1. Khái quát về bản chất và ứng dụng của ánh sáng trong y học
Ánh sáng là một dạng vật chất có bản chất là sóng điện từ mang theo năng lượng. Trong thang sóng điện từ, Macxoen chia ánh sáng thành những dải tia căn cứ vào bước sóng của ánh sáng như: sóng dài (sóng vô tuyến), tia hồng ngoại, ánh sáng nhìn thấy, tia tử ngoại, tia X và tia gamma. Mỗi dải tia có tác dụng khác nhau đối với cơ thể, bao gồm cả tác dụng có lợi và tác dụng có hại của ánh sáng. Trong tự nhiên ánh sáng mặt trời có vai trò rất quan trọng đối với sự sống trên trái đất như giúp cho quá trình quang hợp ở cây xanh, tham gia tổng hợp vitamin D giúp phát triển hệ xương vững chắc, đem thông tin về thế giới xung quanh qua hoạt động của cơ quan thị giác, tác động đến tâm sinh lý của con người thông qua các tia sáng ứng với các màu sắc khác nhau.
Ánh sáng nhân tạo như tia Laser, tia Hồng ngoại, tia cực tím, tia X và tia Gamma được tạo ra từ những nguồn và thiết bị khác nhau như máy laser, đèn hồng ngoại, đèn cực tím, máy X quang, nguồn phóng xạ được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực của y học.
2. Sơ lược về cấu tạo và chức năng của da người
Trong nhiều ứng dụng của trị liệu ánh sáng thì ứng dụng của ánh sáng trong điều trị một số bệnh da và công nghệ làm đẹp ngày càng được ứng dụng phổ biến. Da là cơ quan lớn nhất của cơ thể, chiếm khoảng 20% trọng lượng cơ thể, có độ dày từ 1,5 - 4 mm, với diện tích từ 1,5 đến 2m2. Về chức năng, da là cơ quan bảo vệ cơ thể, tham gia vào quá trình chuyển hóa, điều hòa thân nhiệt và tham gia miễn dịch,…Như vậy, có thể coi da là tấm gương phản chiếu tình trạng của cơ thể. Cấu tạo da gồm 3 lớp là thượng bì, trung bì và hạ bì.
- Thượng bì: Dày từ 0,4 - 1,5mm, luôn tự đổi mới. Thượng bì là lớp biểu mô sừng xếp từng lớp (chiếm 80%), ngoài ra còn có những tế bào sáng (chiếm 4-5%), tế bào Langerhans, tế bào Markel. Thượng bì là nơi đi qua của các phần phụ da như nang lông, tuyến bã, tuyến mồ hôi,…
- Trung bì: nằm dưới thượng bì và là vùng dày nhất của da, bao gồm các mô liên kết, các mạch máu, thần kinh và các tế bào khác như Mastocyte, tế bào sợi non, đại thực bào, cơ dựng lông. Trong đó, mô liên kết bao gồm các sợi Collagen (còn gọi là sợi keo, chiếm 75% trọng lượng khô của da) và sợi chun, sợi lưới, sợi liên võng. Trong đó sợi keo là chất liệu chính làm cho da vững chắc trước tác động cơ học, lý học và hóa học từ bên ngoài.
- Hạ bì: chủ yếu là mỡ, trong đó chứa nhiều mô liên kết, mạch máu, thần kinh,…đảm bảo cho da sống và thực hiện các chức năng của mình. Cấu trúc gồm nhiều tầng ngăn, liên kết tạo thành nhiều ô, chứa nhiều chất mỡ. Độ dày của hạ bì tùy thuộc vào thể trạng từng người, là kho dự trữ mỡ lớn nhất của cơ thể, có vai trò bảo vệ cơ học chống những sức ép, chấn động đột ngột và có vai trò điều hòa nhiệt độ.
Ngoài 3 thành phần chính kể trên còn có các thành phần phụ của da như tuyến mồ hôi, tuyến bã, nang lông, móng, niêm mạc,…Mỗi thành phần đều có chức phận riêng. Khi bị rối loạn do các yếu tố bên trong hay từ môi trường đều có thể gây ra tình trạng bệnh lý.
3. Các nguồn sáng khác nhau trong trị liệu ánh sáng
Sử dụng năng lượng của ánh sáng trong điều trị và dự phòng một số bệnh da ngày càng được sử dụng rộng rãi trong thẩm mỹ, điều trị bệnh da và dự phòng bệnh tật. Có thể kể ra một số tác dụng của ánh sáng như:
+ Ultraviolet (tia cực tím, tia tử ngoại, UV): loại bỏ các chất thải qua da; cải thiện dòng chảy của máu và bạch huyết; kháng khuẩn và tiệt trùng hiệu quả; tham gia tổng hợp vitamin D trong da; tham gia quá trình tái tạo da; có thể điều trị bệnh còi xương, bệnh vẩy nến, bệnh trứng cá,…
+ Blue Light (ánh sáng xanh dương, xanh da trời): thư giãn, làm dịu các dây thần kinh; cải thiện làn da; cung cấp một số hiệu ứng hóa học và diệt khuẩn; sử dụng trong điều trị mụn trứng cá;…
+ Red Light (ánh sáng đỏ): cải thiện làn da khô, có vảy, nếp nhăn nheo; thư giãn cơ bắp, thâm nhập sâu nhất; sản xuất nhiệt mạnh; giảm mỡ;… Cơ chế: ánh sáng đỏ với bước sóng 633nm có tác dụng kích thích sinh học đặc hiệu như kích thích nguyên bào sợi hoạt động, dẫn đến tổng hợp collagen nhanh và hiệu quả hơn; kích thích cơ chế tế bào tự sửa chữa, tái sinh và được sử dụng chữa lành vết thương. Trên lâm sàng ứng dụng laser He-Ne trong điều trị nhiều bệnh trong nhãn khoa, da liễu, tim mạch, …
+ Infrared Therapy (trị liệu hồng ngoại): tác dụng nóng và thư giãn da; làm giãn nở các mạch máu và tăng lưu thông; tăng cường trao đổi chất; tăng sản xuất mồ hôi và dầu; giảm đau cơ; xoa dịu các dây thần kinh;… Trên lâm sàng sử dụng Led Phototherapy (LED ánh sáng hồng ngoại) với bước sóng 830nm được dùng trong trẻ hóa da bằng cách kích thích co bóp quá trình tái sản xuất tốt hơn collagen và giúp da căng chặt.
+ White Light (ánh sáng trắng): tác dụng giảm cơn đau lưng, cổ và vai; có tác dụng diệt khuẩn; thư giãn thần kinh cơ;… Trên lâm sàng sử dụng laser CO2 phát ánh sáng có bước sóng 10600nm có tác dụng quang đông, bốc bay tổ chức nên được ứng dụng rộng rãi trong phẫu thuật, đốt các u nhú bề mặt da, ứng dụng trong tạo hình, thẩm mỹ,…
+ Radio frequency (tần số vô tuyến 1000 MHz - 50 MHz): được ứng dụng nhiều trong trẻ hóa da. Đây là thủ thuật không xâm lấn, không đau, không cần nghỉ dưỡng và hầu như không có biến chứng, đem lại một vẻ đẹp tự nhiên. Cơ chế: làm nóng da và giúp cho các sợi collagen co lại làm da săn chắc ngay lập tức và cải thiện cấu trúc da; sưởi ấm nguyên bào sợi sản sinh collagen mới giúp giảm nếp nhăn, giải độc, cải thiện rạn da,…Ngoài ra, năng lượng của Radio frequency còn giúp giải phóng mỡ lỏng, giảm béo cục bộ và tái tạo collagen.
4. Giới thiệu về laser và sử dụng laser trong điều trị bệnh da
Laser là viết tắt gồm chữ cái đầu của cụm từ tiếng Anh: Light Amplification by Stimulated Emission of Radiation (sự khuyếch đại ánh sáng bằng phát xạ cưỡng bức). Máy laser đầu tiên được Meiman chế tạo năm 1960 là laser hồng ngọc (Rubi). Tiếp các năm sau người ta đã tìm ra hàng loạt các chất khác có khả năng phát tia laser như: hỗn hợp khí Heli-Neon (He-Ne) 1961, bán dẫn Gallium arsen (Ga-as) 1964, tinh thể yurium Alluminium Garnet (YAG) 1964, laser mầu 1966, laser khí Cacbonnic (CO2) 1968... Laser được ứng dụng trong y học từ rất sớm: 1966 laser Argon được dùng trong nhãn khoa thực nghiệm, 1971 Hall xác định các hiệu ứng laser CO2 trên mô sống... Đến nay, laser đang được ứng dụng ngày càng rộng rãi trên hai lĩnh vực là chẩn đoán (dựa trên cơ sở nghiên cứu phổ huỳnh quang để đánh giá chức năng của các tổ chức khác nhau) và điều trị (dựa trên hiệu ứng kích thích sinh học - laser công suất thấp và dựa trên hiệu ứng nhiệt trong phẫu thuật - laser công suất cao).
Laser trong điều trị một số bệnh da cũng được chia làm 2 nhóm theo cơ chế tác động, cụ thể là:
- Laser công suất thấp (thường dùng là Laser He-Ne): với cơ chế kích thích sinh học nên laser He-Ne thường được sử dụng trong một số bệnh da như Zona, loét loạn dưỡng, loét ổ gà, eczema, viêm da thần kinh, trứng cá viêm bội nhiễm,…
- Laser công suất cao: về cơ chế chia thành 2 nhóm ứng dụng:
+ Quang đông, bốc bay tổ chức (thường dùng là Laser CO2): cắt bỏ tất cả u cục lành tính trên bề mặt da (nốt ruồi, mụn cơm, sùi mào gà,…); cắt bỏ u ác tính trên da, đốt các u hắc tố, mài da, xóa các vết xăm mình, nám, tàn nhang, viêm nang lông, viêm tuyến bã,…
+ Tác dụng trên sắc tố da (thường dùng là Laser YAG-Nd, Alextriventage,..): đặc trị trong điều trị đồi mồi, nám, tàn nhang, các bớt sắc tố,…do năng lượng của laser được các sắc tố bệnh lý hấp thu theo nguyên lý quang nhiệt chọn lọc. Khi đó các sắc tố sẽ giãn nở và vỡ nhỏ. Các sắc tố lớp thượng bì vỡ nhỏ sẽ được đẩy lên bề mặt, các sắc tố ở sâu trong da được các thực bào trong cơ thể tiêu hóa và thải ra ngoài theo hệ thống bài tiết của cơ thể. Các sắc tố nhạt dần và biến mất hoàn toàn. Ngoài điều trị một số bệnh về sắc tố da, những thiết bị laser này còn được dùng trong xóa xăm và tái tạo bề mặt da, thu hẹp lỗ chân lông,….
5. Một số công nghệ cao khác trong điều trị bệnh lý da
Trị liệu ánh sáng có vai trò rất quan trọng trong điều trị nói chung và bệnh da nói riêng.
Tuy nhiên, trên thực tế còn có những kỹ thuật cao khác với những ưu điểm nhất định trong điều trị bệnh da như:
- Radio frequency (RF) kết hợp với sóng siêu âm: trên lâm sàng thường dùng máy EXILIS để giúp săn chắc da, giảm mỡ nhiều vùng của cơ thể.
- RF Fractional: là phương pháp kết hợp giữa sóng tần số vô tuyến và hệ thống vi điểm có độ xuyên sâu 0,5-3,5 mm; chỉ định trong những trường hợp lão hóa da, nếp nhăn da và nhão da, rạn da, sẹo mụn,…
- IPL (Intense Pulse Light): là một thiết bị quang học sử dụng xung lực ánh sáng cường độ mạnh ở mức năng lượng thấp để triệt lông, điều trị trứng cá, các tổn thương mạch máu, tàn nhang, trẻ hóa da, một số bớt sắc tố và tăng sắc tố sau viêm.
- Sóng siêu âm hội tụ (Ultherapy): trên lâm sàng sử dụng máy HiFu trong thẩm mỹ giúp săn chắc da vùng mặt, cổ, 2 góc hàm, nâng chân mày từ đó giúp săn chắc, trẻ trung khuôn mặt, giảm thể tích mô điều trị.
- Lăn vi kim kết hợp với các sản phẩm từ công nghệ tế bào gốc: là phương pháp dễ thực hiện và hiệu quả trong điều trị một số bệnh da như nám, tàn nhang, đồi mồi,…Ngoài ra, lăn vi kim còn giúp trẻ hóa da, cải thiện nếp nhăn, cải thiện da teo nhẽo chảy xệ, se khít lỗ chân lông, cải thiện sẹo xấu, điều trị rụng tóc, hói do bệnh lý,…
- Tiêm Hyaluronic acid (HA) và Botulium nhóm A (Botox) trong thẩm mỹ da: HA có tác dụng nâng đỡ, tạo hình khối nên được chỉ định trong xóa nếp nhăn tĩnh và làm đầy, tạo hình khuôn mặt. Còn Botox tác động làm liệt cơ gây nếp nhăn nên chỉ định trong xóa nếp nhăn động (nhăn đuôi mắt, nhăn trán,…). Cả 2 kỹ thuật này ngày nay được ứng dụng ngày càng nhiều trong thẩm mỹ.
6. Một số khuyến nghị về chăm sóc da
Chúng ta đều biết rằng da vừa là cơ quan bảo vệ cơ thể, vừa tham gia vào quá trình chuyển hóa, điều hòa thân nhiệt, tham gia miễn dịch,…và chúng ta coi da là tấm gương phản chiếu tình trạng của cơ thể. Do vậy việc có được cơ thể khỏe mạnh nói chung và làn da khỏe, trẻ, đẹp là điều được rất nhiều người quan tâm. Quan điểm chung về làn da đẹp đặc biệt ở phụ nữ châu Á là có làn da trắng, sáng, tươi trẻ. Để có được điều ấy thì mỗi người cần có kiến thức về da và chăm sóc da. Một số điểm cần lưu ý khi chăm sóc da và sử dụng mỹ phẩm trên da cụ thể như:
Thứ nhất, cần có kiến thức về cấu tạo da và nhận biết được loại da của mình để lựa chọn cách chăm sóc da và sử dụng thuốc trên da.
Thứ hai, cần thực hiện 3 bước khi chăm sóc da đó là làm sạch da (tẩy trang), bôi kem chống nắng và dưỡng ẩm cho da đúng cách. Trong đó làm sạch da có thể dùng xà phòng, sữa rửa mặt và tẩy trang với mục đích loại bỏ chất tan trong nước. Đối với sử dụng kem chống nắng, tùy theo loại da của mình mà sử dụng kem chống nắng có chỉ số SPF (Sun Protection Factor) cho phù hợp. Cần xác định được kem chống nắng có thể bảo vệ được tia UVA, UVB hay cả hai. Ví dụ như trên bao bì có chữ UVA trong vòng tròn hay PA+++ là kem có thể bảo vệ khỏi tác dụng của tia UVA (đó là bảo vệ khỏi nám, nếp nhăn, lão hóa da) hay có chữ Full Spectrum là bảo vệ cả hai loại tia UVA, UVB (trong đó cần hiểu tia UVB có thể gây đen da, ung thư da,…).
Đối với sản phẩm dưỡng ẩm cho da cần hiểu việc dưỡng ẩm là cung cấp nước cho lớp sừng và ngăn nước bốc hơi. Như vậy sản phẩm dưỡng ẩm có thể là chất phủ dạng lipid hòa tan như dầu khoáng, glycerin, anpha hydroxy acid, các loại đường,..hay các sản phẩm từ tự nhiên như AHA (Anpha Hydroxy Acide) có trong sữa chua, táo, nho, mía, trái cây,…
Thứ ba, cần có kiến thức về việc chống lão hóa, chống nhăn cho da. Cần hiểu lão hóa da là hậu quả của việc hình thành nhiều gốc tự do trong cơ thể. Như vậy cần giảm thiểu tiếp xúc với tia độc hại có thể làm gia tăng gốc tự do, sử dụng chất bảo vệ da giúp chống hình thành gốc tự do, điều chỉnh chế độ làm việc, ăn uống hợp lý, sử dụng chất kích hoạt sự trao đổi chất trong cơ thể, thực hiện đầy đủ việc giữ ẩm và chống nắng cho da. Sử dụng một số thuốc có tác dụng cải thiện lão hóa da như Retinal, AHA, vitamin C, ….
Thứ tư, cần có kiến thức dự phòng và điều trị mụn trên da như giảm stress, điều chỉnh rối loạn nội tiết, tránh bít tắc lỗ chân lông, hạn chế tẩy tế bào chết quá 2 lần trên tuần,…
Thứ năm, cần có kiến thức về bảo vệ sắc tố da và các sản phẩm làm trắng da. Do melanin trong da có tác dụng hấp thụ tia UV nhằm bảo vệ da nên các trường hợp điều trị tác động phá vỡ sắc tố da như điều trị nám, tán nhang, đồi mồi cần tuyệt đối tuân thủ dùng kem chống nắng đúng theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa. Khi sử dụng dịch vụ làm trắng da thì tùy theo tính chất nghề nghiệp (tiếp xúc với nắng nhiều hay ít) mà lựa chọn các dịch vụ bôi chất lột da, phun chất làm trắng, truyền chất làm trắng, uống thuốc ức chế tế bào sắc tố,…
7. Một số kỹ thuật sẽ triển khai tại Bộ môn Lý - Lý sinh y học
Bộ môn Lý-Lý sinh y học thuộc khoa Khoa học cơ bản của Trường Đại học Y Dược Thái Nguyên. Bộ môn hiện có 03 tiến sĩ, 01 nghiên cứu sinh, 01 thạc sĩ và 02 kỹ thuật viên. Nhiệm vụ của bộ môn là giảng dạy, nghiên cứu khoa học và triển khai ứng dụng các kỹ thuật y vật lý trên lâm sàng. Trong thời gian tới ngoài nhiệm vụ chính là giảng dạy thì bộ môn tập trung phát triển theo 02 hướng:
Thứ nhất, phát triển phòng thí nghiệm Hóa Lý do Tiến sĩ Đặng Văn Thành phụ trách, tập trung vào các lĩnh vực nghiên cứu cơ bản, định hướng ứng dụng trong xử lý các vấn đề về độc chất học và ô nhiễm môi trường.
Thứ hai, hình thành và phát triển khu điều trị Laser thẩm mỹ và chăm sóc da do Tiến sĩ - Bác sĩ Nguyễn Xuân Hòa phụ trách. Hiện tại TS.BS Hòa đang hoàn thiện khóa học “Thẩm mỹ và ứng dụng laser, tế bào gốc trong chuyên ngành da liễu” tại Hà Nội. Với điều kiện cơ sở vật chất đảm bảo và được trang bị 04 máy Laser bao gồm 02 máy Laser CO2 và 02 máy Laser He-Ne, 01 máy Plasma lạnh, như vậy bộ môn có thể triển khai được các kỹ thuật sau:
- Đối với máy Laser CO2: điều trị các khối u lành tính ở da như dày sừng da mỡ, hạt cơm phẳng, u tuyến mồ hôi, u hạt viêm, tăng sản tuyến bã, hạt kê, hạt cơm sùi, mắt cá, sùi mào gà, nốt ruồi, u hắc tố lành tính, xóa nếp nhăn, móng chọc thịt, tàn nhang, xóa xăm,… Ngoài ra một số tổn thương khác như: đốt lộ tuyến cổ tử cung, đốt nang Naboth, đốt Herpes thành âm đạo,..
- Đối với máy Laser He-Ne là thiết bị có 02 chế độ (chiếu ngoài và nội mạch) nên có thể điều trị một số bệnh sau:
+ Da liễu: bệnh Zona, loét loạn dưỡng, loét ổ gà, eczema, viêm da thần kinh, trứng cá viêm bội nhiễm,…
+ Sản phụ khoa: Viêm lộ tuyến tử cung, viêm âm đạo, viêm tuyến bectolin,…
+ Tim mạch: dùng laser nội mạch kết hợp với thuốc điều trị một số bệnh như suy mạch vành nhẹ, cao huyết áp, tai biến mạch máu não, viêm tắc tĩnh mạch chi, thiểu năng tuần hoàn não,…
+ Các chuyên khoa khác: những tổn thương viêm, thiểu dưỡng, nhiễm trùng,…
- Đối với máy Plasma lạnh: các tổn thương thiểu dưỡng, nhiễm trùng, vết loét, bỏng,…
Trong thời gian tới bộ môn có thể tham gia thêm phần đào tạo liên tục kỹ thuật Laser, triển khai và tham gia đào tạo chăm sóc da thẩm mỹ, lăn kim và sử dụng tế bào gốc, tiêm chất làm đầy,….