Theo khái niệm của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), TĂĐP là những đồ ăn, thức uống được làm sẵn hoặc chế biến, nấu nướng tại chỗ, có thể ăn ngay và được bày bán trên đường phố, những nơi công cộng.

TĂĐP ngày càng trở nên phổ biến cùng với nếp sống đô thị hóa vì các mặt tích cực của nó đối với xã hội. Nó cung cấp một nguồn thức ăn giàu chất dinh dưỡng với giá cả phải chăng và mang hương vị đặc biệt (do kinh nghiệm riêng của người chế biến). Thức ăn đường phố thường đa dạng và tiện lợi cho những người có thu nhập thấp và eo hẹp thời gian. Tạo được nguồn thu nhập đáng kể cho nhiều người, đặc biệt là đối tượng phụ nữ, nguồn lao động chính tham gia vào dịch vụ ăn uống đường phố (nhất là phụ nữ, những người di cư từ nông thôn ra đô thị, thứ hai là học sinh, sinh viên). Loại hình này đã mang đến cơ hội làm ăn, tạo bước khởi đầu cho những ai có vốn kinh doanh ít, đồng thời cũng hấp dẫn đối với khách du lịch và cả những người có kinh tế khá giả.

TĂĐP và các hàng rong là nét văn hóa riêng của cộng đồng người Việt. Nó phản ánh lối sống và sự phát triển xã hội ở Việt Nam nói chung và ở Thái Nguyên nói riêng. Việc sử dụng TĂĐP là thói quen của nhiều người. Việc phát triển loại hình dịch vụ TĂĐP là nhu cầu tất yếu của cuộc sống, vì thuận lợi, rẻ tiền, giải quyết công ăn việc làm đối với một đất nước đang trong quá trình công nghiệp hóa hiện đại hóa như nước ta. Đặc biệt là ở các đô thị đông dân và giá cả sinh hoạt tăng cao khiến nhiều người dân chấp nhận sử dụng các loại TĂĐP. Theo một số liệu điều tra của Trung tâm dinh dưỡng Thành phố Hồ Chí Minh thì tại đây có tới 95,5% người dân đang sử dụng TĂĐP, trong đó 51% dùng làm bữa ăn hàng ngày, 82% dùng làm bữa ăn sáng vì TĂĐP vô cùng đa dạng, phong phú như: bún, cháo, mì quảng, bánh canh, bánh cuốn, bành xèo, bánh mì kẹp, nem chua, trà chanh… Hiện nay TĂĐP đã và đang được phát triển rất mạnh, được bày bán nhiều trên vỉa hè, trước cổng trường, bệnh viện, rạp hát, cơ quan, bên lề đường đường phố, trong các chợ, các bến tàu, bến xe, Hội chợ, nơi diễn ra các sự kiện văn hoá, thể dục, thể thao và bất cứ nơi đâu sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của khách hàng bất cứ lúc nào, mọi lúc, mọi nơi …còn khách hàng thì vẫn ăn uống ngay trên vỉa hè mà không quan tâm hoặc chú ý gì đến an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) như môi trường bị ô nhiễm bụi đường, rác thải, khói tàu xe qua lại gây ra và nguy cơ ngộ độc thực phẩm (NĐTP) từ các loại TĂĐP là rất cao.

Theo một Điều tra của Cục An toàn thực phẩm- Bộ Y tế về TĂĐP tại 11 địa phương thì hầu hết bàn tay của người kinh doanh, chế biến TĂĐP đều bị nhiễm vi khuẩn E.coli như Hà Nội là 43,42%, TP. HCM 67,5%, Đà Nẵng 70,7%, các thực phẩm, thức ăn cho dù đã được nấu chín nhưng qua kiểm tra vẫn còn nhiều vi khuẩn gây bệnh nguy hại. Tại Nam Định, 100% mẫu các loại giò, chả, nem chua, lòng heo chín có vi khuẩn E.coli, còn tại TP. HCM là 90% bị nhiễm E.Coli, ngoài ra mặt hàng kem bán tại các cổng trường học ở đây cũng nhiễm tới 96%  vi khuẩn gây bệnh cho đường tiêu hóa. Điều đáng nói, bất cứ người tiêu dùng nào cũng biết những nguy cơ tiềm ẩn khi sử dụng thức ăn đường phố, nhưng họ vẫn "nhắm mắt đưa chân", còn các nhà quản lý hầu như bất lực với vô số hàng quán, thức ăn vỉa hè kém vệ sinh cứ đua nhau mọc lên nhan nhản. Trao đổi về vấn đề này, ông Lâm Quốc Hùng - Trưởng Phòng Giám sát ngộ độc thực phẩm Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) - đã phân tích: "Có cầu ắt có cung, đó là quy luật không thể thay đổi của thị trường. Và không ít người ăn uống thực phẩm đường phố với tâm lý có chết ngay đâu mà sợ”.

Không đếm được vi khuẩn gây bệnh

Thực tế cho thấy, hầu hết người tiêu dùng đều biết thức ăn đường phố có nguy cơ bị "nhiễm khuẩn" rất cao, vậy tại sao người kinh doanh vẫn bán được hàng. Đằng sau những loại thực phẩm được bày bán đa dạng tại vỉa hè với mùi vị thơm phức ấy là cả một công đoạn phù phép để thịt ôi cũng biến thành thịt thơm. Bởi vì như chúng ta đã biết thì thức ăn vỉa hè là loại thực phẩm mà các cơ quan chức năng khó kiểm soát nhất.

"Mía đá sạch" là biển quảng cáo được nhiều quán cóc vỉa hè giới thiệu với khách hàng khi mùa hè tới. Nhưng mức độ sạch bẩn của loại nước giải khát này khó lòng mà đo được. Quy trình chế biến rất mất vệ sinh như: máy ép nước không được cọ rửa sau mỗi lần sử dụng, ruồi bâu, cốc chén rửa qua loa và cả đá dùng cho nước mía cũng phần nhiều từ nước bẩn. Thêm vào đó, người bán hàng không rửa tay, vừa cầm tiền, vừa cầm các vật dụng khác và ép nước mía đưa cho khách.

“Xúc xích” là món ăn quen thuộc của giới trẻ và được bày bán tràn lan trên các vỉa hè, khu chợ, bên cạnh trường học. Tuy nhiên, ở các quầy hàng này, xúc xích bày bán đều không có nhãn mác, màu sắc của sản phẩm cũng "lạ" hơn so với thông thường. Với những sản phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ này sẽ tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ gây bệnh. Thông thường, thực phẩm dù sử dụng chất bảo quản cũng chỉ có thời hạn phổ biến là 3-6 tháng, tối đa là hai năm. Muốn bảo quản lâu, sản phẩm đòi hỏi phải đảm bảo thanh trùng tốt, bao bì kín được hút chân không. Để có màu đỏ như những loại xúc xích bày bán ở vỉa hè hiện nay, chắc chắn người ta phải sử dụng tới phẩm màu.

“Nem chua rán” cũng là món ăn vỉa hè được nhiều người yêu thích, đặc biệt là các bạn trẻ ở các trường phổ thông, cao đẳng, đại học. Vì thế địa bàn hoạt động chính của những "gánh hàng nem" chính là những nơi tập trung nhiều học sinh, sinh viên. Tuy nhiên, đây lại là loại thực phẩm rất mất vệ sinh. Theo thống kê của Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế), có tới 88% nem chua, giò chả chứa vi khuẩn gây bệnh đường ruột.

Các loại hoa quả dầm cũng là món ăn đường phố được nhiều người ưa thích bán nhan nhản tại các cổng trường học, cổng chợ. Đáng lo ngại là các loại xoài dầm, cóc dầm, dứa dầm... màu đỏ choét, ngọt lịm được phơi bày giữa đường không có che đậy. Hơn nữa, để làm hoa quả dầm người bán hàng thường sử dụng đường hóa học. Đường hóa học không tạo năng lượng, không có giá trị dinh dưỡng nhưng rất nguy hại nếu là đường hóa học cyclamate. Đây là loại đường bị cấm sử dụng trong thực phẩm, không tốt cho gan, thận.

Các loại thức uống đường phố cũng có nguy cơ bị nhiễm độc rất cao. Chè khúc bạch, trà chanh mật ong, trà sữa trân châu… từng làm giới trẻ "phát cuồng" lại là mầm mống của những căn bệnh lạ. Ví như món trà chanh thơm ngon với giá cực rẻ thật ra chẳng khác nào "một ly hóa chất". Còn có biết bao thực phẩm không an toàn được bày bán tràn lan như thế nữa. Người bán thì chỉ vì lợi nhuận mà "vô tư" không cần biết đến những nguồn vi khuẩn đang gây hại cho người tiêu dùng.

Hiểm họa gây bệnh từ thực phẩm không an toàn

Khi ngồi "thưởng thức" ở vỉa hè, các "thượng đế" không chỉ "được" hít no bụi đường, nhất là vào giờ cao điểm, nhiều phương tiện lưu thông trên đường, mà còn được khuyến mại thêm hàng triệu vi khuẩn gây bệnh cùng mùi hôi từ cống rãnh, rác thải ngay bên vỉa hè. Theo thống kê của Cục An toàn thực phẩm Bộ Y tế, mỗi năm cả nước có trên 1.000 vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra. Trong đó, thực phẩm bị nhiễm vi khuẩn nguy hại chiếm phần lớn và được lây lan chủ yếu bằng con đường thực phẩm ăn uống, như E.Coli, tả, thương hàn... Vi khuẩn lưu hành, tồn tại trong nhiều môi trường khác nhau và thức ăn đường phố được coi là những ổ vi khuẩn nguy hiểm.. Cũng theo thống kê của Chương trình phòng chống ung thư quốc gia, 35%- 40% bệnh ung thư có nguyên nhân do dùng thực phẩm hoặc đồ uống không an toàn. “Kẻ thù số 1” của tiêu hóa, đại tràng: Khi chúng ta ăn thức ăn đường phố bẩn, các tác nhân nguy hại sẽ tấn công hệ thống tiêu hóa khiến niêm mạc đường ruột bị viêm, loét, thương tổn dẫn đến tình trạng đau bụng từng cơn, đi ngoài nhiều lần, tiêu chảy, táo bón, rối loạn phân.

Gây ngộ độc: Theo bác sĩ Nguyễn Huỳnh Mai, Chi cục phó Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm TPHCM, những chất độc hại từ một số chất phụ gia trong thức ăn nếu dùng liều nhỏ thường xuyên sẽ tích lũy trong cơ thể và gây ra ngộ độc mãn tính. Sử dụng những thức ăn đường phố không đảm bảo sẽ gây ra các bệnh về tiêu hóa, thậm chí ngộ độc cấp.

Một khảo sát gần đây nhất của Bộ Y tế cho biết có gần 80% bàn tay người bán hàng trên vỉa hè bị nhiễm khuẩn E.coli. Thực tế cho thấy, đã có nhiều ca bệnh do ngộ độc từ thức uống đường phố, không được cấp cứu kịp thời đã dẫn đến tử vong. Bên cạnh đó, các loại nước uống không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, lạm dụng các loại hóa chất, đường hóa học, phẩm màu độc hại… đang là mối lo ngại lớn của người tiêu dùng. Đây chính là mầm mống của căn bệnh ung thư nếu người dân sử dụng lâu dài. Tỷ lệ ung thư tiêu hóa tại Việt Nam hiện đang cao nhất khu vực và đang tiếp tục gia tăng ngày một nhiều hơn. Đã đến lúc người tiêu dùng cần “ăn có trách nhiệm, uống có ý thức để đảm bảo sức khỏe không chỉ của bản thân mà còn giúp nâng cao chất lượng giống nòi”- một chuyên gia về an toàn vệ sinh thực phẩm khuyến cáo. Theo kết quả xét nghiệm của Trung tâm kiểm nghiệm - Viện TPCN VN, cả 8 mẫu nước giải khát (nước trà chanh, trà bát bảo, nước mía, trà xanh; nước ngô; trà đá, nước vối, nước nhân trần) và mẫu nhân trần khô được lấy tại Hà Nội đều có chỉ tiêu không đạt. Trong đó, 1/8 mẫu nước giải khát qua kiểm nghiệm phát hiện bị nhiễm chì, 7/8 mẫu (nước vối, nhân trần, nước ngô, trà xanh, nước mía, trà bát bảo, trà chanh) phát hiện vi khuẩn E.coli. “E.coli nhiễm trong đồ uống cho thấy vệ sinh không đảm bảo vì loại vi khuẩn có thể tìm thấy trong phân. Đây là vi khuẩn nguy hiểm có thể gây ngộ độc cấp tính ở người bệnh, làm tăng nguy cơ mắc bệnh đường ruột, đặc biệt là tiêu chảy”, ông Hồ Bá Do, Phó viện trưởng Viện TPCN, nói. Đáng lưu ý, xét nghiệm phát hiện mẫu nhân trần khô (lấy tại phố Lãn Ông) có nhiễm B.cereus- là vi khuẩn gây nhiễm độc, nhiễm khuẩn thực phẩm. Vi khuẩn này sinh độc tố khi nhiễm vào thực phẩm. Và đặc biệt hơn còn phát hiện kim loại Cd (Cadimi). Theo ông Hồ Bá Do, các chỉ số này cho thấy mẫu nhân trần đó có chứa rất nhiều nguy cơ gây độc cho cơ thể. Cadimi có thể gây ngộ độc mạn tính, rối loạn chức năng gan, loãng xương, thiếu máu, tím tái. Về lâu dài có thể gây ung thư tiền liệt tuyến, ung thư phổi.

Thông tin về “vi khuẩn ăn thịt người” gần đây được coi như một “hiện tượng lạ gây sốc” tại nhiều cuộc tụ tập “chém gió”. Ở Việt Nam, từ năm 2010 đến nay, đã có một số bệnh nhân lẻ tẻ nhập viện tại bệnh viện Nhiệt đới Trung ương (khoảng hơn 80 trường hợp) với chẩn đoán lâm sàng như mệt mỏi, hoại tử da, cơ của chân, tay, mặt, gây sốc nhiễm trùng, nhiễm khuẩn huyết, thậm chí có ca tử vong. Căn nguyên gây bệnh được xác định là vi khuẩn Aeromonas hydrophyla – AH (vi khuẩn ăn thịt người). Vi khuẩn AH còn có ngoại độc tố giống vi khuẩn tả nên khi nhiễm, người bệnh lầm tưởng là triệu chứng của bệnh tả thể nhẹ. Chính vì vậy, nhiều người chủ quan cho rằng đó chỉ là biểu hiện của đau bụng, tiêu chảy qua loa và tự mua thuốc uống tại nhà. Theo PGS.TS. Bùi Khắc Hậu (Đại học Y Hà Nội), khi người bị nhiễm AH, chúng gây tiêu chảy giống bệnh tả do uống phải nước bẩn nhiễm AH hoặc độc tố của chúng tiết ra. Sau khi qua đường ruột, vi khuẩn AH gây nhiễm trùng máu và suy đa phủ tạng, đặc biệt ở người bị suy giảm miễn dịch. Thể bệnh điển hình là vi khuẩn AH nhiễm trùng qua da gây hoại tử da, cân cơ, nhiễm trùng huyết, suy đa phủ tạng và có nguy cơ tử vong. Ngoài ra có thể gây nhiễm trùng đường mật dẫn đến nhiễm trùng huyết ở các bệnh nhân xơ gan.

Cách tốt nhất để giữ sức khỏe cho mình là không nên ăn thức ăn vỉa hè. Do giá rẻ, lại phải đảm bảo yếu tố thơm ngon nên người chế biến hay sử dụng các chất phụ gia rẻ tiền, rất dễ gây độc hại. Các chuyên gia lĩnh vực dinh dưỡng cũng khuyến cáo, mùa hè nắng nóng nên thực phẩm dễ lên men, ôi thiu. Do vậy người dân phải chú ý trong ăn uống, không nên ăn nhiều tại những hàng quán ở chợ, vỉa hè; vừa không đảm bảo vệ sinh, vừa có nguy cơ ăn phải đồ ôi thiu rất cao, ảnh hưởng tới chính sức khỏe của mình. Thức ăn đường phố luôn tiềm ẩn những nguy cơ mất VSATTP. Chính vì vậy, trong khi các cơ quan chức năng chưa quản lý được các cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố thì trước hết mỗi người cần thay đổi thói quen ăn uống, nói không với thức ăn đường phố không đảm bảo VSATTP.

Sưu tầm và biên tập: TS. Nguyễn Thị Ánh Tuyết

Sđt: 0914902856 – Email: tuyetdhyktn@yahoo.com.vn