đơn của virus và tạo ra một bản sao dựa trên DNA, sau đó DNA bổ sung này có thể được khuếch đại bằng quy trình PCR thông thường.

Xét nghiệm phân tử có khả năng giúp phát hiện những người bị nhiễm SARS-CoV-2, kết quả dương tính được xem là bị nhiễm virus này và có khả năng truyền bệnh, nếu kết quả âm tính là không bị nhiễm SARS-CoV-2 hoặc có thể đã khỏi bệnh. Xét nghiệm phân tử là tiêu chuẩn vàng để chẩn đoán SARS-CoV-2. Tuy nhiên, xét nghiệm này không cho biết một người có miễn dịch với nhiễm virus trong quá khứ hay chưa bị phơi nhiễm và vẫn còn nguy hiểm.

Các kết quả phân tích bộ gen của SARS-CoV-2 bằng rRT-PCR sử dụng các đoạn gen N1, N2, N3 và RNase P có thể được giải thích theo Bảng 1

Bảng 1. Giải thích kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 rRT-PCR sử dụng các đoạn nucleotid  SARS-CoV-2  N1, N2, N3 và RNase P (LabCorp, 2020 [6]).

Việc sử dụng chỉ 2 gen N1 và N2 của SARS-CoV-2 so với sử dụng 3 đoạn gen N1, N2, N3 và RNase P vẫn có sự phù hợp với tỷ lệ phần trăm dương tính là 100% (95% CI 88,7-100%) và với tỷ lệ phần âm tính là 100% (95% CI 88,7-100%) (Quest Diagnostics, 2020 [8]).

Một số gen khác của bộ gen của SARS-CoV-2 cũng có thể được sử dụng để phát hiện nhiễm SARS-CoV-2 nhờ rRT-PCR gồm các gen ORF1ab, RdRP, E,…

2.2. Xét nghiệm kỹ thuật khuếch đại axit nucleic đẳng nhiệt (INAA           

Ngày 27/ 3/ 2020, FDA đã phê duyệt một xét nghiệm tự động từ Abbott Diagnostics Scarborough sử dụng kỹ thuật khuếch đại axit nucleic đẳng nhiệt (isothermal nucleic acid amplification technology). Ngày 13/ 4/ 2020, Bộ Y tế Canada đã phê duyệt một xét nghiệm tương tự từ Spartan Bioscience. Lợi ích của các xét nghiệm đẳng nhiệt này là có thể xét nghiệm bệnh nhân bằng máy phân tích DNA cầm tay và nhận kết quả mà không phải gửi mẫu đến các trung tâm xét nghiệm.

3. Xét nghiệm kháng thể chống SARS-CoV-2 IgM và IgG

Các xét nghiệm phát hiện miễn dịch dựa trên phát hiện định tính IgM và IgG được cơ thể tạo ra trong đáp ứng với nhiễm SARS-CoV-2. IgM là loại kháng thể xuất hiện sớm, trong khi IgG được tạo ra muộn hơn. IgM và IgG chống lại nhiễm virus bằng cách gắn vào các kháng nguyên đặc hiệu trên bề mặt của SARS-nCoV-2.

 Xét nghiệm nhanh sắc ký miễn dịch (rapid immunochromatography test) được chế tạo để phát hiện định tính (qualitative) kháng thể đặc hiệu chống SARS-CoV-2. IgM và IgG có trong máu, huyết thanh hoặc huyết tương của người bị nhiễm SARS-CoV-2.

 Vì thời gian ủ bệnh trung bình của nhiễm SARS-CoV-2 là khoảng 5,1 ngày, IgM đặc hiệu với SARS-CoV-2 có thể được phát hiện lần đầu trong khoảng thời gian từ 3 đến 5 ngày sau khi xuất hiện triệu chứng. Cũng vì vậy, chỉ nên sử dụng xét nghiệm kháng thể khi các triệu chứng xuất hiện ít nhất 3 ngày.            

 Ý nghĩa lâm sàng của các kết quả xét nghiệm nhanh đối với các kháng thể IgM, IgG và IgM+IgG để phát hiện SARS-CoV-2 được thể hiện ở Hình 4.

Ý nghĩa lâm sàng kết quả xét nghiệm nhanh COVID-19

Hình 4. Ý nghĩa lâm sàng kết quả xét nghiệm nhanh COVID-19 (VivaDiag, 2020 [10]).

• Kết quả âm tính: chỉ có 1 vạch C (control: đối chứng): âm tính, không bị COVID-19 nếu rRT-PCR cũng (-) tính.

• Kết quả dương tính với IgM: có 2 vạch C và M: IgM dương tính, bị COVID-19 nguyên phát giai đoạn sớm.

• Kết quả dương tính, chỉ IgG: có 2 vạch C và G: IgG là dương tính và bị COVID-19 ở giai đoạn muộn (sau 28 ngày) hoặc tái phát.

• Kết quả dương tính, IgG và IgM: có 3 vạch C, M và G: IgM và IgG dương tính: bị COVID-19 ở giai đoạn muộn (sau 14 – 28 ngày) (Davis CP, 2020 [2]).

Kết quả không xác định: tất cả các trường hợp không có vạch C, cần xem lại thuốc thử  hoặc làm lại xét nghiệm với thuốc thử mới.

Tỷ lệ dương tính của IgG thường cao hơn IgM trong bệnh COVID-19 (Jin Y, 2020 [4]).

Xét nghiệm kháng thể trong bệnh COVID-19 không xác nhận sự hiện diện của virus trong cơ thể, chúng chỉ cho biết bệnh nhân đang hoặc đã từng bị nhiễm với SARS-CoV-2. Do đó, xét nghiệm này chỉ nên được sử dụng để sàng lọc và nên được sử dụng cùng với với xét nghiệm phân tử để xác định tình trạng bệnh COVID-19 một cách toàn diện.

Ở những bệnh nhân không phát hiện được RNA từ dịch tiết mũi họng, sự có mặt trong huyết tương của các kháng thể chống SARS-CoV-2 cũng có giá trị chẩn đoán bệnh COVID-19 (Yuan Q, 2020 [12]). Các kết quả này cho thấy việc sử dụng kết hợp giữa các xét nghiệm RNA trong dịch mũi họng và xét nghiệm kháng thể trong máu là cần thiết, đặc biệt là đối với các bệnh nhân bị COVID-19 không phát hiện được RNA.  

TT

rRT-PCR

IgM

IgG

Ý nghĩa lâm sàng

1

+

-

-

Bệnh nhân có thể ở thời kỳ cửa sổ của nhiễm, kháng thể chưa được sản xuất hoặc ở dưới ngưỡng phát hiện.

2

+

+

-

Bệnh nhân có thể ở giai đoạn sớm của nhiễm, bắt đầu đáp ứng miễn dịch với sự sản xuất kháng thể IgM.

3

+

+

+

Bệnh nhân có thể ở giai đoạn hoạt động của nhiễm, đáp ứng miễn dịch tiến triển với sự sản xuất của cả IgM và IgG.

4

+

-

+

Bệnh nhân ở giai đoạn muộn của nhiễm, IgM mất, IgG còn tồn tại hoặc rRT-PCR (+) tính có thể do tái phát.

5

-

+

-

Bệnh nhân có thể ở giai đoạn sớm của nhiễm. Kết quả rRT-CPR có thể là (-) tính giả hoặc IgM (+) tính giả.

6

-

-

+

Bệnh nhân có thể ở giai đoạn nhiễm đã qua và đã phục hồi.

7

-

+

+

Bệnh nhân có thể ở giai đoạn phục hồi của nhiễm hoặc kết quả rRT-CPR có thể là (-) tính giả.

 

4. Xét nghiệm kháng nguyên

Xét nghiệm phát hiện kháng nguyên mới của SARS-CoV-2 dựa trên nguyên tắc miễn dịch gắn enzym kháng thể kép (double antibody sandwich enzyme-linked immunoassay). Khay đọc vi giếng (microplate reader)  được phủ trước một kháng thể kháng protein SARS-CoV-2. Khi huyết tương có chứa kháng nguyên protein N của SARS-CoV-2, nó sẽ gắn kháng thể đặc hiệu được phủ trên tấm vi giếng. Sau khi enzym horseradish peroxidase(HRP) dán nhãn gắn với kháng thể kháng protein N của SARS-CoV-2, một phức hợp "kháng thể gắn nhãn kháng nguyên-kháng thể-enzyme" (“antibody-antigen-enzyme labeled antibody" complex) được hình thành. Sau khi thêm chất nền 3,3' 5,5'-tetramethylbenzidine (TMB), enzym HRP sẽ xúc tác cho sự tạo màu. Các khay đọc vi giếng sẽ được đo giá trị hấp thụ để xác định sự có hay không kháng nguyên SARS-CoV-2 trong mỗi mẫu thử. Xét nghiệm kháng nguyên hiện chưa có các sản phẩm cho sử dụng lâm sàng.

5. Các xét nghiệm khác

Ý nghĩa lâm sàng của các xét nghiệm bổ sung trong đánh giá mức độ nặng của bệnh COVID-19 được thể hiện ở Bảng 3.

Bảng 3. Ý nghĩa lâm sàng của các xét nghiệm bổ sung trong đánh giá mức độ nặng của bệnh COVID-19 (IFCC, 2020 [3]).

TT

Các xét nghiệm

Thay đổi

Ý nghĩa lâm sàng

1

Tổng phân tích máu

Bạch cầu tăng,

BC trung tính tăng,

BC lympho tăng,

Tiểu cầu giảm

Nhiễm khuẩn

Nhiễm khuẩn

Giảm đáp ứng miễn dịch với virus

Rối loạn đông máu

2

Albumin

Giảm

Giảm chức năng gan

3

Lactate dehydrogenase (LDH)

Tăng

Tăng tổn thương phổi và/ hoặc tổn thương cơ quan lan rộng

4

Alanine aminotransferase (ALT)

Tăng

Tổn thương gan và/ hoặc tổn thương nội tạng trên diện rộng

5

Aspartate aminotransferase (ALT)

Tăng

Tăng tổn thương gan và/ hoặc tổn thương cơ quan lan rộng

6

Bilirubin toàn phần

Tăng

Tổn thương gan

7

Creatinine

Tăng

Tổn thương thận

8

Troponin tim

Tăng

Tổn thương tim

9

D-dimer

Tăng

Tăng kích hoạt đông máu và/ hoặc rối loạn đông máu lan tỏa

10

Thời gian Prothrombin (PT)

Tăng

Tăng kích hoạt đông máu và/ hoặc rối loạn đông máu lan tỏa

11

Procalcitonin

Tăng

Nhiễm vi khuẩn tăng

12

Protein phản ứng C (CRP)

Tăng

Nhiễm virus nặng/ nhiễm virus/ nhiễm khuẩn huyết do virus

13

Ferritin

Tăng

Viêm nặng

14

Cytokine (IL-6)

Tăng

Hội chứng bão Cytokine

Như vậy, ngoài các xét nghiệm chẩn đoán phân tử và kháng thể nêu trên, một số các xét nghiệm Hóa sinh và Huyết học cũng góp phần rất quan trọng trong việc đánh giá mức độ nặng, biến chứng, theo dõi hiệu quả điều trị và tiên lượng bệnh. Ngoài ra, các bằng chứng mới cho thấy rằng bệnh nhân mắc COVID-19 nặng có thể có nguy cơ bị hội chứng bão cytokine (cytokine storm syndrome). Các xét nghiệm cytokine, đặc biệt là IL-6, nên được sử dụng khi có điều kiện để đánh giá các bệnh nhân nặng nghi ngờ bị viêm quá mức (hyperinflammation).       

5. Các câu hỏi và câu trả lời liên quan đến các xét nghiệm COVID-19

1) Những hạn chế của kỹ thuật phân tử trong chẩn đoán nhiễm COVID-19 là gì?

- Âm tính giả có thể xảy ra đối với kỹ thuật phân tử gồm cách lấy bệnh phẩm, thực hiện xét nghiệm chưa chuẩn xác, thuốc thử sắp hết hạn, một số yếu tố có thể ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm; dương tính giả có thể xảy ra khi một người bị nhiễm với một số virus khác.  

2) Những mẫu bệnh phẩm nào nên được sử dụng để phát hiện SARS-CoV-2 bằng rRT-PCR?

- Nghiên cứu cho thấy xét nghiệm rRT-PCR ở bệnh nhân bị COVID-19 cho kết quả RNA dương tính ở các bệnh phẩm như sau: dịch rửa phế quản (93%), đờm (72%), gạc mũi (63%), mẫu sinh thiết phổi xuyên phế quản (46%), gạc hầu họng (32%), phân (29%), máu (1%) và nước tiểu (0%).

3) Những hạn chế của xét nghiệm kháng thể trong chẩn đoán COVID-19 là gì?

- Xét nghiệm kháng thể là xét nghiệm để phát hiện phản ứng miễn dịch của cơ thể người đối với SARS-CoV-2, không phải xét nghiệm phát hiện bản thân virus. Trong 5 ngày đầu nhiễm virus, đáp ứng miễn dịch mới bắt đầu, thường không phát hiện được IgM; quá 28 ngày, kháng thể IgM có thể biến mất, kháng thể IgG vẫn còn lâu dài sau khi đã khỏi bệnh. Vì vậy, không nên sử dụng xét nghiệm huyết thanh một mình để chẩn đoán COVID-19.

4) Có nên nuôi cấy virus để phục vụ chẩn đoán nhiễm COVID-19 không?

- Không nên phân lập SARS-CoV-2 để nuôi cấy để chẩn đoán thường quy vì sự lây lan nguy hiểm có thể của chúng.

5) Chụp cắt lớp ngực (chest CT scans) có cần được sử dụng để chẩn đoán COVID-19 không?

- Đại học X quang Hoa Kỳ (ACR) khuyến cáo không nên sử dụng CT để sàng lọc COVID-19, hoặc làm kỹ thuật đầu tiên để chẩn đoán COVID-19 thay cho rRT-PCR, và CT chỉ nên được sử dụng cho những bệnh nhân có triệu chứng cần nhập viện với các chỉ định lâm sàng cụ thể.

6) Bệnh nhân có thể bị tái nhiễm sau khi hồi phục từ COVID-19 không?

- Vẫn còn có những điều chưa chắc chắn, nhưng các chuyên gia của WHO cho rằng các báo cáo về các bệnh nhân dường như đã hồi phục nhưng sau đó xét nghiệm rRT-PCR dương tính trở lại không phải là tái nhiễm (reinfection), mà có thể là do "tái kích hoạt" (reactivate) của sự nhiễm virus kéo dài không được phát hiện bằng các xét nghiệm trong một thời gian.

7) Tại sao trẻ em thường bị COVID-19 nhẹ hơn người lớn và người già thường bị COVID-19 nặng hơn người trẻ?

- Hệ thống miễn dịch của cơ thể có một sự cân bằng tinh tế. Ở người trưởng thành, bệnh COVID-19 có thể nghiêm trọng vì hệ thống miễn dịch của cơ thể hoạt động mạnh, phản ứng miễn dịch quá mức, đôi khi có thể gây hại cho phổi nhiều hơn do chính mầm bệnh.

- Ở trẻ em, hệ thống miễn dịch chưa đủ phát triển để chống lại mầm bệnh, vì vậy, phần lớn các trường hợp nặng ở trẻ là từ 5 tuổi trở xuống. Khi trẻ lớn dần, hệ thống miễn dịch ở sẽ đạt trạng thái vừa phải, đủ mạnh để kiểm soát nhiễm virus mà không gây phản ứng quá mức.

- Ở người già, do COVID-19 thường nặng hơn và tỷ lệ tử vong cũng cao hơn do hệ thống miễn dịch của họ đã suy yếu và cũng do họ thường mắc kèm theo các mạn tính như tăng huyết áp, bệnh tim mạch, tiểu đường hoặc bệnh thận.

8) Tại sao phụ nữ thường bị nhiễm COVID-19 nhẹ hơn nam giới?

- Mức độ nặng và tỷ lệ tử vong do bệnh COVID-19 ở phụ nữ thường thấp hơn ở nam giới có thể là do vấn đề di truyền. Một số nhà khoa học cho rằng phụ nữ có xu hướng gắn kết với một phản ứng miễn dịch mạnh hơn,  điều này một phần là do hầu hết phụ nữ có hai nhiễm sắc thể X và nhiễm sắc thể X có chứa hầu hết các gen liên quan đến hệ thống miễn dịch. Một số hormone cũng có thể giúp phụ nữ một cách phòng thủ hiệu quả hơn.

9) Các tiêu chuẩn lâm sàng và xét nghiệm của khỏi bệnh COVID-19 là gì?

- Các tiêu chuẩn để một bệnh nhân mắc COVID-19 xuất viện là:

• Tiêu chuẩn lâm sàng: không sốt trong 3 ngày, các triệu chứng hô hấp được cải thiện, hình ảnh phổi cho thấy sự giảm viêm rõ rệt, không cần chăm sóc tại bệnh viện đối với bệnh lý khác, đánh giá bác sĩ lâm sàng.

• Tiêu chuẩn xét nghiệm virus: bằng chứng về độ thanh thải SARS-CoV-2 trong các mẫu hô hấp; 2 đến 4 xét nghiệm RT-PCR âm tính đối với các mẫu đường hô hấp (gạc mũi và họng với khoảng cách lấy mẫu là 24 giờ). Xét nghiệm tối thiểu 7 ngày sau khi xét nghiệm RT-PCR dương tính đầu tiên được khuyến nghị cho những bệnh nhân có cải thiện lâm sàng sớm hơn.

• Tiêu chuẩn về xét nghiệm huyết thanh học: xuất hiện IgG đặc hiệu với xét nghiệm huyết thanh học thích hợp.

Sau khi xuất viện, bệnh nhân cần được tiếp tục cách ly 14 ngày để theo dõi sức khỏe thường xuyên.

10) Hướng phát triển của phương pháp chẩn đoán SARS-CoV-2 mới là gì?

- Một nhóm tại Đài Loan gần đây đã tạo ra được một kháng thể đơn dòng (monoclonal antibody) có khả năng gắn một cách đặc hiệu vào protein nucleocapsid (N) của coronavirus SARS-CoV-2, có thể được sử dụng để sản xuất test nhanh. Một lợi thế nữa của kháng thể đơn dòng SARS-Cov-2 là nó không nhận ra protein N của 5 chủng coronavirus khác có thể gây cúm thông thường và do đó ngăn ngừa phản ứng chéo và dương tính giả. Trong tương lai, việc tổng hợp được kháng thể đơn dòng chống SARS-CoV-2 còn có thể được sử dụng trong trị liệu miễn dịch (immunotherapy) chống lại bệnh COVID-19.

Tài liệu tham khảo

  1. Biopanda. COVID-19 Rapid Test Kit. Biopanda 2020.
  2. Davis CP. How Do the COVID-19 Coronavirus Tests Work? Medicin Net 2020 Apr 2.
  3. IFCC Information Guide on COVID-19 - Monday 6 April updates
  4. Jin Y, Wang M, Zuo Z. Diagnostic value and dynamic variance of serum antibody in coronavirus disease 2019. International Journal of Infectious Diseases 2020: Journal Pre-proof.
  5. Johns Hopkins University. Serology-based tests for COVID-19, Johns Hopkins University April 10, 2020.
  6. LabCorp. Accelerated emergency use authorization (EUA) sumary COVID-19 RT-PCR Test (Laboratory Corporation of America). LabCorp COVID-19 RT-PCR test EUA Sumary 2020; 17.
  7. Mousavizadeh L and Ghasemi S. Genotype and phenotype of COVID-19: Their roles in pathogenesis. J Microbiol Immunol Infection 2020 Mar 31: 1-5.
  8. Quest Diagnostic. SARS-CoV-2 RNA, Qualitative Real-Time RT-PCR (Test Code 39433). Quest Diagnostic 2020 Mar 24: 1-18. 
  9. Song Z, Xu Y, Bao L, et al. From SARS to MERS, Thrusting Coronaviruses into the Spotlight. Viruses 2019; 11(1): 59.
  10. VivaDiag™ SARS-CoV-2 IgM/IgG Rapid Test (COVID-19 IgM/IgG Rapid Test), 2020.
  11. Wu KJ. The coronavirus spares most kids. These theories may help explain why. National Geographic 2020 Mar 25.
  12. Yuan Q, Wang HY, Liu W, et al. Antibody responses to SARS-CoV-2 in patients of novel coronavirus disease 2019. The Lancet 2020: 1-31