I. Giấc ngủ sinh lý
* Ở người trưởng thành: trung bình mỗi ngày cần ngủ từ 7 đến 8 giờ. Tuy nhiên thời gian ngủ còn thay đổi theo tuổi, thói quen và đặc điểm cá nhân…. Một giấc ngủ tốt cần phải đáp ứng hai yếu tố:
• Đủ về số lượng: thời gian ngủ đảm bảo đủ từ 7 đến 8 giờ theo sinh lý bình thường.
• Đảm bảo về chất lượng: sau khi ngủ dậy cảm thấy tỉnh táo, tập chung chú ý tốt, sảng khoái, cơ thể khỏe mạnh, không còn cảm giác mệt mỏi, buồn ngủ, năng suất lao động cao và không có những cơn ác mộng trong khi ngủ.
* Ở trẻ em: giấc ngủ có nhiều sự thay đổi trước khi dần ổn định. Thời lượng ngủ giảm dần theo tuổi: 20 – 22 giờ ở trẻ sơ sinh, đến 11 - 12 giờ vào độ 2 - 3 tuổi. Tuy nhiên, sự trưởng thành của giấc ngủ có sự khác biệt lớn giữa các trẻ. Do vậy, cần phải tôn trọng nhịp sinh học tự nhiên của trẻ, tránh gò ép trẻ vào một khung giờ nhất định.
II. Một số khái niệm
1. Mất ngủ
Là giấc ngủ không đủ về thời gian cũng như không đảm bảo về chất lượng, nghĩa là khi ngủ dậy vẫn cảm thấy còn buồn ngủ tiếp, sức khỏe về thể chất và tinh thần không được hồi phục, cảm giác uể oải, mệt mỏi. Tùy từng trường hợp có thể có các biểu hiện như khó đi vào giấc ngủ, thức giấc nhiều lần trong đêm, thức dậy sớm hoặc có thể có cảm giác thiếu ngủ hoàn toàn.
2. Rối loạn sự tỉnh táo và ngủ nhiều
Những rối loạn này liên quan đến số lượng và chất lượng của trạng thái tỉnh táo trong ngày, biểu hiện như ngủ nhiều, buồn ngủ, ngủ gà ngủ gật trong ngày, chứng ngủ rũ. Trái ngược với mất ngủ những rối loạn tỉnh táo này thường ít được quan tâm, dẫn đến sự xáo trộn cấu trúc của giấc ngủ ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống và hiệu quả công việc của người mắc.
3. Bất thường giấc ngủ
Những giấc ngủ bất thường là những rối loạn xảy ra trong khi ngủ và dẫn đến những than phiền của những người xung quanh bệnh nhân hoặc gây lo lắng, hoảng sợ cho bệnh nhân. Rối loạn này bao gồm các hiện tượng mộng du, chứng kinh sợ ban đêm, ác mộng, nghiến răng, đái dầm.
III. Các bệnh lý tâm thần liên quan đến rối loạn giấc ngủ
Ngoài một số bệnh cơ thể, chế độ ăn uống, do thói quen không hợp lý gây rối loạn giấc ngủ thì đại đa số các rối loạn giấc ngủ liên quan đến các nguyên nhân tâm lý và tâm thần. Rối loạn giấc ngủ có thể là triệu chứng báo trước hoặc là triệu chứng lâu dài của bệnh. Rối loạn giấc ngủ cũng làm cho bệnh cảnh lâm sàng của bệnh ngày càng nặng thêm. Các bệnh lý tâm thần thường gặp gồm có:
Trầm cảm: Mất ngủ là triệu chứng thường gặp biểu hiện thời gian ngủ ngắn, thức giấc sớm, có khi mất ngủ hoán toàn. Mất ngủ có thể là triệu chứng khởi phát của trầm cảm. Kèm theo là khí sắc giảm, buồn chán, mất quan tâm thích thú, mệt mỏi, giảm tự tin…
Rối loạn lo âu: người bệnh thường khó đi vào giấc ngủ, kèm theo các biểu hiện lo lắng, hay hồi hộp, mạch nhanh, vã mồ hôi….
Các stress tâm lý: các sang chấn tâm lý cấp tính hoặc kéo dài, các căng thẳng về tâm lý thường gây rối loạn giấc ngủ. Ngủ ít, mất ngủ là biểu hiện thường gặp nhất, có thể kèm theo ác mộng, trạng thái suy nhược, trầm cảm….
Các bệnh loạn thần: như tâm thần phân liệt, loạn thần cấp, rối loạn cảm xúc lưỡng cực…. Mất ngủ có thể là triệu chứng báo trước cơn bệnh và tồn tại trong giai đoạn bệnh. Bệnh nhân có thể không ngủ nhiều ngày, có thể kèm theo hoang tưởng, ảo giác, kích động….
Lạm dụng và nghiện các chất kích thích, kích thần: lạm dụng những chất kích thích như café, thuốc lá, amphetamine, cocaine v.v.. thường gây mất ngủ và rối loạn nhịp thức ngủ. Lạm dụng rượu gây ra tình trạng dễ ngủ nhưng sẽ giảm thời gian ngủ sâu và giai đoạn giấc ngủ nghịch thường, thức dậy sớm và không hồi phục sau khi thức dậy.
Trạng thái cai các chất ma túy, cai rượu: ở trạng thái cai, bệnh nhân có thể mất ngủ hoàn toàn, kèm theo các triệu chứng cai khác như rối loạn hệ thần kinh thực vật, rối loạn cảm xúc, hành vi, thậm chí kích động, có thể có hoang tưởng, ảo giác.
Sa sút trí tuệ và bệnh lý tâm thần tuổi già: thời gian ngủ của người già thường ít hơn so với người trẻ. Sa sút trí tuệ và bệnh tâm thần tuổi già làm giấc ngủ rối loạn nhiều hơn. Có thể kèm theo các rối loạn hành vi nặng, kích động.
Mất ngủ mạn tính tiên phátLà những trường hợp mất ngủ mà không thấy bất cứ nguyên nhân cụ thể về bệnh tâm thần hay bệnh thực thể nào. Biểu hiện duy nhất là mất ngủ. Người bệnh thường ngủ kém trong thời gian dài và có thể liên quan đến yếu tố gia đình về mất ngủ và các bệnh lý tâm thần. Tuy nhiên, nếu mất ngủ kéo dài không được điều trị sẽ dẫn đến nhiều rối loạn cơ thể và tâm thần như: suy nhược, trầm cảm, lo âu,… và nhiều bệnh cơ thể khác.
Một số bệnh lý tâm thần trẻ em: Một số trẻ mắc tăng động giảm chú ý, trầm cảm, lo âu xa mẹ, bị lạm dụng… có thể có biểu hiện khó ngủ, ngủ không sâu, hay giật mình sợ hãi, quấy khóc, không chơi ngoan vào ban ngày, dễ tức giận….
IV. Các giải pháp
1. Điều trị
Điều trị cần phải tập trung giải quyết các nguyên nhân bệnh lý tâm thần gây mất ngủ. Tùy vào nguyên nhân có thể sử dụng các thuốc chống loạn thần (an thần kinh), các thuốc chống trầm cảm, các thuốc giải lo âu, các thuốc điều hòa khí sắc và kết hợp với các trị liệu tâm lý phù hợp. Việc điều trị cần được giám sát, theo dõi bởi một bác sỹ chuyên khoa tâm thần.
Có thể dùng những loại thuốc thảo dược như Sen vông, Rotunda, trà tâm sen hoặc thuốc ngủ phù hợp dưới sự chỉ định của thầy thuốc để giải quyết các triệu chứng mất ngủ như Gardenal, Zopiclone, Stilnox trong thời gian ngắn vài ngày hoặc vài tuần với liều thấp.
Liệu pháp tâm lý như liệu pháp tâm lý cá nhân, liệu pháp nhóm, liệu pháp thư giãn có tác dụng tốt đặc biệt trong các trường hợp mất ngủ do căng thẳng, do sang chấn tâm lý.
2. Vệ sinh giấc ngủ
+ Ngủ và thức dậy đúng giờ, dậy ngay sau khi thức giấc. Không nằm thêm trên giường khi đã thức giấc.
+ Đi ngủ ngay khi có những dấu hiệu buồn ngủ. Không cố gắng cưỡng lại cơn buồn ngủ.
+ Không sử dụng các chất kích thích làm ảnh hưởng đến giấc ngủ như trà, thuốc lá, cà phê, vitamin vào buổi tối.
+ Không ăn tối muộn, không quá no, chỉ nên ăn nhẹ. Nên uống một ly sữa nóng trước khi đi ngủ.
+ Không xem tivi tại giường, không đọc những cuốn sách quá hấp dẫn hoặc tác động nhiều đến tâm trí vào buổi tối. Tránh những cãi cọ hay tranh luận căng thẳng trước khi đi ngủ.
+ Không nên chơi những môn thể thao nặng vào buổi tối, có thể đi bộ, vận động nhẹ nhàng, trước khi ngủ có thể tắm nước ấm, mát xa nhẹ nhàng tạo cảm giác thư giãn.
+ Phòng ngủ nên bố trí thoáng mát, yên tĩnh, giường gối êm ái, quen thuộc, đủ tối.
+ Duy trì tình cảm gia đình, đặc biệt là tình cảm vợ chồng hòa thuận giúp giấc ngủ ngon.
+ Tránh lạm dụng thuốc ngủ, chỉ dùng khi cần thiết và tham khảo ý kiến thầy thuốc.
3. Cần đi khám và điều trị sớm, tích cực các bệnh lý gây rối loạn giấc ngủ
Đến các cơ sở y tế chuyên khoa để khám, phát hiện, điều trị tích cực các yếu tố bệnh lý gây rối loạn giấc ngủ, tránh để kéo dài dẫn đến nặng bệnh và gây khó khăn cho việc can thiệp điều trị.
* Tóm lại, các biểu hiện rối loạn giấc ngủ rất thường gặp trong thực hành y khoa nói chung và trong tâm thần học nói riệng. Xác định đúng mức độ và nguyên nhân của các rối loạn giấc ngủ có một vai trò quan trọng để đưa đến một hướng trị liệu phù hợp. Việc dùng thuốc phải luôn tuân theo các chỉ định của thày thuốc và cần được kết hợp với liệu pháp tâm lý và vệ sinh giấc ngủ trong quá trình trị liệu để đạt được kết quả tốt và lâu dài.
Ts Bs Đàm Thị Bảo Hoa – Trưởng Bộ môn Tâm thần Trường Đại học Y Dược Thái Nguyên, Điện thoại: 0979654428.