Nhân kỷ niệm Ngày Điều dưỡng Thế giới 12 tháng 5 năm 2016

Đã hơn 100 năm, kể từ khi Florence Nightingale - người tiên phong trong lịch sử Điều dưỡng thế giới qua đời (ngày 13 tháng 8 năm 1910) tại Anh Quốc, nhưng tên tuổi và công lao to lớn của bà vẫn luôn được hàng triệu người trên thế giới nhắc tới. Đặc biệt đối với lịch sử phát triển Ngành Điều dưỡng Thế giới nói chung và các điều dưỡng ở chiến trường nói riêng. Bài viết này, xin được tóm lược về thân thế, con đường nghề nghiệp và sự đóng góp của Florence Nightingale - người phụ nữ sáng lập Ngành Điều dưỡng Thế giới

1. Thân thế

Florence Nightingale (1820 – 1910), sinh ra trong một gia đình người Anh quyền quí, nền nếp. Cha là William Edward Nightingale, dòng dõi điền chủ, lịch thiệp và giầu có do được hưởng một gia sản lớn, vì vậy ông sống một cuộc sống sang trọng, thích đọc sách và đi săn. Mẹ là Fanny dòng dõi phú thương, rất xinh đẹp. Ngay sau khi cưới ông bà đi du lịch ở các nước Châu Âu và sinh được hai người con gái trên đường đi du lịch. Người chị tên là là Parthenope Nightingale được sinh ra ở Hy Lạp và cô em là Florence Nightingale được sinh ra ở Ý.

Florence lúc còn nhỏ được sống trong cảnh nuông chiều, nhàn nhã, phong lưu, ngay từ nhỏ cô đã thể hiện là một người sống có mục đích. Được cha mẹ cho ăn học từ nhỏ, Florence là người rất giỏi về triết học, toán học, biết nhiều ngoại ngữ, tiếng Pháp, tiếng Hy Lạp và có năng khiếu về văn chương.

Florence có tư chất thông minh, thích đọc sách về triết học, tôn giáo, chính trị và cảm thấy thú vị khi chăm sóc cho những nông dân bị đau ốm và cả súc vật nuôi trong gia đình. Niềm đam mê của bà là bí mật tìm đọc các sách dạy cách chăm sóc người bệnh mà bà thu thập được, rồi đi thăm các bệnh viện tại London và những vùng lân cận.

Vào năm 1842, người Anh gặp nạn đói, người nghèo chết như rạ. Chứng kiến cảnh đói nghèo, người dân bị bệnh tật xâu xé và sự chết chóc đã làm cho Florence động lòng thương sâu sắc. Vì vậy, Florence khát khao được vào làm việc ở các dưỡng đường như các bà phước bên Thiên chúa giáo để chăm sóc cho người nghèo. Florence cho rằng, công việc có nghĩa nhất và phù hợp nhất đối với cô là săn sóc bệnh nhân, nhưng cứ ngỏ lời thì bị cha mẹ ngăn cản, vì thế luôn luôn có sự xung đột giữa cô và gia đình. Để chọn nghề chăm sóc cho người nghèo, Florence không quản ngại cực nhọc khó khăn và những người tàn tật bệnh họan không nơi nương tựa.

2. Con đường đến với nghề Điều dưỡng

Khi 20 tuổi, Florence đã chọn con đường cho mình là chăm sóc bệnh nhân. Mỗi khi ngỏ ý với cha mẹ, Florence lại gặp sự phản đối quyết liệt vì nghề chăm sóc bệnh nhận tại thời điểm đó bị xã hội coi thường, không một gia đình danh giá nào chịu cho con theo nghề này. Mẹ cô kinh hoàng nói rằng cô đã bị điên, cha cô thì cho rằng đó là một nghề ghê tởm và người chị Parthenope cho là đó là một nghề làm nhục gia phong. Cha mẹ Florence thất vọng, vì cô con gái xinh đẹp và có học lại không chọn cho mình một nghề cao quí xứng đáng với truyền thống gia đình, mà lại sinh chứng muốn làm nghề nữ điều dưỡng, một nghề thấp hèn.

Vào thời đó, tình trạng vệ sinh trong các dưỡng đường rất tồi tệ. Tình cảnh ở Anh, ở Áo, Đức và Hungary các phòng dưỡng đường chứa năm sáu chục bệnh nhân, chiếu, nệm không thay, cứ người trước ra thì người sau lại vào, sàn, tường đầy vết dơ bẩn do vấy máu mủ. Vì vậy, hầu hết các sản phụ, sau khi sinh con bị sốt sản hậu rồi chết, vì vậy dân chúng gọi là "bệnh sốt dưỡng đường". Florence bắt đầu lưu tâm tới các dưỡng đường, tỏ lòng thương các bệnh nhân nằm trong đó và tìm cách giúp đỡ họ.

Vào tháng 6 năm 1851, Florence sang Đức thăm Viện Kaiserworth do một mục sư sáng lập. Viện gồm có một bệnh xá, một trường học và một nhà nuôi trẻ mồ côi. Florence xin phép cha mẹ ở lại đó ba tháng để học cách săn sóc bệnh nhân. Đầu năm 1853 Florence qua Pháp thăm các dưỡng đường ở Paris, rồi lần này Florence tự ý vô nhà tu Maison de la Providence học thêm nghề săn sóc bệnh nhân. Khi về nước bà quyết định không ở chung với gia đình mà vào giúp việc cho một bệnh xá do hội Thiện lập ở Harley Street. Vậy là đến năm ba mươi ba tuổi, vượt qua định kiến và sự ngăn cản của gia đình, bước ra khỏi cái bóng của tấm màn nhung, Florence quyết định trở thành một Điều dưỡng, một công việc không thuộc đẳng cấp của một Qúy cô thượng lưu và có học thời ấy. Đức kiên nhẫn và nghị lực của Flornce thật phi thường, chống chọi với gia đình, từ bỏ cuộc sống sang trọng để thực hiện lý tưởng của mình đó là chăm sóc cho những người nghèo, đang bị bệnh tật và cái chết đe dọa.

3. Người phụ nữ với cây đèn

Từ năm 1854-1856, chiến tranh xảy ra giữa nước Nga với phía bên kia là nước Anh, Pháp và Thổ Nhĩ Kỳ, lịch sử gọi là chiến tranh "Crimea War". Nga hoàng Nicolas I muốn chiếm Constantinople hồi đó nằm ở trong tay Thổ - để tìm đường ra Địa Trung Hải, nên đem quân lại bán đảo Crimea. Anh quốc không muốn cho Nga chiếm Comstantinople nên đã cử quân đội đến Scutari (nay là một thành phố của thổ Nhĩ Kỳ) để giúp Thổ Nhĩ Kỳ chống Nga.

Bị quân đội Nga chống cự kịch liệt, làm cho gần 5000 lính Anh bị thương, tử trận và chết vì nhiễm trùng bệnh viện, thêm vào đó dịch tả bùng phát trong quân đội Anh, vì vậy hàng ngàn lính anh được đưa về Bệnh viện Barack (là bệnh viện dã chiến của quân đội Anh, tại Scutari). Những người lính Anh lâm vào tình cảnh bị thương không có người chăm sóc, màn trời chiếu đất, bệnh viện dã chiến hỗn độn, vô tổ chức và thiếu thốn mọi thứ.

Báo chí từ mặt trận gửi về làm chấn động dư luận nước Anh nên chính quyền Anh đã mời Florence Nightingale giúp đỡ. Nhận được tin, Florence lập tức gửi thư thỉnh nguyện đến "Văn phòng đặc trách Chiến sự" xin được tới phục vụ các thương bệnh binh và được chấp thuận. Florence đã tuyển 38 phụ nữ tình nguyện cùng cô ra mặt trận (14 nữ điều dưỡng và 24 người nữ trong số hội viên của các cơ quan tôn giáo). Florence được giao nhiệm vụ toàn quyền chỉ huy các nữ điều dưỡng ở bệnh viện dã chiến Barack tại Scutari.

Khi tới Scutari, bệnh viện dã chiến của Anh trên đất Thổ Nhĩ Kỳ, có tới hàng ngàn thương binh đang nằm la liệt tại bệnh viện, nhiều người chết vì thương tật, vì đói lạnh, vì bệnh dịch tả và nhiễm trùng do tình trạng ô nhiễm của bệnh viện dã chiến. Thậm chí nhiều người bệnh chết không kịp chôn, thương binh vào bệnh viện hàng nửa tháng không được điều trị, không có đủ giường nằm, không có quần áo để thay, thiếu thốn mọi thứ.

Trước tình cảnh đó, Florence đề nghị với bác sĩ Menzies là người phụ trách bệnh viện dã chiến cho bệnh nhân nệm và quần áo sạch để thay, cho họ mỗi ngày một món xúp và có đủ trà để uống. Bác sĩ đáp: "Những xa xỉ phẩm đó, không nên cho bọn lính hưởng". Ngay từ khi Florence tới mặt trận, bác sĩ Menzies đã không có mấy thiện cảm, thái độ của ông là mặc kệ không giao việc cho Florence và nhóm điều dưỡng. Bất chấp thái độ khinh thường của vị Bác sĩ, Florence và những nữ điều Dưỡng viên nhiệt tâm phục vụ bệnh nhân của mình với những bàn tay dịu dàng và khéo léo. Họ đã góp tiền mua sắm thêm quần áo, giường chiếu, thuốc men và thực phẩm cho những thương bệnh binh. Nhưng sau đó mùa đông lạnh giá tới, bệnh nhân dồn về mỗi ngày một gia tăng, Bác sĩ Menzies không xoay sở nổi và đánh phải nhờ tới sự giúp đỡ của 38 nữ điều dưỡng.

Đặt chân đến bệnh viện Barrack tại Scutari, Florence và các cộng sự được chứng kiến một thực trạng tàn tệ vượt xa mọi dự đoán của họ. Tình trạng rác rưởi chất đống khắp mọi nới, không khí của bệnh viện thật ảm đạm, những người lính bị trọng thương rên xiết và rú hét đáng thương. Florence bắt tay vào việc đầu tiên là lau quét, dọn dẹp bệnh viện dã chiến, thu xếp một khu riêng biệt để bác sĩ phẫu thuật. Trước đó, nơi này không có bàn mổ riêng, bệnh nhân nằm tại giường của mình rồi bị buộc tay, buộc chân để phẫu thuật, ngay trước mắt những bệnh nhân ở xung quanh. Thời điểm đông thương binh nhất là tháng giêng năm 1855, có tới 12.000 người bệnh mà bệnh viện dã chiến chỉ có 85 người săn sóc họ.

Florence phải làm việc suốt ngày, mỗi đêm chỉ nghỉ được vài giờ. Ngày nào cũng đi thăm hết các phòng bệnh một lượt, đối với những người thương binh nặng, cô ngồi lại chuyện trò, rồi cắt đặt nữ điều dưỡng ở luôn bên cạnh để giúp đỡ cho đến khi họ tắt thở. Cô không muốn những người lính chết trong cảnh cô đơn, không có một ai ở bên cạnh để vuốt mắt. Trong đêm tối, Forence thường cầm đèn đi chăm sóc cho từng thương bệnh binh từ mặt trận chuyển về. Vì thế, các thương binh đã đặt cho bà danh hiệu "Nữ công tước với cây đèn". Nightingale đã cứu được hàng nghìn mạng sống của thương bệnh binh và cũng được mọi người gọi là "Thiên thần trong bệnh viện".Vì vậy, lính Anh thương bà như mẹ.

Sau một thời gian, tình hình chăm sóc người bệnh tại bệnh viện dã chiến ở Scutari đã thay đổi, Florence lại đầu tư sức lực cải thiện đời sống tinh thần và sửa đổi thói quen uống rượu của lính. Lúc đó, người ta cho rằng lính phải cho uống thật nhiều rượu để họ khỏi sợ chết, phải kích thích thú tính của họ thì họ mới hăng hái chiến đấu. Florene phản đối kịch liệt những quan điểm sai trái này. Cô đề nghị với các sĩ quan cấm rượu và cho lính được phép gửi tiền về nhà. Lúc đó uy tín của cô đã lớn, lính nghe cô răm rắp. Lúc này ở Anh, từ nữ hoàng đến dân chúng ai cũng biết đến tên tuổi và ngưỡng mộ cô. Các sĩ quan tuy mới đầu phản đối, rồi sau cũng phải nghe cô. Florence vận động lính Anh tiết kiệm tiền gửi về nhà, cô lập sổ sách để giúp giữ tiền cho mọi người, và trong sáu tháng lính trong quân đội Anh ở Crimée đã gửi về nhà được 71.000 bảng Anh. Tiếp đó cô lập một thư viện cho quân đội, mở lớp dạy học cho quân đội và làm sân bóng để cho lính tập thể thao, giáo dục các sĩ quan về cách đối xử nhân đạo với quân lính.

Sau khi cuộc chiến kết thúc, năm 1857 Florence Nightingale trở về quê hương trong niềm vinh hạnh được Nữ Hoàng Victoria tuyên dương công trạng vì những đóng góp to lớn của bà cho Quân đội Hoàng gia và hơn cả là tôn vinh một con người có trái tim giàu nhân ái. Bà được báo chí ca ngợi là người phụ nữ nổi tiếng nhất thời đó, chỉ thua có nữ hoàng Victoria Đệ Nhất.

Khi không còn khả năng làm việc, Florence được nhân dân và các chiến sĩ Anh tặng món quà 50.000 bảng Anh để chăm sóc sức khỏe. Florence đã dùng số tiền có được để vận động thành lập Trường đào tạo Điều Dưỡng đầu tiên trên Thế giới tại bệnh viện Saint Thomas ở London khi bà bước vào tuổi 40 và sau này, Bệnh viện Saint Thomas trở thành chiếc nôi để Florence Nightingale nuôi dưỡng, truyền thụ mọi kỹ năng và niềm say mê cho những ai muốn trở thành điều dưỡng.

4. Di sản để lại

Đóng góp quan trọng nhất của Florence Nightingale cho ngành y tế là trong thời kỳ xảy ra cuộc chiến Crimea ở Thổ Nhĩ Kỳ bà đã phát hiện vấn đề vệ sinh không được để ý tới và tình trạng nhiễm trùng tập thể là chuyện thường tình và đa số dẫn đến cái chết. Vì vậy, bà là người đầu tiên đặt nền tảng về vệ sinh trong các cơ sở y tế. Không có phép màu, không có hào quang nhưng Florence Nightingale đã đóng góp làm giản tỷ lệ thương binh bị tử vong từ 42% do nhiễm trùng xuống chỉ còn 2%, đó chính là bằng chứng từ kinh nghiệm trong quá khứ nhờ vào các biện pháp vệ sinh môi trường bệnh viện của bà.

Khi bà còn ở Thổ Nhĩ Kỳ, vào cuối năm 1855 đã có những vận động quyên góp để giúp bà thành lập trường đào tạo nữ điều dưỡng mang tên Nightingale Fund. Khi trở về, bà mở trường mang tên Nightingale Training School ở bệnh viện St. Thomas Hospital năm 1860, nay là một phần của trường King’s College London.

Bà viết một cuốn sách “Cẩm nang điều Dưỡng” (Notes on Nursing), được phát hành năm 1860 và trở thành tài liệu căn bản cho trường Nightingale và các trường điều dưỡng khác. Bà Nightingale sau đó dành trọn cuộc đời của mình cho ngành điều dưỡng và cải thiện ngành này cho phù hợp với thời đại mới.

Florence Nightingale đóng một vai trò quan trọng trong việc thành lập Ủy Ban Hoàng Gia về tình trạng y tế trong quân đội. Bà đã đóng góp đưa ra những bản báo cáo dài hơn 1,000 trang với đầy đủ chi tiết thống kê. Những bản báo cáo này dẫn đến việc thay đổi toàn bộ việc chăm sóc sức khỏe cho quân nhân, thành lập trường Quân Y và hình thành hệ thống hồ sơ bệnh án của các binh sĩ.

Nỗ lực của bà Nightingale đã là sự khuyến khích cho các nữ điều dưỡng trong thời kỳ Nội Chiến Hoa Kỳ. Chính quyền Liên Bang đã nhờ bà cố vấn về việc tổ chức cứu thương và điều trị bệnh binh. Năm 1877 bà giúp huấn luyện Linda Richards, người mệnh danh là “nữ điều dưỡng có huấn luyện đầu tiên của Hoa Kỳ.” Bà Linda Richards về sau trở thành nhân vật tiền phong trong ngành điều dưỡng ở Hoa Kỳ và Nhật Bản.

Năm 1859 bà được bầu làm nữ hội viên đầu tiên của Hội Thống Kê Hoàng Gia Anh (Royal Statistical Society) và sau đó thành hội viên danh dự của Hội Thống Kê Hoa Kỳ.

Tại Mỹ lập ra một hội từ thiện đặt tên là Florence Nightingale. Khắp thế giới thừa nhận bà là "người mở đường cho sự thành lập Hội Hồng Thập Tự quốc tế". Hội đồng Điều dưỡng quốc tế, lấy ngày sinh của Florence Nightingale, ngày 12 tháng 5 hàng năm là ngày Điều dưỡng quốc tế.

Trong lịch sử quân đội, từ trước tới nay chưa một phụ nữ Anh nào được quân đội và dân chúng quý mến như Florence. Nữ hoàng Victoria khi biết được sự tận tụy của Florence cũng phải cảm động, bà đọc tất cả những bản báo cáo của Florence, viết thư khen và ủng hộ các công việc của Florence đang làm ở mặt trận. Chiến tranh Crimea kết thúc vào năm 1856, các bên đều thiệt hại nặng, bản thân bà Florence cũng bị mắc bệnh, bà trở về Anh Quốc. Những người vợ lính Anh có chồng đã được bà chăm sóc và dân chúng Anh đã sáng tác nhiều bài hát, bài thơ để ca ngợi Florence Nightingale.

Florence đã trọn đời cống hiến cho con người, cho ngành Điều dưỡng, bà không lập gia đình để toàn tâm theo đuổi các hoạt động xã hội. Năm 30 tuổi, bà đã trở thành người điều hành và tổ chức chăm sóc sức khỏe cho những người nghèo khổ tại thủ đô nước Anh, sắp xếp hợp lý và đưa ra các tiêu chuẩn cho công tác điều dưỡng. Trong vòng 2 năm, bà đã trở thành một trong những nhà lãnh đạo đầy quyền uy tại các bệnh viện ở Anh quốc.

Ngày 13 tháng 8 năm 1910, ở tuổi 90, bà qua đời tại Anh Quốc. Trong di chúc, bà tỏ ý muốn hiến xác cho khoa y học. Chính phủ Anh không dám nhận, nhưng trọng tinh thần khiêm tốn bình dị của bà, không làm lễ quốc tang, không chôn bà ở điện Wesminster cùng với các danh nhân của dân tộc. Bà đã để lại cho chúng ta bài học: Làm được một việc thiện không phải là dễ; Muốn cải cách một chế độ, phải kiên nhẫn chiến đấu, có khi tới nửa thế kỷ mới thành công.