Theo Globocan 2012, ung thư cổ tử cung là loại ung thư phổ biến đứng hàng thứ tư ở nữ giới, và đứng hàng thứ 7 trong số tất cả các loại ung thư. Trên thế giới ước tính có khoảng 528.000 ca ung thư cổ tử cung mới mắc năm 2012 và khoảng 266.000 phụ nữ tử vong vì căn bệnh này, chiếm 7,5% trong số những trường hợp tử vong vì ung thư ở nữ giới.
Tại Việt Nam, tỷ mắc ung thư cổ tử cung chuẩn theo tuổi có sự chênh lệch giữa 2 miền. Ở Miền Bắc tỷ lệ mắc ung thư cổ tử cung là 6,5/100.000 phụ nữ, trong khi ở miền Nam tỷ lệ này là 20/100.000 phụ nữ. Ước tính năm 2012, nước ta có khoảng 5.146 trường hợp ung thư cổ tử cung mới mắc. Ung thư cổ tử cung gặp cao nhất ở lứa tuổi từ 45 đến 54 tuổi và ngày càng có xu hướng trẻ hóa.
Ung thư cổ tử cung có thể phát hiện sớm từ giai đoạn tiền ung thư (loạn sản). Thời gian tiến triển từ giai đoạn tiền ung thư thành ung thư xâm nhập từ 5 đến 10 năm. Ung thư cổ tử cung nếu được phát hiện sớm và điều trị có thể khỏi hoàn toàn.
HPV (Human Papilloma Virus) được biết đến là yếu tố nguy cơ hàng đầu gây ra các biến đổi loạn sản và ung thư cổ tử cung, được lây qua đường tình dục. Ngoài ra còn có một số yếu tố nguy cơ khác như: hành vi tình dục, nhiễm Herpes Virus típ 1, 2, Chlamydia Trachomatis, Cytomegalovirus, Epstein-Barr virus, hút thuốc lá, dinh dưỡng ....
Giai đoạn tiền ung thư không có triệu chứng gì đặc hiệu, bệnh nhân thường được phát hiện tình cờ khi đi khám định kỳ hoặc được tư vấn làm xét nghiệm sàng lọc khi đi khám phụ khoa.
Giai đoạn sau thường thấy một số dấu hiệu: ra huyết bất thường (giữa 2 kỳ kinh, sau giao hợp, đại tiện gắng sức, sau mãn kinh, v.v...), khí hư nhiều, hôi, đau hạ vi, đau ngang cột sống thắt lưng, biếng ăn, sút cân.
Test Pap đóng vai trò quan trọng trong chẩn đoán, sàng lọc phát hiện sớm ung thư cổ tử cung. Ưu điểm của Test Pap:
- Độ nhạy và độ đặc hiệu cao.
- Tỷ lệ âm tính giả và dương tính giả thấp.
- Rẻ tiền.
- Tiết kiệm được thời gian.
- Có thể lặp lại nhiều lần.
- Không đau, không gây chảy máu.
- Có thể thực hiện rộng rãi tại cộng đồng.
Vậy những đối tượng nào thì cần đi làm Test pap?
Theo hướng dẫn của Hội ung thư Mỹ:
- Sàng lọc ung thư cổ tử cung nên bắt đầu khoảng 3 năm sau khi người phụ nữ có quan hệ tình dục, nhưng không quá 21 tuổi.
- Trước 30 tuổi, sàng lọc nên được thực hiện hàng năm với test thường quy hoặc hai năm một lần với test Pap chất lỏng (Thin prep).
- Từ 30 tuổi trở lên, những người đã có 3 lần test bình thường thì 2-3 năm thực hiện test Pap một lần hoặc 3 năm một lần với test Pap kèm test HPV.
- Người trên 70 tuổi có nhiều hơn 3 test Pap bình thường và không có kết quả bất thường trong vòng 10 năm thì có thể ngừng sàng lọc.
- Người đã cắt tử cung hoàn toàn có thể chọn ngừng test sàng lọc (ngoại trừ người có tiền sử CIN 2 (loạn sản vừa), CIN3 (loạn sản nặng, ung thư tại chỗ), ung thư xâm nhập cổ tử cung.
- Phụ nữ có tiền sử ung thư cổ tử cung, người dùng ức chế miễn dịch rất cần sàng lọc. Ở nước ta, ung thư cổ tử cung đứng hàng thứ hai (sau ung thư vú) trong số các bệnh ung thư ở phụ nữ. Việc tiến hành Test Pap định kỳ có thể giúp chị em phụ nữ phát hiện sớm ung thư cổ tử cung, ngay từ khi ở giai đoạn tiền ung thư. Đã có nhiều nghiên cứu cho thấy phát hiện sớm ung thư cổ tử cung việc điều trị đơn giản hơn, tiết kiệm hơn, tỷ lệ sống không bệnh và sống toàn bộ cao. Các chị em phụ nữ nằm trong số các đối tượng sàng lọc trên cần đến các cơ sở y tế, nơi có các bác sĩ chuyên ngành Giải phẫu bệnh để được làm Test Pap. Phòng xét nghiệm Giải phẫu bệnh – Thuộc Bộ môn Giải phẫu bệnh, Trường Đại học Y Dược Thái Nguyên là một địa chỉ tin cậy có thể sàng lọc phát hiện sớm ung thư cổ tử cung cho chị em phụ nữ trong và ngoài tỉnh.
Tác giả: ThS.Bs Lê Phong Thu
Phó trưởng Bộ môn Giải phẫu bệnh