Khái niệm chung
Các rối loạn dạng cơ thể là các rối loạn tâm thần đa dạng biểu hiện nổi bật và chủ yếu bằng sự tái diễn các triệu chứng cơ thể như đau không rõ khu trú, tê bì, nuốt nghẹn…. Người bệnh luôn đau khổ, bận tâm về các triệu chứng cơ thể này, dai dẳng phàn nàn và liên tục yêu cầu được khám, xét nghiệm và điều trị các triệu chứng này. Mặc dù các khám xét cận lâm sàng và lâm sàng tại nhiều cơ sở y tế luôn cho kết quả bình thường và không có cơ sở để kết luận về bệnh cơ thể nhưng không thể thuyết phục được người bệnh.
Các bệnh nhân rối loạn dạng cơ thể thường có thời gian nhiều tháng, nhiều năm đến khám, làm nhiều xét nghiệm và điều trị tại nhiều chuyên khoa bệnh thực thể như Nội, Tai Mũi Họng, Da liễu… tại nhiều bệnh viện mà không kết quả. Đa số bệnh nhân được giới thiệu đến chuyên khoa Tâm thần khi đã có các hậu quả tâm lý, tâm thần do quá trình khám và điều trị bệnh kéo dài, một số bệnh nhân đến khám do tình cờ hoặc do các bác sỹ chuyên khoa bệnh thực thể có kinh nghiệm giới thiệu.
Nguyên nhân
Bệnh thường khởi phát ở lứa tuổi trẻ với các triệu chứng bắt đầu liên quan đến sang chấn tâm lý, thường là các sang chấn tâm lý trường diễn, hoàn cảnh xung đột như các khó khăn, bất bòa trong gia đình, nơi làm việc, cô đơn, bị bỏ rơi,… Một số trường hợp không tìm thấy căn nguyên tâm lý rõ ràng. Các yếu tố về nhân cách như nhân cách lo âu, hướng nội không thăng bằng cũng được cho là có liên quan đến bệnh.
Đặc điểm lâm sàng
Biểu hiện bằng các triệu chứng cơ thể nhiều loại, tái diễn và luôn thay đổi, thường xuất hiện một thời gian dài nhiều tháng, nhiều năm trước khi bệnh nhân đến khám bác sỹ tâm thần. Bệnh gặp ở nữ nhiều hơn nam, gặp ở mọi lứa tuổi và có thể bắt đầu ở tuổi vị thành niên. Hầu hết bệnh nhân đã được thăm khám qua nhiều thày thuốc, nhiều chuyên khoa ở nhiều cơ sở y tế.
* Các triệu chứng dạng cơ thể thường gặp:
· Đau dai dẳng, không khu trú, hay thay đổi, nặng lên khi chú ý (thường gặp đau đầu, đau ngực, đau bụng, đau vai gáy…, có thể kèm theo hoặc không kèm theo các triệu chứng khác như chóng mặt, ợ hơi, buồn nôn, đầy chướng….
· Các triệu chứng ngoài da: tê bì, kiến bò, rát bỏng, kim châm…
· Các triệu chứng “cục, hòn” như nuốt vướng nuốt nghẹn, khó thở, có u cục chạy ở bụng…
· Các biểu hiện của hưng phấn thần kinh thực vật như hồi hộp, đánh trống ngực, ra mồ hôi, run tay chân, đỏ mặt... hoặc các triệu chứng chủ quan, không đặc hiệu, có tính chất riêng biệt như: cảm giác đau thoáng qua, cháy bỏng, nặng nề, bị bó chặt hoặc cảm giác sưng phù hay căng da.
* Các triệu chứng rối loạn tâm lý, tâm thần
Do việc khám xét nhiều mà không tìm ra bệnh, điều trị không đúng, các triệu chứng kéo dài, dai dẳng, mất nhiều thời gian tiền của làm người bệnh khó chịu, lo lắng, chán nản dẫn đến các biểu hiện:
· Rối loạn giấc ngủ: ngủ không ngon giấc, khó ngủ, ngủ ít, thậm chí có thể mất ngủ hoàn toàn
· Mệt mỏi thường xuyên dù được nghỉ ngơi
· Cảm xúc không ổn định: dễ cáu gắt, dễ tức giận, dễ khóc.
· Trầm cảm: buồn chán, tự ti, giảm hoặc mất các thích thú với những việc trước đây cảm thấy ham thích, ngại giao tiếp, cảm giác vô dụng, có lỗi, có tội có thể dẫn đến ý nghĩ tự sát.
· Lo âu: bồn chồn, bất an, lo lắng cho tương lai, lo sợ những điều không may có thể xảy đến với mình và người thân, có thể có các triệu chứng tăng quá mức hoạt động thần kinh thực vật như hồi hộp, đánh trống ngực, mạch nhanh, hụt hơi khó thở, vã mồ hôi, run chân tay, cơn nóng bừng, lạnh run…
· Giảm chức năng tình dục, rối loạn kinh nguyệt.
· Các tật chứng về xã hội: bỏ bê việc gia đình, thường xuyên nghỉ việc, từ chối tham gia các hoạt động xã hội…
Các triệu chứng tiến triển mạn tính và dao động, thường kết hợp một số rối loạn hành vi tác phong trong giao tiếp, gia đình và xã hội. Có thể có nghiện hoặc lạm dụng thuốc (hay gặp thuốc giảm đau và thuốc an dịu) do quá trình dùng thuốc kéo dài..
Cận lâm sàng: các xét nghiệm máu, chụp chiếu, điện tim, điện não, siêu âm, chụp cắt lớp vi tính đều cho kết quả bình thường.
Chẩn đoán
Chẩn đoán xác định Chẩn đoán các rối loạn dạng cơ thể dựa vào tất cả các tiêu chuẩn sau:
a- Ít nhất hai năm có các triệu chứng cơ thể nhiều và thay đổi, mà không tìm thấy một giải thích thoả đáng nào về mặt cơ thể.
b- Dai dẳng từ chối chấp nhận lời khuyên hoặc lời trấn an của nhiều bác sĩ rằng không cắt nghĩa được các triệu chứng về mặt cơ thể.
c- Một số mức độ tật chứng của hoạt động xã hội và gia đình có thể qui vào bản chất của các triệu chứng và hành vi đã gây ra.
Chẩn đoán phân biệt:
+ Các bệnh thực thể: các rối loạn dạng cơ thể cần được phân biệt với các bệnh thực thể. Trước khi chẩn đoán là rối loạn dạng cơ thể bệnh nhân cần được khám xét kỹ về lâm sàng và làm các xét nghiệm để phân biệt.
+ Các bệnh tâm thần khác: lo âu, trầm cảm, rối loạn do sử dụng chất gây nghiện…
Điều trị
Các rối loạn dạng cơ thể có nguyên nhân tâm lý và triệu chứng cơ thể gắn bó với nhau, bệnh cảnh lâm sàng rất phức tạp nên việc điều trị có thể gặp nhiều khó khăn. Mỗi rối loạn cụ thể cần phải khám xét tỷ mỷ và có kế hoạch điều trị thích hợp với từng giai đoạn của bệnh.
Nguyên tắc điều trị chung:
Dùng liệu pháp tâm lý là chủ yếu, lập kế hoạch và chiến lược điều trị thích hợp với từng bệnh nhân. Đồng thời điều trị tích cực các triệu chứng dạng cơ thể, kết hợp chặt chẽ với các chuyên khoa khác trong khám, theo dõi và điều trị.
Những trường hợp có diễn biến nặng cần phải điều trị nội trú ở các bệnh viện chuyên khoa để kịp thời xử trí các biến chứng bất thường có thể xảy ra trong quá trình điều trị. Các loại thuốc được sử dụng là các chất tác động vào quá trình sinh học của stress, thuốc giải lo âu, các thuốc chống trầm cảm, thuốc bổ sung chất khoáng và vitamin…
Các sang chấn tâm lý có thể được trợ giúp bằng thuốc hoặc các liệu pháp tâm lý phù hợp.
Kết hợp rèn luyện nhân cách cho bệnh nhân, tính chịu đựng trước các sang chấn tâm lý trong cuộc sống, công việc và học tập, thích ứng nhanh và linh hoạt với các điều kiện sống không thuận lợi.
Phương pháp thư giãn luyện tập có tác dụng điều trị tốt, đồng thời cũng có tác dụng phòng bệnh có hiệu quả.
Tác giả: Đàm Thị Bảo Hoa