1. Đột quỵ não là gì?

Đột quỵ não là bệnh lý gây tử vong đứng thứ 3  sau ung thư và bệnh tim,  là nguyên nhân gây tàn phế lớn nhất trên thế giới. Đột quỵ thiếu máu não chiếm tới 80 – 85% tổng số bệnh nhân đột quỵ,  phần lớn do động mạch não bị tắc nghẽn bởi cục huyết khối. Khi quá trình tắc mạch xảy ra, tế bào não sẽ bị chết do thiếu oxy gây mất chức năng của các vùng não đó, bệnh nhân sẽ có rối loạn về vận động, cảm giác, ngôn ngữ, ý thức…

2. Các dấu hiệu nhận biết đột quỵ não

- Đột ngột xuất hiện tê, liệt ở một nửa bên cơ thể.

- Đột ngột khó phát âm, không nói được hoặc không hiểu được người khác nói.

- Đột nhiên mắt nhìn không rõ đặc biệt ở một bên.

- Đột nhiên  chóng mặt, mất thăng bằng hoặc không phối hợp được các hoạt động.

- Đột nhiên xuất hiện đau đầu trầm trọng mà không rõ nguyên nhân.

Quy tắc F.A.S.T trong nhận biết và xử trí sớm đột quỵ:

- F (Face): biến đổi ở mặt: liệt mặt, méo miệng, nhân trung lệch rõ khi bệnh nhân cười, nói, nhe răng.

- A (Arm): yếu, liệt tay chân đánh giá bằng cách yêu cầu bệnh nhân đưa hai tay lên cao, bệnh nhân sẽ khó hoặc không nâng tay lên được.

- S (Speech): nói khó, ngôn ngữ bất thường.

- T (Time): khi xuất hiện bất kỳ các triệu chứng trên một cách đột ngột cần chuyển bệnh nhân đến bệnh viện gần nhất có khả năng điều trị đột quỵ.

3. Làm gì khi có dấu hiệu đột quỵ?

Những điều cần làm:

- Đặt bệnh nhân ở tư thế thoải mái, nghiêng một bên nếu bị nôn.

- Làm thông thoáng đường thở: nới khăn quàng cổ, tháo răng giả, lau sạch chất nôn, đờm rãi nếu có.

- Tránh không để bệnh nhân bị ngã gây chấn thương.

- Gọi xe cấp cứu nhanh chóng chuyển bệnh nhân một cách nhẹ nhàng, an toàn tới bệnh viện gần nhất có khả năng xử trí đột quỵ.

Những điều cần tránh:

- Không tự điều trị cho người bệnh bằng các phương pháp: bấm huyệt, châm cứu, đánh cảm, đánh gió.

- Không tự ý cho bệnh nhân uống thuốc kể cả thuốc hạ huyết áp.

- Không chờ để bệnh tự khỏi sẽ làm cho bệnh nhân đến bệnh viện muộn (hết giờ vàng), làm cho điều trị khó khăn và ít hiệu quả.

4. Điều trị đột quỵ thiếu máu não bằng thuốc tiêu huyết khối

Mục tiêu chính trong điều trị đột quỵ thiếu máu não cấp là tái thông mạch máu bị tắc nghẽn nhằm cứu lấy vùng mô não đang bị tổn thương.

Hiện nay, thuốc tiêu huyết khối rt - PA là biện pháp điều trị hiệu quả nhất, được khuyến cáo hàng đầu cho các bệnh nhân đột quỵ thiếu máu não cấp trong vòng 3 - 4,5 giờ sau khi khởi phát giúp tái lập nhanh dòng máu tới não. Đây là thời gian vàng trong điều trị đột quỵ, nếu bệnh nhân được can thiệp với các kỹ thuật điều trị hiện đại ngay trong thời gian này sẽ cơ hội sống với di chứng ít nhất.

Cơ chế tác dụng của thuốc tiêu huyết khối

Thuốc tiêu huyết khối được dùng phổ biến hiện nay là một chất hoạt hóa plasminogen mô tái tổ hợp rt-PA (Tissue - Plasminogen Activator) có biệt dược là Alteplase. Huyết khối được hình thành là do fibrin, trong quá trình ly giải huyết khối, plasmin là một chất có tác dụng tiêu hủy fibrin tạo ra các sản phẩm thoái hóa có thể hòa tan được. Chất hoạt hóa plasminogen mô tái tổ hợp rt-PA (biệt dược Alteplase) có tác dụng chọn lọc trên fibrin, chuyển plasminogen thành plasmin làm tiêu cục huyết khối.

 

Sơ đồ: Cơ chế tác dụng của Alteplase

Những bệnh nhân nào sẽ được lựa chọn điều trị bằng thuốc tiêu huyết khối?

- Đột quỵ thiếu máu não cấp trong vòng 4,5 giờ đầu.

- Tuổi ≥ 18 tuổi.

- Điểm NIHSS (đánh giá tổn thương thần kinh): 4 điểm <NIHSS <22 điểm.

- Không có hình ảnh chảy máu não trên CT/MRI sọ não

Chống chỉ định dùng thuốc tiêu huyết khối trong những trường hợp nào?

- Đột quỵ khởi phát >4,5 giờ hoặc không chắc chắn về thời gian.

- Co giật lúc khởi phát.

- Đột quỵ hay chấn thương sọ não trong 3 tháng trước.

- Nhồi máu cơ tim trong vòng 3 tháng.

- Đại phẫu hay có chấn thương trầm trọng trong 14 ngày trước.

- Bệnh sử có chảy máu não, dị dạng mạch máu não, u não, phình động mạch não.

- Chảy máu tiêu hóa hay tiết niệu trong 21 ngày trước.

- Hình ảnh nhồi máu não lớn >1/3 bán cầu.

- Bệnh nhân có khiếm khuyết thần kinh lớn (điểm NIHSS>22).

- Huyết áp không kiểm soát được (HA tâm thu >185 mmHg hoặc HA tâm trương >110 mmHg).

- Chọc động mạch nơi không băng ép được hoặc chọc dò tủy sống 7 ngày trước.

- Điều trị thuốc kháng đông gần đây với INR>1,7.

- Đường máu <2,8mmol/l hay >22,2mmol/l.

- Tiểu cầu <100.000/mm3.

Kỹ thuật tiêu huyết khối được tiến hành như thế nào?

- Trước khi tiến hành kỹ thuật, người bệnh sẽ được đánh giá về mức độ tổn thương thần kinh, xét nghiệm máu, chụp CT sọ não và loại trừ các chống chỉ định. Việc tiến hành tiêu huyết khối có thể thực hiện ngay trên bàn chụp CT sọ não hoặc tại khoa cấp cứu.

- Các thuốc được chuẩn bị: Actilyse (Alteplase) lọ 50mg, Natriclorid 0,9%, thuốc chống sốc, thuốc hạ huyết áp.

- Liều dùng  Alteplase là 0,6 – 0,9 mg/kg cân nặng, tiêm Bolus 15% trong vòng 1-2 phút, số còn lại đặt bơm tiêm điện truyền trong 60 phút.

- Trong khi truyền bệnh nhân sẽ được đánh giá huyết áp, các triệu chứng thần kinh 15 phút một lần, sau đó 30 phút một lần và 1 giờ một lần cho tới 24 giờ sau truyền.

- Chụp lại CT sọ não sau 24 giờ và có thể dùng thuốc chống kết tập tiểu cầu sau đó nếu không thấy có biểu hiện chảy máu.

Tai biến sau dùng thuốc tiêu huyết khối Alteplase?

Trong và sau khi dùng thuốc tiêu huyết khối có thể xảy ra một số biến chứng như chảy máu não, chảy máu ngoài sọ hoặc phản ứng quá mẫn với thuốc. Tuy nhiên, các biến chứng này thường không trầm trọng nếu được phát hiện và xử trí kịp thời.

5. Dự phòng tái phát sau đột quỵ não

Để giảm nguy cơ tái phát ở các bệnh nhân đột quỵ não cần phải có chiến lược dự phòng phù hợp ở mỗi bệnh nhân. Các biện pháp chung được khuyến cáo là  thay đổi lối sống, kiểm soát các yếu tố nguy cơ và dự phòng tình trạng đông máu bằng thuốc. Như vậy việc phát hiện sớm đột quỵ não, cấp cứu kịp thời, điều trị và dự phòng đúng sẽ làm giảm nguy cơ tử vong và di chứng sau đột quỵ.

BSCKII Phạm Thị Kim Dung - Bộ môn Thần kinh