Vi khuẩn Streptococcus suis

S. suis là một loại cầu khuẩn Gram (+), có hình trứng hoặc thon dài, đứng riêng lẻ, xếp đôi hoặc xếp thành chuỗi ngắn, kỵ khí tùy tiện. Dựa vào các polysaccharide vỏ vi khuẩn đã được xác định có 35 typ huyết thanh, gây bệnh cho người và lợn chủ yếu là S. suis typ 2. S. suis typ 2 có thể sống trong phân ở 00C đến 104 ngày, ở 22-250C/8 ngày. Vi khuẩn có thể sống trong xác lợn chết ở nhiệt độ 400C trong 6 tuần. 

 S. suis sản xuất yếu tố tan huyết alpha và beta trên môi trường thạch máu cừu và ngựa. 

Yếu tố độc lực của S. Suis bao gồm polysaccharide vỏ, protein ngoại bào, một số yếu tố bám dính, hyaluronate lyase và một số kháng nguyên bề mặt.

S. suis dễ bị tiêu diệt bởi các chất sát khuẩn và tẩy rửa, có thể điều trị hiệu quả bằng kháng sinh đặc hiệu.

Đặc điểm dịch tễ học

S. suis là tác nhân gây bệnh quan trọng ở động vật, vi khuẩn thường cư trú tự nhiên ở đường hô hấp trên (amidan, khoang mũi và hạch hạnh nhân), trong đường tiêu hóa và đường sinh dục của lợn. Gần 100% trang trại lợn trên toàn thế giới có động vật mang mầm bệnh, S. suis là một trong những mầm bệnh vi khuẩn quan trọng nhất đối với lợn. S. suis lây truyền giữa các động vật chủ yếu qua đường hô hấp.

Ngoài vật chủ tự nhiên là lợn, S. suis còn được tìm thấy ở một số động vật khác như ngựa, chó, mèo. Đáng chú ý, một số biến chủng của S. suis có thể đã tiến hóa thành có khả năng truyền nhiễm rất cao có thể gây viêm màng não, nhiễm trùng máu, viêm khớp và thậm chí là hội chứng sốc độc tố liên cầu khuẩn (có thể gây tử vong nhanh chóng) ở người.

Người có nguy cơ lây nhiễm vi khuẩn S. suis qua các tổn thương trầy xước trên da khi tiếp xúc với lợn bệnh, lợn chết hoặc sử dụng các sản phẩm từ lợn bệnh (ăn tiết canh, ăn thịt lợn ốm chưa nấu chín). Phân, chất độn chuồng, các loại thức ăn và nước uống trong chuồng nuôi có thể trở thành nguồn bệnh thứ cấp. Các động vật khác có khả năng truyền bệnh bao gồm ruồi, gián, chuột. Những người có nguy cơ nhiễm bệnh cao: Tiếp xúc trực tiếp với lợn ốm, lợn chết hoặc lợn không rõ nguồn gốc trong quá trình chăn nuôi, vận chuyển buôn bán, giết mổ, chế biến thịt sống; Ăn thịt lợn ốm, lợn chết hoặc thịt lợn không rõ nguồn gốc chưa được nấu chín như thịt thủ luộc tái, lòng lợn và nội tạng trần, tiết canh, nem chạo, nem chua, ... Hiện nay chưa có bằng chứng khẳng định có sự lây truyền của S. suis trực tiếp từ người sang người.

Kể từ ca bệnh đầu tiên ở người được mô tả ở Đan Mạch vào năm 1968, đã có hàng nghìn trường hợp trên thế giới được ghi nhận nhiễm S. suis. Bên cạnh đó, nhiều trường hợp có lẽ không bao giờ được chẩn đoán hoặc chẩn đoán sai. Trong thập kỷ qua, số trường hợp mắc bệnh ở người do S. suis đã tăng lên đáng kể, và trong khi hầu hết các trường hợp nhiễm trùng lẻ tẻ ở người là do tiếp xúc nghề nghiệp với lợn/sản phẩm thịt lợn, đặc biệt là ở các nước phương Tây. Hai vụ dịch bệnh do S. suis ở người đã được ghi nhận ở người vào năm 1998 và 2005 ở Trung Quốc. S. suis là nguyên nhân phổ biến nhất gây viêm màng não ở người trưởng thành tại Việt Nam, phổ biến thứ hai ở Thái Lan và là nguyên nhân thường gặp thứ ba của viêm màng não do vi khuẩn mắc phải tại cộng đồng ở Hồng Kông [6].

Ở Việt Nam, từ năm 2003 đã có nhiều bệnh nhân viêm màng não và nhiễm trùng huyết do S. suis được phát hiện ở cả ba miền. Trong năm 2005 và 2006, đã phát hiện 72 trường hợp bệnh tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Tp. HCM [3]. Từ tháng 1/2007 đến tháng 9/2009, có 68 trường hợp bệnh nhận được chẩn đoán bệnh liên cầu lợn tại Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương [4]. Từ tháng 1/2006 – 12/2010, hơn 140 trường hợp viêm màng não và nhiễm trùng huyết do  S. suis  tại Bệnh viện Trung ương Huế [2].

Nghiên cứu toàn cầu về sự phân bố các typ huyết thanh của S. suis ở lợn đã cho thấy các typ huyết thanh phổ biến được phân lập phổ biến ở lợn theo thứ tự giảm dần là typ 2, 9, 3, 1/2 và 7. Ở châu Á, các typ huyết thanh phổ biến nhất ở lợn nhiễm bệnh, theo thứ tự giảm dần là typ 2, 3, 4, 7 và 8. Tại Thái Lan, hầu hết các trường hợp nhiễm bệnh ở người được báo cáo là do typ 2, tiếp theo là typ 14 [6]. Ở Việt Nam-nơi S. suis hiện là nguyên nhân gây viêm màng não do vi khuẩn ở người trưởng thành thường gặp nhất, một công bố năm 2008 cho thấy 10 trường hợp là do typ 2, sáu trường hợp viêm màng não là do type 14 và một trường hợp viêm phúc mạc do typ16 [7]. Hai vụ dịch bệnh do S. suis ở người ở Trung Quốc năm 1999 và 2005 cũng do các chủng thuộc typ 2 gây nên.

Bệnh lý nhiễm trùng do S. suis ở người

Viêm màng não là hội chứng lâm sàng phổ biến nhất ở người bệnh bị nhiễm S. suis, 96% bệnh nhân nhiễm S. suis tại Bệnh viện Nhiệt đới Tp HCM trong năm 2005 và 2006 bị viêm màng não [3], tỷ lệ này ở bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương là 57,3% [4]. Bệnh lý nhiễm trùng tiếp theo do S. suis là nhiễm trùng huyết, trường hợp nặng thường có thể xuất huyết dưới da, ban xuất huyết hoại tử lan rộng ở mặt, ngực, chân, tay, hoại tử đầu chi và rối loạn chức năng đông máu, nguy cơ sốc nhiễm trùng, suy đa tạng và tử vong ở những trường họp nặng thường cao. Trong hai năm từ 2009 đến 2010, tỷ lệ tử vong do nhiễm khuẩn huyết do S. suis ở bệnh viện Trung ương Huế lên đến gần 50% [2]. Ngoài ra có thể xuất hiện các biểu hiện viêm khớp, viêm nội tâm mạc, viêm nội nhãn cầu ở một số bệnh nhân nhiễm S. suis.

Chẩn đoán

Chẩn đoán dựa vào dịch tễ (có tiếp xúc với lợn mắc bệnh hoặc ăn tiết canh, thịt lợn ốm hoặc chết trong vòng 10 ngày trước khi bệnh khởi phát), lâm sàng (bệnh nhân có các triệu chứng lâm sàng của viêm màng não hoặc nhiễm khuẩn huyết; những trường hợp viêm màng não thường có giảm thính lực hoặc điếc; nhiễm khuẩn huyết thường có ban xuất huyết ngoài da) và kết quả cấy máu hoặc dịch não tủy có S. suis (+).

Nguyên tắc điều trị

Kết hợp chặt chẽ giữa điều trị bằng kháng sinh và điều trị hỗ trợ. Phát hiện sớm các biểu hiện nặng như sốc, rối loạn đông máu, suy đa phủ tạng để xử trí kịp thời. Cách ly bệnh nhân.

Phòng bệnh

Với bệnh do S. suis, hiện nay chưa có vacxin phòng bệnh đặc hiệu cho người. Không có chỉ định dùng kháng sinh dự phòng. Phòng bệnh không đặc hiệu là biện pháp duy nhất được áp dụng, gồm:

- Phối hợp với ngành thú y kiểm soát bệnh trên lợn, kiểm soát chăn nuôi và giết mổ lợn.

- Người có vết thương ở chân, tay không được tham gia giết mổ lợn.

- Sau khi tham gia giết mổ lợn phải rửa sạch tay bằng các loại dung dịch sát khuẩn.

- Không tiếp xúc trực tiếp với lợn ốm hoặc lợn chết.

- Không ăn thịt lợn chưa được nấu chín như thịt thủ luộc tái, lòng lợn và nội tạng trần, tiết canh, nem chua, nem chạo,…

Sưu tầm và biên tập: TS. Nguyễn Đắc Trung Email: nguyendactrung@tump.edu.vn, Tel: 0978626649

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh do liên cầu lợn (Streptococcus suis) ở người (Ban hành kèm theo Quyết định số: 3065/QĐ-BYT ngày 16 tháng 8 năm 2007 của Bộ trưởng Bộ Y tế).

2. Trần Xuân Chương (2011), “Nghiên cứu một số đặc điểm của viêm màng não mủ người lớn 4 năm (2006-2009) ở bệnh viện Trung ương Huế”, Kỷ yếu Hội nghị khoa học Chuyên đề các Bệnh Truyền nhiễm, Bệnh viện Bạch Mai, tháng 01. 2011

3. Nguyễn thị Hồng Lan, Trần Tịnh Hiền (2007), “Nhiễm liên cầu lợn tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới từ tháng 1/2005 đến tháng 12/2006”, Kỷ yếu Hội thảo khoa học Thách thức trong chẩn đoán và điều trị Bệnh nhiễm trùng, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới, Thành phố Hồ Chí Minh, 24.10.2007, tr. 84 – 94.

4. Trịnh thị Minh Liên, Nguyễn Nguyên Huyền (2011), “Đặc điểm lâm sàng, cận lâm sàng và kết quả điều trị các trường hợp nhiễm khuẩn do S. suis tại Bệnh viện Nhiệt đới trung ương”, Kỷ yếu Hội nghị khoa học Chuyên đề các Bệnh Truyền nhiễm, Bệnh viện Bạch Mai, tháng 01. 2011.

5. James M. Hughes Mary E. Wilson Heiman F. L. Wertheim et al (2009), " Streptococcus suis: An Emerging Human Pathogen", Clinical Infectious Diseases, 48 (5):617–625.

6. Guillaume Goyette-Desjardins, Jean-Philippe Auger, Jianguo Xu et al (2014), " Streptococcus suis, an important pig pathogen and emerging zoonotic agent—an update on the worldwide distribution based on serotyping and sequence typing", Emerg Microbes Infect, 3(6): e45.
7. Mai NT, Hoa NT, Nga TV, et al (2008), "Streptococcus suis meningitis in adults in Vietnam", Clin Infect Dis, 46:659–667