Hẹp bao quy đầu là tình trạng lỗ mở của bao quy đầu bị hẹp, không thể lộn bao quy đầu để hở quy đầu ra được.
Có thể là hẹp bao quy đầu sinh lý hoặc hẹp thực thể. Khoảng 90% trẻ ở độ tuổi lên 3 không còn tình trạng hẹp bao quy đầu sinh lí. Hẹp thực thể là khi có sự hiện diện của sẹo xơ ở bao quy đầu do viêm nhiễm tái đi tái lại ở bao quy đầu, do nong bao quy đầu quá thô bạo gây rách bao quy đầu.
Tuỳ từng lứa tuổi mà hẹp bao quy đầu có thể có một hoặc phối hợp các biểu hiện sau: (1) tia nước tiểu không đi thẳng mà bị lệch sang một phía; (2) da vùng quy đầu phồng lên mỗi lần đi tiểu; (3) có thể thấy u cặn ở dưới da vùng quy đầu do ứ đọng nước tiểu; (4) có thể sưng đau tại vùng quy đầu do viêm nhiễm; (5) có thể có các biểu hiện của nhiễm khuẩn tiết niệu như đái buốt, đái rắt, thậm chí là đau cả vùng hạ vị do viêm bàng quang; (6) có thể đau dương vật khi dương vật cương; (7) có thể bị thắt nghẹt bao quy đầu (paraphimosis); (8) có thể thấy vòng sẹo trắng ở đỉnh bao quy đầu. Khi khám có thể thấy hoàn toàn không lộn được bao quy đầu hoặc chỉ kéo lộn được một phần bao quy đầu, không nhìn thấy rãnh quy đầu.
Mặc dù là hẹp bao quy đầu sinh lí, nhưng nếu không được vệ sinh đúng cách có thể gây các hậu quả như viêm bao quy đầu và quy đầu, nhiễm khuẩn tiết niệu tái phát, thắt nghẽn bao quy đầu (Paraphimosis). Viêm bao quy đầu và quy đầu tái diễn có thể dẫn đến viêm sẹo xơ bao quy đầu (Balanitis Xerotica Obliterans) và trở nên hẹp bao quy đầu thực thể. Hẹp bao quy đầu có thể ảnh hưởng tới sự phát triển cũng như sự cương của dương vật, tăng nguy cơ mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục, ảnh hưởng đến khả năng thụ thai, thậm chí có thể dẫn đến ung thư dương vật.
Với những trường hợp hẹp sinh lý bao quy đầu ở trẻ nhỏ có thể không cần can thiệp gì, chỉ cần vệ sinh đúng cách, khi trẻ lớn lên sẽ dần hết tình trạng hẹp này. Tuy nhiên, nếu những trẻ này có biểu hiện của nhiễm khuẩn tiết niệu tái diễn, viêm bao quy đầu thì nên can thiệp điều trị để tránh tái phát các nhiễm khuẩn do hẹp bao quy đầu gây ra, để không dẫn đến các biến chứng nguy hiểm.
Với trẻ trên 3 tuổi mà vẫn còn tình trạng hẹp bao quy đầu thì nên xem xét can thiệp để giải quyết sớm tình trạng hẹp bao quy đầu, tránh dẫn đến các biến chứng do hẹp bao quy đầu gây ra.
Với những trường hợp hẹp bao quy đầu thực thể (tức là hẹp có sẹo xơ trắng ở bao quy đầu) thì cần điều trị ngay, vì thường không thể tự hết hẹp được.
Có rất nhiều phương pháp điều trị hẹp bao quy đầu. Có thể lựa chọn các phương pháp ít xâm lấn như nong bao quy đầu đơn thuần bằng tay, bôi thuốc mỡ corticosteroid, phối hợp nong bao quy đầu bằng tay và bôi thuốc mỡ corticosteroid, nhưng đòi hỏi phải kiên trì và tuân thủ đúng liệu trình điều trị mới có kết quả tốt. Có thể lựa chọn nong bao quy đầu bằng dụng cụ, nong bao quy đầu bằng dụng cụ phối hợp với bôi thuốc mỡ corticosteroid, hoặc phẫu thuật cắt bao quy đầu.
Tuỳ theo lứa tuổi của trẻ, tình trạng hẹp sinh lý hay hẹp thực thể bao quy đầu, mức độ hẹp của bao quy đầu, hẹp bao quy đầu đã có biến chứng hay chưa, mức độ tuân thủ liệu trình điều trị mà lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp.
Bệnh viện Trường Đại học Y khoa có đội ngũ bác sĩ chuyên về Ngoại nhi, có nhiều kinh nghiệm trong lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp cho trẻ bị hẹp bao quy đầu sinh lý hoặc người bệnh bị hẹp thực thể bao quy đầu. Người bị hẹp bao quy đầu có thể đến khám và điều trị tại bệnh viện hoặc tư vấn điều trị ngay tại nhà.