Quá trình mọc răng sữa thường vào lúc trẻ được 6 tháng tuổi đến độ bắt đầu thay răng (6 tuổi) và đến khi có đủ hàm răng vĩnh viễn (12 tuổi) là khoảng thời gian kéo dài. Trong giai đoạn này, răng sữa có vai trò vô cùng quan trọng đối với quá trình phát triển của trẻ.
Chức năng tiêu hóa: Bộ răng sữa giữ vai trò quan trọng trong hệ tiêu hóa bằng cơ chế cắn, cắt xé, nhai, nghiền nát thức ăn. Những trẻ sở hữu hàm răng chắc khỏe, hệ tiêu hóa hoạt động tốt hơn, đảm bảo cho sự tăng trưởng và phát triển bình thường của trẻ. Những trẻ bị sâu răng sữa nghiêm trọng, ăn nhai không tốt thường dễ ốm yếu, vóc dáng nhỏ, nếu kéo dài có thể gây suy dinh dưỡng, trẻ chậm phát triển.
Chức năng thẩm mỹ và phát âm: Không chỉ có răng vĩnh viễn mà răng sữa cũng đóng vai trò quan trọng trong thẩm mỹ và phát âm của trẻ. Một điều đáng lưu ý là nếu răng trước bị sâu nhiều hoặc bị tổn hại do tác nhân bên ngoài thì sẽ có nguy cơ cao ảnh hưởng đến thẩm mỹ gương mặt và phát âm của trẻ (trẻ có thể nói ngọng hoặc phát âm khó các âm răng như “ph”, “v”, “s”, “th”), từ đó khiến các em nảy sinh tâm lý tự ti và không muốn giao tiếp với người khác.
Vai trò giữ khoảng: Sự tồn tại của răng sữa không chỉ có tác dụng "giữ chỗ" mà còn đóng vai trò "định hướng" cho răng vĩnh viễn mọc lên đúng vị trí. Răng sữa bị hỏng phải nhổ sớm khi chưa đến lúc thay, có thể sẽ làm các răng bên cạnh mọc trước bị đổ nghiêng hoặc tịnh tiến vào khoảng trống, khiến khoảng của chiếc răng này hẹp lại hoặc biến mất làm răng vĩnh viễn mọc lên gặp nhiều khó khăn, mọc chậm hoặc lệch lạc.
Vai trò kích thích sự tăng trưởng của cơ, xương hàm và cung răng: Tuổi mọc răng sữa và phát triển răng sữa cũng là giai đoạn trẻ đang lớn và phát triển nhanh. Răng sữa giúp xương hàm phát triển nhờ cử động nhai, làm tăng chiều cao và chiều dài cung răng, giúp các răng vĩnh viễn sau này mọc lên đúng vị trí.
Như vậy, mặc dù chỉ tồn tại trong 1 khoảng thời gian nhất định, nhưng răng sữa lại có nhiều chức năng quan trọng trong quá trình ăn nhai, phát âm, thẩm mỹ, kích thích sự phát triển xương hàm, giữ chỗ và định hướng cho các răng vĩnh viễn mọc lên đúng vị trí. Do đó, cần được quan tâm và chăm sóc đúng mức như bộ răng vĩnh viễn ở người trưởng thành. Khi răng sữa bị sâu mà chưa đến tuổi thay cần cho trẻ đi chữa sớm để bảo tồn răng. Nếu không điều trị sớm, sâu răng lan đến tủy sẽ gây đau đớn cho trẻ, ảnh hưởng đến sức khoẻ và chất lượng cuộc sống của trẻ. Bên cạnh đó, lỗ sâu răng là một ổ nhiễm khuẩn có thể gây các bệnh ở tim, khớp, thận như viêm nội tâm mạc, viêm khớp, viêm thận gây ảnh hưởng tới sức khỏe toàn thân của trẻ, làm trẻ kém ăn, kém phát triển.
Trên thực tế, hàn răng là một thao tác khá đơn giản và không gây đau đớn nhiều cho trẻ nên các bậc cha mẹ có thể đưa trẻ tới gặp nha sỹ nếu phát hiện thấy bất kỳ dấu hiệu bất thường nào trên răng của trẻ.