1. HPV là gì?
HPV là tên viết tắt của Human Papillomavirus -Virus gây u nhú ở người, thuộc họ Papilomaviridae, là virus được tìm thấy trong rất nhiều loài động vật có vú. HPV là nhóm virus không vỏ, đối xứng xoắn ốc, hạt virus có đường kính 52- 55nm, vỏ gồm 72 đơn vị capsomer.
Ảnh 1: Hạt virus HPV
2. Phân loại rirus HPV
Theo khả năng gây ung thư, HPV được chia thành 3 nhóm
- Nhóm genotype HPV “nguy cơ thấp” (Low-risk type): những genotype HPV thuộc nhóm này chỉ gây những mụn cóc hoặc khối u lành tính. Bộ gen của chúng tồn tại dạng episome, DNA dạng vòng nằm ngoài nhiễm sắc thể chủ. Các genotype HPV trong nhóm “nguy cơ thấp” thường gặp là: HPV 6, 11, 40, 42, 43, 44, 54, 61, 70, 72, 81, 89 và CP6108.
- Nhóm genotype HPV “nguy cơ cao” (High-risk type): gồm những genotype HPV có khả năng tích hợp DNA vào hệ gen người, làm rối loạn quá trình nhân lên của tế bào chủ, gây ra hiện tượng tăng sinh và bất tử hóa tế bào hình thành các khối u ác tính. Những genotype có khả năng gây ung thư thường gặp gồm HPV 16, 18, 31, 33, 35, 39, 45, 51, 52, 56, 58, 59, 68, 73, 82 và HPV 26, 53, 66.
- Nhóm genotype HPV “chưa xác định nguy cơ” (Unknown-risk type): gồm đa số các genotype HPV chưa xác định được khả năng gây ung thư như HPV 2a, 3, 7, 10, 13, 27, 28, 29, 30, 32, 34, 55, 57, 62, 67, 69, 71, 74, 77, 83, 84, 85, 86, 87, 90, 91.
3. Vai trò của virus HPV
- HPV được coi là yếu tố nguy cơ hàng đầu gây ung thư cổ tử cung (UTCTC).
- HPV còn có vai trò quan trọng trong sự hình thành các ung thư khác như ung thư hậu môn, âm đạo, dương vật, ung thư phổi, ung thư vùng hầu họng.
- HPV còn là nguyên nhân của nhiều bệnh lý lâm sàng trên da và niêm mạc như hạt cơm, sùi mào gà hậu môn- sinh dục….
Ảnh 2: U nhú ở da
4. Đường lây nhiễm của HPV
- Lây truyền qua da và niêm mạc từ người bệnh sang người lành, trong đó lây truyền qua đường tình dục chiếm đa số. Hoạt động tình dục đồng giới hoặc khác giới đều là nguyên nhân lây truyền trực tiếp HPV qua đường sinh dục, miệng và hậu môn.
- Lây truyền từ da qua da, từ da sang niêm mạc hoặc từ niêm mạc sang niêm mạc dưới dạng dịch tiết mụn cơm, qua nước bọt hoặc qua các vật dụng như khăn mặt, quần áo…mang virus HPV của người bệnh.
- HPV cũng được lây truyền từ mẹ sang con trong quá trình chu sinh, dịch tiết nhiễm HPV từ đường sinh dục bà mẹ lây truyền trực tiếp vào niêm mạc mắt, miệng và đường hô hấp trẻ sơ sinh…
5. Các yếu tố làm tăng nguy cơ nhiễm HPV
- Quan hệ tình dục không an toàn
- Hút thuốc lá, uống rượu
- Thuốc tránh thai
- Tuổi: Tỷ lệ nhiễm HPV thay đổi theo lứa tuổi, đạt đỉnh cao nhất ở nhóm phụ nữ trẻ dưới 25 tuổi, sau đó giảm dần đến tuổi trung niên, và đạt đỉnh cao lần 2 ở độ tuổi 50.
6. Các phương pháp phát hiện virus HPV
6.1. Các phương pháp phát hiện HPV ở mức độ phân tử
- Phương pháp lai phân tử
- Phương pháp PCR (Polymerase Chain Reaction)
- Phương pháp real-time PCR
- Phương pháp DNA microarray (Phương pháp DNA chip)
- Phương pháp giải trình tự gen trên máy tự động
6.2. Xét nghiệm Giải phẫu bệnh
- Xét nghiệm tế bào học bong cổ tử cung (Pap smear)
- Xét nghiệm mô bệnh học
Tổn thương hình thái học đặc trưng trên tế bào học và mô bệnh học cổ tử cung do nhiễm HPV là hình ảnh các tế bào bóng Koilocytes
7. HPV và Ung thư cổ tử cung
- Nhiễm một hoặc nhiều típ HPV nguy cơ cao được khẳng định là nguyên nhân tiên phát của UTCTC. Tuy nhiên không phải trường hợp nào nhiễm HPV cũng sẽ dẫn đến UTCTC, vì:
+ Có đến 90% các trường hợp nhiễm HPV sẽ tự đào thải virus trong vòng 2 năm, khoảng 10% các trường hợp còn virus HPV sau 3 năm và có dưới 5% tiến triển thành tổn thương nội biểu mô vảy độ cao (HSIL).
+ Sau nhiễm HPV nguy cơ cao dai dẳng từ 13-30 năm sẽ xuất hiện các tổn thương xâm lấn CTC, trong đó 20% HSIL tiến triển thành ung thư trong vòng 5 năm và 50% HSIL tiến triển thành ung thư trong vòng 30 năm.
Ảnh 3: Hình ảnh tế bào Koilocytes do nhiễm HPV nguy cơ cao ở CTC
UTCTC xâm nhập tiến triển trong một khoảng thời gian rất dài kể từ lúc nhiễm virus HPV. Đây là cơ hội cho việc phát hiện sớm các biến đổi do HPV gây ra ở biểu mô CTC.
8. Cách phòng nhiễm HPV
- Sử dụng vắc xin phòng chống HPV: Hiện nay, hai loại vắc xin được sử dụng phổ biến trên thế giới là là Gadasil® (đặc hiệu HPV type 6,11,16,18; sử dụng cho nữ 9-26 tuổi và cho nam 11-26 tuổi chưa từng quan hệ tình dục) và Cervarix® (đặc hiệu HPV type 16,18; sử dụng cho nữ từ 10 đến 45 tuổi).
- Thực hiện hành vi tình dục an toàn: Việc sử dụng bao cao su hoàn toàn trong suốt thời gian quan hệ tình dục cũng là biện pháp giúp phòng tránh các bệnh lây truyền qua đường tình dục và góp phần phòng lây nhiễm HPV.
Tài liệu tham khảo
1. Kari Syrjanen and Stina Syrjanen (2000), Papillomavirus Infections in Human Pathology, Wiley, New York, 11-189
2. Nguyễn Thị Hồng Nga (2017). Khảo sát mối liên quan giữa nhiễm HPV nguy cơ cao với các tổn thương tiền ung thư và ung thư cổ tử cung tại bệnh viện Phụ Sản Trung ương, Đại học Y Hà Nội, Hà Nội.
3. Hoàng Thị Thanh Huyền (2014). Xác định tỷ lệ nhiễm và genotype của Human Papillomavirus trên gái mại dâm tại Hải Phòng, Việt Nam, Đại học Y Hà Nội, Hà Nội.
4. Hoàng Thị Thanh Huyền, Tạ Thành Văn (2011). Human Papillomavirus và ung thư cổ tử cung ở gái mại dâm tại miền Bắc Việt Nam. Tạp chí Y học Việt Nam, 386, 363-367.
5. Schiffman M, et al (2007), Human papillomavirus and cervical cancer, Lancet, 370(9590), 890-907